Theo dõi Báo Hànộimới trên

Niềm đam mê khoa học và lòng nhân ái

PGS.TS.Hoàng Bá Thịnh| 17/08/2012 07:32

(HNM) - Sáng 15-8, nhà nghiên cứu dân tộc học, GS Lê Thị Nhâm Tuyết, tác giả cuốn sách nổi tiếng


Sau ngày hòa bình, nữ đại đội phó trẻ nhất toàn quân vào thời kỳ đó trở lại cuộc sống dân sự, không ngừng học hỏi, tự đào tạo và đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu, giảng dạy. Năm 1984 bà đã được Nhà nước phong học hàm Giáo sư cấp một vì những cống hiến trong nghiên cứu khoa học. GS Vũ Khiêu, nhà văn hóa, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, trong một bức tranh mừng thọ GS Lê Thị Nhâm Tuyết, đề tặng hai câu đối "Tuổi hai mươi, phận gái tài trai, kiếm mã lên đường mai nở trắng. Xuân bảy chục, tình sông nghĩa biển, cầm tôn mừng thọ trúc thêm xanh".

Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau ở Viện Sử học (1964-1967), Viện Dân tộc học (1967-1983), Viện Triết học (1983-1986) và Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ (1986-1992), nhưng bà là một người gắn bó với nghiên cứu phụ nữ và có nhiều công trình khoa học tiêu biểu về lĩnh vực này. Ngay sau khi nghỉ hưu, tháng 5-1993, bà sáng lập và làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) - tổ chức phi chính phủ đầu tiên ở Việt Nam được thành lập, nghiên cứu về các lĩnh vực giới, gia đình và môi trường. Với gần hai mươi năm thành lập và phát triển, CGFED dưới sự lãnh đạo của bà không chỉ góp phần vào sự phát triển nghiên cứu về giới, về gia đình và môi trường, mà còn có đóng góp vào việc thúc đẩy sự phát triển các cộng đồng, giúp nhiều làng, bản nghèo phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe, cải thiện môi trường.

Trong quãng đời hoạt động khoa học của mình, bà đã chủ trì 20 đề tài nghiên cứu khoa học, các dự án hợp tác quốc tế. Với sự say mê nghiên cứu khoa học, bà có nhiều công trình nổi tiếng trong giới khoa học ở Việt Nam và trên thế giới. Bà là tác giả, chủ biên của 22 cuốn sách và gần trăm bài viết. Một trong những công trình đó là cuốn sách nổi tiếng "Phụ nữ Việt Nam qua các thời đại" (NXB Khoa học xã hội xuất bản 1973, tái bản năm 1975). Đây là công trình khoa học về phụ nữ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được dịch và xuất bản bằng 5 thứ tiếng: Anh, Nga, Trung, Pháp và Nhật Bản. Qua cuốn sách này, các học giả trên thế giới, những người giảng dạy nghiên cứu về phụ nữ, về giới biết đến GS Lê Thị Nhâm Tuyết và hiểu về người phụ nữ Việt Nam. Những năm tiếp theo, một số cuốn sách là kết quả nghiên cứu của bà về phụ nữ, về giới lần lượt được công bố, mà bà là đồng tác giả, như: "Con đường đi tới của phụ nữ Thịnh Liệt" (NXB Nông nghiệp, 1987); "Phụ nữ Việt Nam những năm 80" (NXB Ngữ văn, 1989); "Giới và phát triển" (NXB Khoa học xã hội, 1994, tiếng Việt và tiếng Anh). Bà cũng là người sớm quan tâm và dành thời gian cho lĩnh vực sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và quyền sinh sản, quyền tình dục; cũng như việc nghiên cứu đời sống của các gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Bên cạnh đó, bà còn say mê nghiên cứu phong tục, tập quán và có nhiều công trình bề thế với những tư liệu quý về dân tộc học, nhân học xã hội, phong tục tập quán. Ở độ tuổi tám mươi, bà vẫn không ngừng tham gia các hoạt động khoa học, nghiên cứu và công bố các công trình khoa học mà tiêu biểu là chủ biên cuốn sách "Hình ảnh phụ nữ Việt Nam trước thềm thế kỷ XXI" (NXB Thế giới năm 2000, tái bản tiếng Việt và tiếng Anh năm 2005).

Là một nhà khoa học, bà đã luôn quan tâm duy trì gắn nghiên cứu với đào tạo và giúp đỡ các nhà nghiên cứu trẻ trong lĩnh vực chuyên môn. Nhờ sự quan tâm chỉ bảo, với tấm lòng độ lượng, vị tha của bà mà nhiều thế hệ cán bộ trẻ đã trưởng thành, đạt được các học vị thạc sĩ, tiến sĩ, học hàm phó giáo sư, giáo sư.

GS Lê Thị Nhâm Tuyết mất đi, giới khoa học nước nhà thiếu vắng một nhà khoa học nữ lão thành đầu ngành, là một khoảng trống không dễ thay thế được. Cán bộ của CGFED mất đi một giám đốc sáng lập với niềm đam mê nghiên cứu, kiên quyết trong công việc nhưng giàu lòng vị tha nhân ái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm đam mê khoa học và lòng nhân ái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.