Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mấu chốt là phương pháp dạy học

Thống Nhất| 25/08/2011 06:49

(HNM) - Với việc công bố dự thảo Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản ở cả ba cấp (tiểu học, THCS và THPT) ngay từ đầu năm học 2011-2012, lãnh đạo Bộ GD-ĐT hy vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giáo viên (GV) và HS trong việc truyền đạt, tiếp thu kiến thức, kỹ năng nhằm đạt mục tiêu giáo dục toàn diện. Việc giảm tải sẽ tập trung vào nội dung gì và mục tiêu của Bộ GD-ĐT liệu có đạt được như mong muốn?


Cắt những nội dung trùng lặp

Dự thảo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD-ĐT lần này được xây dựng dựa vào kết quả rà soát, đánh giá định kỳ về chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) phổ thông; ý kiến góp ý của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà giáo, các tổ chức xã hội, cá nhân và đề xuất của các sở GD-ĐT… Vì vậy, vấn đề tồn tại của CT-SGK đã được phát hiện khá đầy đủ, nội dung giảm tải cũng được cân nhắc kỹ trên cơ sở bảo đảm tính logic và tính thống nhất của các bộ môn. Theo khẳng định của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đây là đợt giảm tải có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và áp dụng cho cả ba đối tượng HS, từ tiểu học, THCS đến THPT. Điều này sẽ giúp HS tránh phải học các kiến thức trùng lặp trong điều kiện quỹ thời gian học tập quá ít. Quyết định điều chỉnh việc giảm tải còn nhằm mục tiêu hạn chế yêu cầu vượt ngưỡng về chuẩn kiến thức, điều có thể làm nảy sinh chuyện dạy thêm, học thêm…

Vận dụng, đổi mới phương pháp dạy học sẽ góp phần giảm tải chương trình học.
Ảnh: Thu Giang

Theo bản dự thảo đang được gửi tới các sở GD-ĐT và tổ chức, cá nhân liên quan để lấy ý kiến góp ý, việc điều chỉnh giảm tải tập trung vào nội dung, kiến thức trùng lặp. Kiểu trùng lặp thứ nhất là cùng một nội dung kiến thức nhưng được dạy ở nhiều môn (ví dụ như nội dung "trạng thái của chất" ở môn hóa học lớp 8 cũng có ở môn vật lý; nội dung "Những nhu cầu của cây trồng" ở môn hóa học lớp 9 đã có ở môn sinh). Kiểu thứ hai là giảm tải những nội dung bị trùng lặp khi có ở cả lớp dưới và lớp trên mà nguyên nhân, theo Bộ GD-ĐT là do hạn chế của cách xây dựng CT-SGK theo quan điểm đồng tâm (ví dụ phần hàm số bậc nhất xuất hiện ở cả môn toán lớp 9 và lớp 10).

Những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp với trình độ nhận thức của HS hoặc mang đặc điểm địa phương cũng sẽ được lược bỏ. HS tiểu học không phải xây dựng tiểu phẩm khi học môn đạo đức; HS thành phố không bắt buộc phải học kiến thức về trồng cây gây rừng…

Giáo viên giữ vai trò quyết định

Vấn đề được dư luận quan tâm là hiệu quả của việc thực hiện giảm tải ra sao trong năm học 2011-2012 khi mà thời điểm ban hành dự thảo hướng dẫn giảm tải diễn ra vào thời điểm HS cả nước đã tựu trường và nhiều GV tiểu học, THCS của Hà Nội khi được hỏi đều chưa biết về nội dung của bản dự thảo này. Hơn nữa, cần phải lưu ý rằng việc lấy ý kiến GV ở từng bộ môn của 12 khối lớp, ở từng địa phương, sau đó tập hợp, lựa chọn để đưa vào tài liệu giảm tải chính thức chắc chắn không thể thực hiện xong trong một vài tuần.

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề giảm tải CT-SGK được đặt ra. Đã có ít nhất 3 đợt đánh giá về CT-SGK được triển khai kể từ khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội và Chỉ thị 14/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai đại trà CT- SGK mới. Hiệu quả của việc giảm tải đối với HS đã phần nào được khẳng định, trong đó có vai trò quan trọng của GV trong việc vận dụng đổi mới phương pháp dạy học. Thực tế cho thấy nội dung CT - SGK là phần "cứng", việc vận dụng phương pháp dạy học ra sao mới là yếu tố quyết định, giúp cho sự điều chỉnh được linh hoạt, phù hợp với thực tế địa phương và nhận thức của HS.

Ghi nhận tại một số trường tiểu học tại Hà Nội trong đợt khảo sát của đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT cách đây ít lâu cho thấy, với HS Hà Nội, nhu cầu giảm tải dường như không nằm ở nội dung CT-SGK, mà là ở phương pháp giảng dạy của GV. Áp lực học tập đôi khi lại xuất phát từ phía cha mẹ HS, những người luôn cảm thấy không yên tâm nếu cô giáo không thường xuyên giao bài tập về nhà cho con, hoặc khi con mình không được giao những bài nâng cao để ôn luyện. Để khắc phục tình trạng này, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: Hà Nội có thuận lợi là hơn 70% số trường tiểu học đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Các trường này được yêu cầu tạo điều kiện để HS hoàn thành bài tại lớp, tuyệt đối không yêu cầu HS làm thêm bài tập ở nhà. Quan điểm của ngành khi yêu cầu GV thực hiện giảm tải là phải phù hợp với đối tượng HS, vừa tạo điều kiện để HS năng khiếu phát huy khả năng, vừa có thể quan tâm đến HS yếu.

Ý kiến của một số hiệu trưởng trường tiểu học cũng khẳng định: Hiệu quả dạy học không phải ở việc cho HS làm bao nhiêu bài tập mà là phương pháp dạy của GV như thế nào để HS, dù khá giỏi hay yếu kém cũng có thể tiếp nhận được phần kiến thức cần thiết. Nếu GV cứ rập khuôn theo SGK mà không quan tâm đến trình độ nhận thức của HS thì chẳng khác nào gây áp lực nặng nề với HS.

- Giáo viên, HS không phải mua SGK khác để dạy và học: Tài liệu hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học đã nêu cụ thể phần cần điều chỉnh ở từng môn học, GV chỉ cần nghiên cứu kỹ và thực hiện đúng hướng dẫn khi dạy học; hướng dẫn HS đánh dấu những bài, những phần không yêu cầu phải học, phải làm…

- Không kiểm tra, thi phần kiến thức lược bỏ: Theo dự thảo, với những nội dung được hướng dẫn là "không dạy" hoặc "đọc thêm" thì GV sẽ không kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS.

(Nguồn: Bộ GD-ĐT)
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mấu chốt là phương pháp dạy học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.