Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Những chuyến bay” đầy thú vị của nhóm M6

Hoàng Lân| 16/03/2012 21:16

(HNMO) - Sau

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến (trái) và nhạc sĩ Lê Tâm trong nhóm M6


Những tác giả trong nhóm M6 đều là những cái tên rất quen thuộc với thị trường âm nhạc Việt Nam. Các tác giả Ngô Tự Lập, Nguyễn Lê Tâm, Nguyễn Thắng, Nguyễn Vĩnh Tiến, Ngô Hồng Quang đều có những sáng tác ghi dấu ấn. Mỗi người một phong cách khác nhau, họ đã mang đến cho âm nhạc Việt Nam những màu sắc riêng biệt và mới lạ.

Trong album mới này, Ngô Tự Lập tái xuất với hai ca khúc semi-clasic trong trẻo. "Chim ngói bay về", với giai điệu phảng phất âm hưởng đồng quê, giống như lời người ca vẻ đẹp thuần khiết của người con gái Việt Nam. "Nhà xưa" mênh mang đồi núi nhưng cũng đầy chiêm nghiệm về quê hương và tình người.

Trong khi đó, Nguyễn Lê Tâm vẫn giữ được nét hào hoa cả khi anh sự chiêm nghiệm về Tổ quốc trong "Tiếng Việt" và tinh nghịch lý giải về tình yêu trong "Ô chữ Y Ê và Ô"). Rất đơn giản và thấm đẫm dân ca, giai điệu rất đẹp của "Tiếng Việt" khiến người nghe buộc phải nghe đi nghe lại và nhận ra sự tương đồng hiếm có giữa nhạc và lời (phỏng thơ Lưu Quang Vũ).

Nguyễn Thắng, trong album này, tỏ ra dịu dàng hơn. "Ru à ơi" không phải là một bài hát ru mà là một bài hát về tiếng ru của mẹ. "Khúc tự tình cho em" thật hợp cho những người đang yêu. Bài hát dịu dàng, ngọt ngào. Thắng ví nó "như là cơn gió", "như là mây trắng" tình yêu trước ngày hạnh phúc.

Nguyễn Vĩnh Tiến, với hai ca khúc "Cụ tôi" và "Cái roi tre", tiếp tục công cuộc khám phá độc đáo về giai điệu và tâm hồn chính mình qua chiêm nghiệm về người thân mà "Bà tôi" là sự khởi đầu thành công rực rỡ. Thách thức của cuộc khám phá này chắc chắn sẽ ngày một lớn hơn, nhưng sự dấn thân một cách bướng bỉnh chính là cách để Nguyễn Vĩnh Tiến chứng tỏ nội lực của mình.

Ngô Hồng Quang có lẽ là tác giả thay đổi nhiều nhất. Với "Mơ" và "Đàn cò", anh trở nên phức tạp hơn, khó hiểu hơn. Anh đặc biệt trở nên thâm trầm hơn khi hát về chiếc đàn cò, tức đàn nhị, cũng tức là chính anh. Có lẽ đó chính là cái làm hai ca khúc của anh trở nên quyến rũ.

Cũng giống như trong album "Hà Nội M6 phố", các thành viên của M6 chứng tỏ rằng họ là những người yêu tiếng Việt. Vẻ đẹp của ca từ khiến mỗi ca khúc là một bài thơ.

"Những đường bay" được phối khí bởi những nhạc sĩ độc đáo như Trần Đức Minh, Doãn Việt Dũng, Phan Cường, Phan Kiên...và được thể hiện bởi những giọng ca được đông đảo người yêu nhạc hâm mộ như Thùy Chi, Mai Trang, Rodamick, Tân Phương, Tấn Minh, Vương Dzung, Bùi Thùy Linh...

Đôi nét về nhóm M6

- Nguyễn Lê Tâm : Từng là thành viên của ban nhạc “Đồng Hồ Báo Thức” trong đó anh là ca sĩ đồng thời là nhạc sĩ sáng tác chính. “Đồng hồ báo thức” nhận được giải thưởng bình chọn “Ban nhạc được yêu thích năm 1999” của Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội và Đài Tiếng nói Việt Nam. Ca khúc của Nguyễn Lê Tâm được đông đảo khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, yêu thích. Trong số đó có thể kể: “Chiếc đồng hồ đáng ghét”, “Tiếng mùa xuân”, “Nhắn tuổi hai mươi”, “Tiếng Việt”. Nguyễn Lê Tâm cũng sáng tác cho trẻ em.

- Nguyễn Vĩnh Tiến: Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội và Cao Học Pháp Ngữ chuyên ngành "Thiết kế Đô thị với Di sản và Phát triển bền vững" (Hà Nội- Toulouse 2001-2004), anh từng đoạt nhiều giải thưởng kiến trúc và văn học, trong đó có Giải nhất “Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật Việt nam VIFOTEC 1994 về đề tài Kiến trúc cổ Việt Nam”. Anh được chọn là một trong 10 gương mặt trẻ xuất sắc của Việt Nam năm 2005.

Nguyễn Vĩnh Tiến đặc biệt nổi tiếng với tư cách là người sáng tác ca khúc. Anh đã đoạt giải của Hội Đồng Nghệ Thuật chương trình “Bài Hát Việt” tháng 7 năm 2005 với ca khúc "Bà tôi", Giải nhất dòng nhạc "Dân gian đương đại" năm 2005 của chương trình "Bài Hát Việt – 2005” với ca khúc "Giọt sương bay lên" và giải Bài Hát Ấn Tượng (“Bài Hát Việt”, tháng 10-2007) với ca khúc "Ông tôi".

- Ngô Hồng Quang: Được biết đến là nghệ sĩ đàn nhị, tên tuổi của anh được nhiều khán giả ở Thái Lan, Hàn Quốc, Hà Lan, Iceland… biết đến. Không chỉ điêu luyện về đàn nhị và đàn bầu, Quang còn chơi nhuần nhuyễn nhiều loại trống và một số nhạc cụ dân tộc khác.

Trong CD ra mắt của mình (2007) có một tác phẩm anh trình tấu bằng K’ny, cây đàn của đồng bào Thượng, Tây Nguyên. Quang có một giọng hát không ồn ào, nhưng đủ để cuốn hút những đôi tai khó tính. Anh cũng từng đóng phim và ca khúc “Đêm cuối cùng của mùa đông” của anh trong phim “Ma làng” được nhiều người yêu thích.

- Ngô Tự Lập: Tốt nghiệp Đại học Hàng hải tại Liên Xô (1986), Đại học Luật Hà Nội (1993), Thạc sĩ văn chương tại Pháp (1996), Tiến sĩ ngôn ngữ và văn học Anh tại Hoa Kỳ (2006), Ngô Tự Lập từng là thuyền trưởng hải quân, biên tập viên NXB Quân đội nhân dân và NXB Hà Nội, Giám đốc Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Ngô Tự Lập được biết đến như là một nhà văn, nhà thơ và dịch giả với hơn 20 cuốn sách đã xuất bản (truyện, thơ, dịch thuật và tiểu luận), nhưng ca khúc mới là lĩnh vực nghệ thuật anh thử sức đầu tiên.

Bài hát đầu tiên là bài anh phổ nhạc bài thơ “Đường làng” trong sách tập đọc lớp 2 khi anh mới học lớp ba. Bài hát đầu tiên anh công bố là “Hà Nội hiphop” (Bài Hát Việt, 7/2007). Anh đã bốn lần tham dự Bài hát Việt. Hiện nay anh công tác tại Khoa Quốc tế (ĐHQGHN).

- Nguyễn Thắng : Chọn sáo trúc làm chuyên ngành chính và đàn bầu như là nhạc cụ solo thứ hai, anh tốt nghiệp khoa nhạc cụ truyền thống tại Nhạc viện Hà Nội (2000). Ngoài ra, anh còn chơi thành thạo đàn tứ, guitare, organ và nhiều loại sáo, tiêu của nhiều dân tộc Việt Nam và thế giới. Năm 2007, cùng vợ và mẹ vợ, đều là nghệ sĩ đàn tranh, anh đã có một chương trình biểu diễn thành công tại Trung Quốc.

Anh đã có 4 tác phẩm tham gia Bài Hát Việt. Anh từng đoạt giải “Âm nhạc xuất sắc nhất cho phim hoạt hình” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XV (2007) cho ca khúc trong bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên của Việt Nam, “Giấc mơ của ếch xanh” (đạo diễn Hà Bắc).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Những chuyến bay” đầy thú vị của nhóm M6

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.