Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện quy hoạch điện 7: EVN không còn độc quyền?

L.H| 08/09/2011 10:58

(HNMO) - Hệ thống điện Việt Nam đang đối mặt với việc cung ít hơn cầu, do đó Chính phủ đã vừa phê duyệt Quyết định số 1208/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 ÷ 2020 có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện 7).


Mục tiêu của quy hoạch nhằm cung cấp đủ nhu cầu điện để phát triển kinh tế và đảm bảo đời sống xã hội. Theo đó, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 vào khoảng 194 ÷ 210 tỷ kWh; năm 2020 khoảng 330 ÷ 362 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 695 ÷ 834 tỷ kWh.

Theo quy hoạch điện VII, năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 75.000MW. Trong đó: thủy điện chiếm 23,1%; thủy điện tích năng 2,4%; nhiệt điện than 48%; nhiệt điện khí đốt 16,5%; nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo 5,6%; điện hạt nhân 1,3% và nhập khẩu điện 3,1%. Năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 146.800 MW, trong đó thủy điện chiếm 11,8%. Thủy điện tích năng chiếm 3,9%, nhiệt điện than 51,6%, nhiệt điện khí đốt 11,8%, điện sử dụng năng lượng tái tạo 9,4%, điện hạt nhân và nhập khẩu 4,8%.



Cải tiến công nghệ và “bơm” thêm vốn cho ngành Điện


Thay đổi lớn nhất trong quy hoạch điện 7 là không còn chạy theo nhu cầu tiêu thụ điện bằng mọi giá, mà nhấn mạnh đến mục tiêu phải nâng cấp, cải tiến công nghệ để sử dụng điện có hiệu quả, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Từ quan điểm đó, quy hoạch đưa ra mục tiêu giảm dần hệ số đàn hồi giữa tốc độ tăng nhu cầu điện và GDP, theo đó hệ số này sẽ giảm từ 2 lần hiện nay xuống còn 1,5 lần vào năm 2015 và tiếp tục giảm xuống 1 vào năm 2020.

Như vậy, vào năm 2020, trong sản lượng 330 tỉ kWh, nhiệt điện chạy bằng than chiếm tỉ lệ 56,8%, nhiệt điện chạy bằng khí đốt 24% (trong đó 4% sử dụng khí nén LNG nhập khẩu), thủy điện 19,6%, năng lượng tái tạo 4,5%, điện hạt nhân 2,1% và nhập khẩu 3%. Nhu cầu vốn đầu tư từ nay đến năm 2020 là 48,8 tỉ đô la Mỹ, để đưa công suất nguồn lên 75.000 MW, gấp 3,5 lần hiện nay và từ năm 2021 ÷ 2030 cần đầu tư tiếp 75 tỉ đô la Mỹ, đưa tổng công suất nguồn điện lên 148.800 MW.

Ngành điện không còn độc quyền

Cũng trong quy hoạch điện 7, Chính phủ khẳng định, giá điện được điều chỉnh dần từng bước để đạt 8 ÷ 9 UScents/kWh đến năm 2020 nhằm bảo đảm cho ngành điện có khả năng phát triển bền vững. Nhà nước chỉ nắm độc quyền hệ thống truyền tải, còn các mảng kinh doanh khác của ngành điện thì mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia.

Trong quy hoạch, cùng với giải pháp cơ cấu lại ngành điện để nâng cao hiệu quả, Chính phủ cũng đặt ra các giải pháp liên quan như: Giải pháp về đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động điện lực; bảo vệ môi trường; phát triển khoa học - công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Đặc biệt, giải pháp xây dựng và phát triển ngành cơ khí điện và nội địa hóa với mục tiêu tự chế tạo 60 ÷ 70% thiết bị nhà máy nhiệt điện than, 40 ÷ 50% thiết bị điện hạt nhân vào năm 2030. Đây là những mục tiêu khả quan, giải tỏa được những bất cập trong những năm vừa qua.

EVN lên kế hoạch đổi mới, đầu tư công nghệ


Tại Triển lãm Quốc tế lần thứ 4 về Công nghệ và Thiết bị Điện Việt Nam 2011 (Vietnam ETE 2011) diễn ra từ ngày 07 đến 10/9/2011 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế – I.C.E, Hà Nội; Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Để thực hiện các yêu cầu của quy hoạch điện 7, EVN sẽ có những hành động cụ thể, đồng bộ bao gồm cả chính sách, hỗ trợ tài chính, cải tiến quản lý, phát triển nguồn nhân lực và áp dụng công nghệ mới. Riêng với một khối lượng khổng lồ thiết bị cần phải mua sắm, trong một thời gian ngắn, để hoàn thành nhiệm vụ EVN đã đưa ra 3 mục tiêu và 8 nhóm giải pháp trong đó nhiệm vụ thực hiện Tổng sơ đồ quy hoạch điện 7 là cấp bách.

Theo đó, để có những thiết bị chất lượng tốt EVN cho biết đã và đang kế thừa những thành tựu đạt được trong thời gian qua (các hoạt động về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ)…; trong đó các vấn đề tiêu chuẩn hóa và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật tại các đơn vị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn được quan tâm, áp dụng triệt để trong quá trình xây dựng, vận hành, sản xuất, cũng như trong việc mua sắm vật tư thiết bị. Chiến lược công nghệ của EVN tập trung vào lĩnh vực nguồn điện, lưới điện, hệ thống thông tin, dịch vụ khách hàng và phát triển nguồn nhân lực. Hơn nữa, trong lĩnh vực công nghệ thiết bị, các định hướng phát triển của EVN được tập trung vào hệ thống truyền tải, phân phối.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện quy hoạch điện 7: EVN không còn độc quyền?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.