Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể tùy tiện

Nguyễn Triều| 13/11/2011 06:32

(HNM) - Các nhà cải cách giáo dục vừa đưa ra một đề xuất chấn động dư luận: Hoặc loại bỏ truyện cổ tích Tấm Cám khỏi sách giáo khoa ngữ văn lớp 10; hoặc phải thay đổi phần kết vì nó quá "dã man" - dân tộc Việt Nam vốn nhân ái, vị tha, không thể có chuyện "giết con rồi làm mắm gửi cho mẹ ăn".

Họ cho rằng phần kết truyện như vậy là dã man mà không thấy rằng theo toàn bộ diễn biến của câu chuyện thì đó là một kết thúc tất yếu. Họ quy kết mà không hề tìm hiểu nguồn gốc, hoàn cảnh ra đời của câu chuyện để hiểu được tại sao người xưa lại đòi hỏi, mong chờ một kết thúc như vậy. Họ lấy cách nhìn hôm nay để phán xét lối sống nhân sinh quan, vũ trụ quan của người xưa. Đó có phải là cách làm khoa học?

Cách đây vài chục năm rộ lên những ý kiến khác lạ, cho rằng nước ta quá nghèo nàn mà cứ dạy con cháu "Rừng vàng biển bạc"… Tưởng đùa cho vui mà nhiều người tin thật. Tin mà không hề tự hỏi, tại sao cha ông ta lại nghĩ như vậy. Tin vậy mà không hề biết rằng, đúng là chúng ta được thừa hưởng một đất nước với mọi tài nguyên hầu như nguyên vẹn và cũng chính chúng ta, chứ không phải người xưa, đã không biết quản lý, khai thác, sử dụng cho hiệu quả nên mới như ngày nay.

Truyện cổ tích cô Lọ Lem nổi tiếng châu Âu được xem như một phiên bản của Tấm Cám, nhưng nhiều người cho rằng của châu Âu "nhân bản" hơn vì mẹ con nhà dì ghẻ không bị giết. Và cũng từ đó có đề nghị xét lại Tấm Cám. Xin thưa, cô Lọ Lem chỉ bị hành hạ chứ không bị giết, chưa nói là nhiều lần, như cô Tấm. Diễn biến sự việc trong chuyện khác nhau có dẫn tới kết cục khác nhau?

Nếu Tấm Cám là "dã man", cần thay thế cho "nhân văn" hơn, thì Thủy Hử, với những hảo hán mê thịt người hơn thịt bò, có còn là một trong những tuyệt tác của nhân loại? Hay bài thơ Phú Lợi của Tố Hữu với "Thù muôn đời muôn kiếp không tan" và "Máu kêu trả máu, đầu van trả đầu"… sẽ phải xử lý thế nào theo quan điểm của các nhà cải cách? Hay như án tử hình cho những kẻ giết người ở rất nhiều nước, cũng là một thứ luật "dã man"?

Cứ theo lý sự của các ông thì rất nhiều thứ trong quá khứ cần thay đổi cho bớt "dã man". Vì kiểu cải cách, sửa đổi "suy bụng ta" ấy mà những bộ sách giáo khoa trước đó dùng hàng chục năm thì nay mỗi năm thay một lần. Giờ đây học sinh thậm chí cãi cả giáo viên chủ nhiệm ngay trên lớp, trong khi trước đó trẻ con nói chung chứ không chỉ học sinh, người lớn bảo là không được cãi lại, dù người đó chỉ qua đường. Với lối nhìn nhận như thế, rất nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu của học giả xưa về kho tàng truyện cổ tích, tiếu lâm, phong tục, tập quán, ca dao, tục ngữ sau này tái bản đã bị lược bỏ rất nhiều những gì hôm nay người ta cho là "hủ tục", lạc hậu… Cũng vì vậy mà giới trẻ hôm nay biết rất ít và rất hời hợt, thậm chí sai lệch những di sản văn hóa đồ sộ, phong phú, đầy bản sắc dân tộc của người xưa.

Ông cha ta bao đời văn hiến "Lấy đại nghĩa thắng hung tàn; Lấy chí nhân thay cường bạo" há không biết thế nào là dã man, thế nào là nhân ái để đến bây giờ con cháu phải xấu hổ ư? Làm khoa học, nhất là khoa học giáo dục, làm sách mà lại là soạn sách giáo khoa, không thể tùy tiện thay đổi lịch sử, thế giới quan, lối sống, triết lý nhân quả… của tổ tiên!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể tùy tiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.