Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công bố nguyên nhân khủng long bị tuyệt chủng

Theo TT&VH| 16/03/2010 16:44

Qua hoạt động khảo cổ, nhân loại biết rằng trái đất từng có thời gian nằm dưới sự thống trị của loài khủng long khổng lồ. Tuy nhiên các sinh vật này đã bị tiêu diệt một cách bí ẩn cách nay hàng chục triệu năm. Đầu tháng 3 vừa qua, một ủy ban nghiên cứu quốc tế đã có kết luận cuối cùng về nguyên nhân chính khiến khủng long tuyệt chủng.

Thiên thạch “sát thủ”

Những con khủng long từng một thời tung hoành trên trái đất đã bị hủy diệt bởi một thiên thạch khổng lồ cách đây 65 triệu năm. Đó là kết luận cuối cùng của một ủy ban quốc tế gồm 41 chuyên gia tới từ Mỹ, Mexico, Canada, Nhật Bản và châu Âu.

Trong nháy mắt, cơn bão lửa và nham thạch hình thành sau vụ va chạm đã tiêu diệt một lượng lớn khủng long


Các khoa học gia này đã nghiên cứu những chứng cứ về trận diệt chủng kinh hoàng cuối kỷ Phấn trắng, vốn sát hại hơn một nửa sinh vật trên trái đất. Họ quả quyết rằng nguyên nhân chính là do một thiên thạch khổng lồ với đường kính 15km đã đâm vào vùng ngày nay là hố Chicxulub ở Mexico.

“Thiên thạch có thể đã đâm trúng trái đất với lực mạnh hơn 1 tỷ lần quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima” - các nhà khoa học cho biết trong một báo cáo chung được đăng tải trên tờ Science.

Ủy ban quốc tế nói trên hy vọng kết quả nghiên cứu của họ sẽ chấm dứt các tranh cãi về nguyên nhân gây ra thảm họa diệt chủng vào cuối kỷ Phấn trắng.

Bác bỏ giả thuyết do núi lửa

Lâu nay vẫn có một số nhà khoa học cho rằng, khủng long và những loại thằn lằn có hình dáng giống chim hiện đại đã bị quét sạch khỏi trái đất bởi những đợt phun trào núi lửa liên tiếp. Họ đặt giả thuyết rằng hoạt động của núi lửa đã dồn nham thạch nóng chảy xuống bể đá Deccan Traps, nằm trên cao nguyên Deccan ở khu vực thuộc về Trung Tây Ấn Độ ngày nay, và lấp đầy Biển Đen hai lần. Hơn nữa, khí sulfur bốc lên từ các đợt phun trào được xem là nguyên nhân dẫn tới việc bầu khí quyển trái đất lạnh đi nhanh chóng, khiến loài khủng long bị tiêu diệt vì không thể thích nghi với môi trường sống mới.

Tuy nhiên những chứng cứ được công bố qua tạp chí Science cho thấy các hệ sinh thái cả ở dưới nước lẫn trên mặt đất đều bị hủy diệt nhanh trong thảm họa diệt chủng. Việc này khiến các khoa học gia đã bác bỏ nguyên nhân do phun trào núi lửa, bởi sẽ phải mất rất nhiều thời gian để các tác động tiêu cực của nó có thể giết chết những sinh vật khổng lồ như khủng long. “Bất chấp việc có chứng cứ cho thấy núi lửa hoạt động khá mạnh tại Deccan Traps ở kỷ Phấn trắng, các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước chỉ có những thay đổi rất nhỏ trong vòng 500.000 năm trước thời điểm diễn ra sự tuyệt diệt vào cuối kỷ Phấn trắng” - các nhà khoa học kết luận - “Việc khí sulfur bốc lên bầu khí quyển sau mỗi lần núi lửa phun trào... có những tác động rất ngắn lên hành tinh và không gây đủ thiệt hại để tạo nên một sự diệt chủng nhanh như thế đối với các sinh vật trên cạn lẫn dưới nước”.

Miệng hố Chicxulub, địa điểm được cho là nơi xảy ra vụ va chạm giữa thiên thạch với trái đất


“Kịch bản” của sự tuyệt chủng

Giả thuyết va chạm với thiên thạch lần đầu được khoa học gia Walter Alvarez và cộng sự nêu ra hồi năm 1980. Alvarez nói rằng sự gia tăng đột ngột lượng iridium trong lớp vỏ địa chất có niên đại cuối kỷ Phấn trắng là bằng chứng trực tiếp cho thấy tác động của vụ va chạm. Ông đặt ra khả năng một thiên thạch với đường kính từ 5 đến 15 km đã đâm vào rìa bán đảo Yucatan, Mexico, tạo nên miệng hố Chicxulub.

Mặc dù không thể đưa ra kết luận chính xác về tốc độ bị diệt chủng của loài khủng long, nhiều mô hình nghiên cứu đã chứng minh rằng những sinh vật khổng lồ này chết rất nhanh. Cộng đồng khoa học đều tin rằng cú va chạm với thiên thạch đã tác động lên khủng long theo hai hướng. Tác động trực tiếp tới từ việc tảng thiên thạch đâm vào trái đất với tốc độ nhanh hơn 20 lần đạn bắn. Cú va chạm đã phát nổ, bắn ra một hỗn hợp nham thạch và khí gas, đủ nóng để “thiêu cháy bất kỳ sinh vật sống nào ở quanh vụ nổ và không nhanh chân tìm được nơi trú ẩn”, như nhận xét của Gareth Collins, một thành viên thuộc nhóm khoa học gia quốc tế.

Tác động gián tiếp xảy ra khi các vật chất bị bắn lên bầu khí quyển trái đất với tốc độ cao. Chúng nhanh chóng phủ bóng tối lên bề mặt trái đất, ngăn cản ánh nắng mặt trời và tạo nên một mùa Đông lạnh giá trên quy mô toàn cầu, qua đó giết hại toàn bộ các sinh vật không thể thích nghi với môi trường sống mới.

Tháng 9/2007, những nhà nghiên cứu Mỹ dẫn đầu bởi William Bottke, khoa học gia thuộc Viện nghiên cứu Southwest, Colorado, hợp tác với các đồng nghiệp CH Czech đã sử dụng máy tính để xác định nguồn gốc của vụ va chạm Chicxulub. Họ đã tính toán và cho ra kết quả tới 90% khả năng vụ va chạm bắt nguồn từ một thiên thạch khổng lồ tên Baptistina, với đường kính xấp xỉ 160km. Thiên thạch này vốn di chuyển ổn định với quỹ đạo nằm trong vành đai thiên thạch ở giữa sao Hỏa và sao Mộc. Tuy nhiên cách nay 160 triệu năm, nó đã bị đâm trúng bởi một thiên thạch vô danh với đường kính 55km. Vụ va chạm này xé nhỏ Baptistina và một số mảnh vỡ đã lao về hướng trái đất. Một mảnh vỡ trong số đó đã đâm vào bán đảo Yucatan và tạo ra hố Chicxulub.

Ngoài tốc độ diệt chủng nhanh, một bằng chứng khác cho thấy “bàn tay dính máu” của thiên thạch trên là người ta đã tìm được khoáng chất thạch anh bị “sốc” (xáo trộn cấu trúc tinh thể) tại lớp vỏ trái đất có niên đại trùng với giai đoạn cuối kỷ Phấn trắng. Các nhà khoa học tin rằng thạch anh chỉ có thể bị “sốc” nếu nó chịu tác động bởi một lực khổng lồ, dưới tốc độ cao. Rõ ràng chỉ thứ gì đó tương tự một thiên thạch với đường kính rất lớn và di chuyển ở tốc độ cực cao mới có thể làm được chuyện như vậy.

Sự hủy diệt cuối kỷ Phấn trắng đã chấm dứt 160 triệu năm thống trị của khủng long và cho phép động vật có vú, những thủy tổ của con người, vươn lên “ngự trị” trái đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bố nguyên nhân khủng long bị tuyệt chủng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.