Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cốt yếu là nâng cao đời sống nông dân

Nguyễn Mai - Đào Huyền| 15/04/2011 07:33

(HNM) - Công tác triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) còn lúng túng, mang tính hình thức; lãnh đạo cấp huyện, xã nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại; nguồn kinh phí huy động từ nội lực gặp nhiều khó khăn… là những vấn đề chính được bàn luận tại hội nghị giao ban chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội diễn ra sáng 14-4, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Công Soái và đại diện các ngành, quận, huyện.


Lúng túng, chậm tiến độ


Đường làng ngõ xóm khang trang tại xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất. Ảnh: Thái HIền


Hiện Hà Nội có xã Thụy Hương (Chương Mỹ) được Trung ương chọn là xã điểm NTM của cả nước. Sau hai năm triển khai, Thụy Hương đã có 14/19 tiêu chí cơ bản đạt từ 90-100%, 5 tiêu chí còn lại đạt 70%. Ba xã điểm mà UBND TP Hà Nội chọn là Mai Đình (Sóc Sơn), Đại Áng (Thanh Trì), Song Phượng (Đan Phượng) cũng thu được kết quả nhất định. Xã Song Phượng đã và đang thực hiện 40 dự án với tổng kinh phí gần 38 tỷ đồng, xã Đại Áng triển khai được 7 dự án với khoảng 21,3 tỷ đồng, xã Mai Đình thực hiện 11 dự án - 17,7 tỷ đồng…

Đánh giá kết quả thực hiện chương trình trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái cho rằng, dù BCĐ NTM TP đã chỉ đạo quyết liệt song tiến độ triển khai chương trình còn chậm. Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2015, TP Hà Nội phấn đấu 40% đến 45% số xã đạt tiêu chí NTM, tức là gần 200 xã. Với tiến độ thực hiện như hiện nay thì việc thực hiện mục tiêu là rất khó khăn. Thực tế, rào cản lớn nhất là nhận thức của lãnh đạo cấp xã, huyện. Nhiều địa phương cho rằng, xây dựng NTM là tạo dựng một làng quê khang trang với đường làng ngõ xóm kiên cố, chưa chú trọng lập quy hoạch phát triển, tìm hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo nghề và nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhiều nơi có tâm lý ỉ lại, trông chờ sự hỗ trợ từ cấp trên. Có xã, đề án NTM được phê duyệt 3-4 tháng, kế hoạch cũng đã được thông qua nhưng không triển khai, "ngồi" chờ vốn. "Tư tưởng chỉ đạo có tiền thì làm, không có tiền thì thôi khiến các địa phương rơi vào thế bị động, cộng với nhận thức còn hạn chế dẫn đến tình trạng lúng túng trong chỉ đạo"- Phó Bí thư Nguyễn Công Soái nhấn mạnh.

Chủ động phát huy nội lực

Dự kiến, từ nay đến 2015, TP Hà Nội thu hồi khoảng 12 nghìn hécta đất nông nghiệp (tương đương diện tích đất của một huyện). Mất đất, hàng vạn nông dân rơi vào cảnh thiếu việc làm. Xây dựng NTM đang trở thành nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của Hà Nội. Nhiều ý kiến cho rằng, cốt lõi trong xây dựng NTM là nâng cao đời sống cho nông dân. Trong khi chờ hỗ trợ một phần kinh phí, các xã cần "khởi động" để hoàn thành trước các tiêu chí như văn hóa, môi trường, khai thác nguồn lực trong dân, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa. Có như vậy, chương trình xây dựng NTM mới sớm được hiện thực hóa trong cộng đồng. Khó khăn lớn nhất cần tháo gỡ hiện nay là nguồn kinh phí huy động từ nội lực địa phương. Hầu hết các huyện đều trông chờ vào nguồn đấu giá đất. Tuy nhiên, để đấu giá đất xen kẹt thì các địa phương phải "bước qua" nhiều thủ tục hành chính rườm rà. Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ đề nghị UBND TP Hà Nội sớm có cơ chế tháo gỡ khó khăn về đấu giá đất, các sở, ban, ngành nghiên cứu phân cấp giúp các địa phương khai thác nguồn lực hiệu quả. Bên cạnh khó khăn về vốn thì hiện nay, sự vào cuộc của các cấp, ngành chưa chủ động, đồng bộ. Xây dựng NTM là sự nghiệp chung, không chỉ ngành nông nghiệp, tài chính bắt tay vào cuộc là xong. Có một ví dụ về điều này ở huyện Thanh Trì, Đan Phượng là sau khi đường xóm được mở rộng mới rõ ra cột điện nằm giữa đường. Địa phương kiến nghị ngành điện di chuyển để tạo hành lang thông thoáng thì ngành điện trả lời chưa có kinh phí, xây dựng NTM không phải là việc của ngành điện. Việc liên ngành mà mỗi nơi một kiểu thì sao thành?

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng cho rằng, xây dựng NTM là vấn đề khó khăn, lâu dài, không chỉ là xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều cơ bản là giúp dân thay đổi nhận thức, chuyển từ xây dựng tùy tiện, hủy hoại môi trường sang xây dựng có ý thức và có quy hoạch, bảo vệ môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc. Mục tiêu chính của chương trình NTM là giúp nông dân chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung. Một số địa phương chia sẻ cách làm hay. Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho rằng, phải xác định có nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân thì mới có NTM, nên nhất thiết phải khắc phục tình trạng đất đai bạc màu, manh mún, thủy lợi khó khăn. Vì vậy, Huyện ủy Sóc Sơn đã ra nghị quyết thực hiện bằng được dồn điền, đổi thửa và làm thí điểm tại hai xã Tân Hưng và Minh Trí. Đến nay, ở các xã này, từ chỗ mỗi hộ có 7-9 mảnh ruộng, giờ chỉ còn 1-2 mảnh, tiện cho cơ giới hóa sản xuất. Trong khi chờ đợi kinh phí, huyện Sóc Sơn tích cực triển khai các tiêu chí NTM mà không cần nhiều vốn.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái yêu cầu các xã chủ động xây dựng quy hoạch phù hợp. Đồng thời, cần tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về NTM. Đặc biệt, các địa phương cần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, dồn điền, đổi thửa để tạo vùng sản xuất tập trung, quy mô hợp lý. Ưu tiên đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ và hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền phải thường xuyên kiểm tra kết quả thực hiện NTM để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chương trình NTM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cốt yếu là nâng cao đời sống nông dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.