Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Không thể lợi dụng người tiêu dùng

Nhóm PV Kinh tế| 08/10/2011 06:38

(HNM) - Những vấn đề lỗ, lãi của doanh nghiệp (DN) xăng dầu cơ bản đã được nêu ra, nhưng muốn làm rõ khoản lỗ của DN xăng dầu ra sao cũng không dễ. Bởi, muốn tính được lỗ, lãi phải xem xét cụ thể các con số đầu vào, chi phí ra sao...

Song, rất khó tiếp cận những thông tin này của các DN xăng dầu, ngay cả các nhà quản lý muốn tiếp cận cũng khó, nói gì đến người dân. Nhiều DN nói lỗ vì phải bán xăng dầu thấp hơn giá cơ sở. Nhưng, thực chất họ chẳng lỗ vì trong giá cơ sở đã có 300 đồng/lít lãi định mức và 600 đồng/lít chi phí kinh doanh.

Khách hàng mua xăng tại điểm bán Nam Đồng. Ảnh: Phương Thảo

Theo ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán - Kiểm toán Việt Nam: NĐ 84/CP đã quy định rõ về việc hình thành giá cơ sở xăng dầu gồm: giá xăng dầu thế giới cộng phí bảo hiểm, cước vận tải, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, lợi nhuận định mức… nhưng trong quá trình thực hiện, việc hình thành giá cơ sở chưa minh bạch, nên có sự "vênh" nhau về xác định lỗ - lãi giữa Bộ Tài chính và DN kinh doanh xăng dầu. Người tiêu dùng muốn biết cụ thể DN lỗ ở mặt hàng nào, lãi ở mặt hàng nào. Còn DN cho rằng, họ không thể tính toán được cụ thể từng mặt hàng nào lỗ - lãi trong từng thời điểm. Trong kinh doanh, người quản lý bắt buộc phải nắm được tình hình lỗ - lãi trong từng giai đoạn, từng thời điểm với từng lĩnh vực, mặt hàng cụ thể để định hướng kinh doanh cũng như kịp thời ra quyết định điều chỉnh kinh doanh. Về nguyên tắc kế toán, phải có đủ dữ liệu, số liệu, phương pháp để hạch toán chi tiết với từng sản phẩm, từng ngành hàng, từng lĩnh vực. Đây là đòi hỏi bắt buộc và bất cứ ai làm công tác kế toán cũng tính toán được. Nếu DN nói rằng, do kinh doanh nhiều mặt hàng, thời điểm nhập khẩu khác nhau, tỷ giá biến động… nên không biết chính xác lỗ, lãi với từng mặt hàng thì không thuyết phục, bởi nếu không biết chính xác, làm sao DN có thể đề nghị tăng giá bán, giảm thuế nhập khẩu với từng mặt hàng…

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) lại cho rằng, để xác định chính xác lỗ, lãi của DN xăng dầu, cần sớm kiểm toán xem cụ thể là bao nhiêu. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể về mức chiết khấu cho các đại lý của DN đầu mối. Thời gian qua, cứ đến khi cần tăng giá, các DN đầu mối lại có xu hướng giảm chiết khấu cho đại lý xuống mức rất thấp, đẩy đại lý vào cảnh càng bán càng lỗ. Các đại lý chủ yếu là tư nhân, không ai muốn lỗ và khả năng chịu đựng kém buộc phải bán cầm chừng. Điều này sẽ tạo sức ép lên cơ quan nhà nước buộc phải cho các DN đầu mối tăng giá. Ngược lại, khi không muốn giảm giá, các DN đầu mối lại thi nhau tăng chiết khấu để bán được nhiều hàng và không giảm giá. Vì vậy, cần có quy định khống chế mức giá trần, sàn của mức chiết khấu cho đại lý, không thể để DN thích chiết khấu cho đại lý bao nhiêu thì cho như hiện nay...

Như vậy, vấn đề mấu chốt hiện nay là cần phải minh bạch hệ thống quản trị của các DN xăng dầu chứ không dừng lại ở những con số liên quan đến việc hình thành giá xăng dầu. Bên cạnh việc làm rõ chi phí kinh doanh của DN xăng dầu, trong đó có phí vận tải, phí bảo hiểm, còn một khoản phí nữa cần minh bạch là khoản ưu đãi, hoa hồng do các nhà xuất khẩu dành cho các lô hàng xăng dầu. Thời gian qua, không thấy DN xăng dầu nào nói về khoản tiền này được bao nhiêu, hạch toán vào đâu, có được hạch toán hết hay được đưa vào quỹ nào?... Các chi phí này phải được hạch toán vào thu nhập của DN xăng dầu hoặc trừ vào giá cơ sở.

Trước thực tế trên, tại Thông báo số 233/TB-VPCP (ngày 29-9), Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về tình hình thực hiện NĐ 84/CP về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong thời gian tới phải thực hiện nghiêm, theo đúng các quy định tại NĐ 84/CP; các yếu tố hình thành giá, chi phí và kết quả kinh doanh phải được công bố, công khai rõ ràng. Thủ tướng cũng nêu rõ Chính phủ đã chỉ đạo điều hành kinh doanh, giá xăng dầu nhất quán, từng bước theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo đúng quy định tại NĐ 84/CP về kinh doanh xăng dầu. Các Bộ Tài chính, Công thương phối hợp chặt chẽ và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc điều chỉnh giá của các DN, công bố công khai phương án giá được áp dụng theo quy định; các DN kinh doanh xăng dầu thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu các loại theo đúng quy định tại NĐ 84/CP; các cơ quan có liên quan thường xuyên phối hợp trong điều hành và kiểm soát giá xăng dầu theo quy định hiện hành; chủ động xử lý các vướng mắc và những vấn đề phát sinh; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý kịp thời, không để thị trường biến động xấu và quyền lợi tiêu dùng bị ảnh hưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Không thể lợi dụng người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.