Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vận tải hành khách công cộng: Càng trợ giá, càng... vắng khách!

Gia Bảo| 13/10/2012 08:26

(HNM) - Theo báo cáo của Sở GTVT TP, kế hoạch dự kiến năm 2012, mức trợ giá cho xe buýt là 1.500 tỷ đồng, tăng gần 230 tỷ đồng so với năm 2011 và gần 700 tỷ đồng so với năm 2010.

Mục đích tăng trợ giá nhằm thu hút hành khách nhưng thực tế lại… bất ngờ. Theo ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm Vận tải hành khách công cộng (VTHKCC - Trung tâm) TP, dù tiền trợ giá tăng nhưng tỷ lệ hành khách đi xe buýt không tăng, thậm chí giảm. Năm 2011, hệ thống xe buýt chỉ vận chuyển 316,4 triệu lượt khách, đáp ứng khoảng 6,5% nhu cầu đi lại của người dân nửa đầu năm 2012, khối lượng VTHKCC trên toàn TP mới chỉ đạt gần 287 triệu lượt hành khách, bình quân 1,57 triệu hành khách/ngày. Trong khi, hiện TP có 150 tuyến xe buýt phổ thông với gần 3.000 xe. Tuyến có trợ giá là 109 tuyến, tuyến không trợ giá là 41 tuyến.

Trong những năm qua, xe buýt tại TP Hồ Chí Minh hoạt động chưa thực sự hiệu quả.


Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP cho rằng bởi việc điều chỉnh các tuyến xe buýt theo quy hoạch chưa làm triệt để, nhiều tuyến buýt hoạt động chưa có lộ trình hợp lý; điểm dừng đậu quá xa các địa điểm đông người như: cơ quan, trường học, bệnh viện, các khu công nghiệp…; chất lượng xe buýt ngày càng xuống cấp; dịch vụ xe buýt dù được cải thiện nhưng chưa thật sự đáp ứng nhu cầu của người dân. Mặt khác, số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh trên địa bàn TP cũng khiến cho việc thu hút hành khách đi lại quá khó khăn, bởi khi xảy ra ùn tắc giao thông xe buýt không thể bảo đảm đúng giờ, kéo thời gian hành trình chuyến kéo dài, nên người dân sẽ chọn phương tiện khác để đi lại.

Trong khi đó, theo các đơn vị quản lý hoạt động xe buýt, chính sách trợ giá cho hoạt động xe buýt trên chưa hỗ trợ được DN vận tải. "Hoạt động vận tải phụ thuộc rất nhiều vào chi phí đầu vào, nhất là nhiên liệu và nhân công đã chiếm gần 80% trong tổng chi phí giá thành. Do đó, khi các yếu tố đầu vào về nhiên liệu, tiền lương thay đổi sẽ làm cho chi phí vận chuyển tăng nhanh, buộc cơ quan chức năng phải tăng tiền trợ giá xe buýt trong những năm vừa qua!" - ông Lê Hải Phong nói.

Cũng theo Liên hiệp HTX vận tải TP, tiền trợ giá được chi theo từng năm nên khi giá nhiên liệu tăng, Nhà nước không bù thêm phần chênh lệch nhiên liệu càng khiến DN xe buýt gặp khó. Đây cũng là nguyên nhân khiến chất lượng xe buýt ngày càng đi xuống, mặc dù dịch vụ có tăng lên.

Để thu hút lượng khách đi xe buýt, Trung tâm đề nghị các cơ quan chức năng TP cần sớm hạn chế ùn tắc giao thông, có cơ chế giữ ổn định giá vé, các đơn vị tăng chất lượng xe buýt cần được hưởng chính sách ưu đãi… Có thể nói, trợ giá cho hoạt động xe buýt rất cần thiết nhưng trợ giá bằng hình thức nào để mang lại hiệu quả cao và giúp DN vận tải bớt khó khăn khi giá cả đầu vào liên tục biến động tăng là một bài toán cần được TP nghiên cứu xem xét kỹ lưỡng. Đến lúc phải xem lại tình trạng trợ giá hằng năm vẫn tăng nhưng hành khách vẫn không mặn mà với xe buýt trong khi DN vận tải luôn "đuối" kinh phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vận tải hành khách công cộng: Càng trợ giá, càng... vắng khách!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.