Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Ý thức kém, giải pháp bị động

Tống Thanh - Ngọc Hải| 09/11/2011 06:28

(HNM) - Tìm hiểu tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội, chúng tôi chợt nhớ tới cuộc họp của Bộ Giao thông Vận tải về triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông đô thị diễn ra ngày 17-10. Bữa đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đến muộn vì kẹt xe. Vừa gặp, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng hỏi: "Anh Khôi đến muộn do tắc đường à, tắc đoạn nào thế?". Có tiếng xì xào: "Ôi trời, đường Hà Nội chỗ nào chả tắc. Xe ưu tiên có đèn quay, còi ủ còn đứng chờ cả tiếng đồng hồ, nói gì đến các phương tiện giao thông đơn thuần".

Ý thức tham gia giao thông quá kém

6h30 sáng, chúng tôi cùng Trung tá Phan Doãn Lộc, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông huyện Từ Liêm có mặt tại khu vực Cầu Diễn. Trời đã cuối thu, cái lạnh se se cùng với nắng muộn khiến đường phố có vẻ vắng hơn những ngày hè. Ấy thế mà chỉ 15 phút sau, người và xe đủ loại đã ùn ùn từ các hướng đổ về, chật cứng cả đoạn đường dài gần 1km, từ chợ Cầu Diễn lên đến Nghĩa trang Mai Dịch. Mấy anh xe buýt sợ lỡ tuyến, chậm giờ, bấm còi inh ỏi. Nhìn dòng người đang ngày càng dồn chật cứng, Trung tá Lộc bức xúc: "Ngày nào anh em tôi cũng đứng hít bụi đường 5-6 giờ đồng hồ để hướng dẫn giao thông khu vực này. Nhiều anh em vừa làm nhiệm vụ, vừa phải đeo khẩu trang. Cứ vắng bóng CSGT là đường tắc. Thế mới thấy ý thức của dân mình thế nào". Nói rồi, ông Lộc chỉ tay về chiếc xe buýt đang ậm ạch nhích từng mét một, nói: "Anh cứ nhìn chiếc xe buýt kia thì biết lưu lượng người qua lại trên tuyến đường đông cỡ nào. Theo thiết kế, mỗi chiếc xe chỉ được chở 54 người. Thế nhưng hầu hết các xe trên tuyến 32 này đều phải "nhồi" gần trăm khách. Dân tình muốn sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhưng xe buýt như thế thì thà đi xe máy cho rồi". Nguyên tắc giao thông tối thiểu ai cũng biết: "Đường đi xe, hè đi bộ", thế nhưng ở Hà Nội lại đang tồn tại nghịch lý "đường trông xe, hè để bán hàng". Đường sá Hà Nội vốn nhỏ hẹp, đặc biệt là khu vực phố cổ, nay càng quá tải vì thực trạng lòng lề đường bị chiếm dụng để làm bãi giữ xe, điển hình nhất là tại các khu vực có tuyến phố văn minh thương mại. Theo quy định, người dân đến mua sắm, giao dịch tại các tuyến phố này không được để xe trên hè. Tranh thủ thời cơ, nhiều tổ chức, cá nhân xin cấp phép trông xe ngay dưới lòng đường của tuyến phố văn minh thương mại để tạo nguồn thu. Bởi vậy, nhiều tuyến phố có vỉa hè rộng nhưng luôn ùn tắc vì bãi trông giữ xe đã choán hết 2/3 lòng đường. Một cán bộ Sở GTVT than phiền: Cứ vỉa hè nào chăng nhiều dây thừng, lòng đường nào có nhiều vạch vôi là ở đó có tiền.

Để hạn chế tình trạng ùn tắc cần có các giải pháp đồng bộ, đặc biệt là việc nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Ảnh: Bảo Đức

Lòng đường thì thế, vỉa hè ở nhiều tuyến phố của Hà Nội cũng bị chiếm dụng, trở thành phố ẩm thực với đủ các món từ bia hơi, lẩu, hải sản, cơm rang, chân gà nướng... Nhiều gia đình chỉ có khoảng vài mét vuông làm bếp nhưng lại nghiễm nhiên sử dụng vài trăm mét vuông vỉa hè, kê mấy chục bộ bàn ghế để bán hàng. Nhiều người cho rằng, đường sá rộng sẽ hết tắc. Nguyên lý ấy chưa hẳn đúng với giao thông Hà Nội. Cứ nhìn tuyến đường Phạm Hùng hay Lê Văn Lương thì rõ. Khi những con đường này mở ra, có ai nghĩ các tuyến phố mới hiện đại ấy vẫn ùn tắc cục bộ. Và để giải quyết thực trạng này, các ngành chức năng của Hà Nội lại "gồng mình" tìm ra những giải pháp mới.

Giải pháp khắc phục bị động

Cách đây gần chục năm, Hà Nội thực hiện dự án nâng cao năng lực giao thông cho Thủ đô. Có khá nhiều nút thắt cổ chai được mở rộng thành các ngã ba, ngã tư. Hệ thống đèn tín hiệu lắp cũng hiện đại, đắt tiền, đều nhập từ nước ngoài về. Tại một số tuyến đường, người ta làm vỉa hè thật rộng dành cho người đi bộ, đồng thời thực hiện thí điểm tuyến phố văn minh thương mại. Vỉa hè rộng, trông cũng đẹp mắt nhưng vì không được buôn bán, để xe trên hè thành thử bà con tràn xuống đường, gây cảnh ùn tắc. Nhiệm vụ cấp bách lúc này là tập trung để giảm tải giao thông. Và rồi, hàng loạt vỉa hè của các tuyến phố, kể cả tuyến phố văn minh thương mại vừa xây dựng xong cũng bị xén. Mỗi lần xén, người dân thấy xe ben kìn kìn đến chở đống vỉa ba toa, gạch vụn cũ mang đi đổ ở đâu không rõ. Tuy xót xa vì rõ là lãng phí, nhưng đó không phải việc của dân.

Đến tháng 4-2009, Sở GTVT Hà Nội thực hiện kế hoạch tổ chức lại giao thông nội đô tại 66 nút ngã ba, ngã tư. Giải pháp lần này là sử dụng hệ thống dải phân cách và "barie" bịt tất cả các ngã ba, ngã tư có nguy cơ ùn tắc, theo cách lý giải của cơ quan chuyên môn là để "cưỡng bức giao thông". Tổng kinh phí để thực hiện giải pháp này là 27 tỷ đồng. Hà Nội không còn "ngã tư đường phố" với đèn đỏ, đèn xanh như bài hát thưở nào. Thay vào đó, người ta thấy một hệ thống hàng rào inox sáng lóa. Toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu hiện đại được lắp đặt trước đây trở nên vô tác dụng. Cùng với đó là hàng chục điểm dải phân cách đang trồng hoa, cây cảnh xanh tốt bị "chém" đi để mở điểm quay đầu xe.

May mắn thay, giải pháp bịt ngã tư này đúng vào dịp học sinh, sinh viên nghỉ hè, thành thử hiệu quả rõ rệt. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, trong khi Sở GTVT và một cá nhân còn đang tranh luận với nhau xem ai là tác giả của "đề án bịt ngã tư" thì ùn tắc nghiêm trọng xảy ra. Trước ngày học sinh tựu trường, giao thông Hà Nội lại hỗn loạn hơn trước. Giải pháp tiêu tốn 27 tỷ đồng xem ra không phát huy tác dụng, bộc lộ nhiều bất cập, rối rắm, gây khó khăn cho người đi đường. Trước sức ép của dư luận, sau một thời gian ngắn, Sở GTVT lại quyết định "cởi trói" cho các ngã tư bằng cách dỡ bỏ rào chắn. Không ai biết số hàng rào inox và những chiếc dải phân cách có mũi tên chỉ đường kia hiện để đâu, sử dụng vào việc gì?

Học tập kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 20-9-2011, Hà Nội thực hiện việc cắm biển phân làn tại một số tuyến phố. Mục tiêu của dự án nhằm tách dòng phương tiện ô tô với xe máy để tránh xung đột. Vừa thực hiện được mươi ngày, hàng loạt biển báo đặt giữa đường bị húc đổ. Có những vị trí phân làn trong một ngày xảy ra 4-5 vụ tai nạn giao thông. Sau 21 ngày tổ chức phân làn, Hà Nội lại tiêu tốn 23,8 tỷ đồng. Phân làn phương tiện có hiệu quả hay không, hẳn bây giờ nhiều người đã thấy.

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Đạo - Trường ĐH Xây dựng Hà Nội thì về mặt chủ trương, phân làn là đúng. Xe hai bánh không thể đi lẫn xe bốn bánh. Nếu phân làn tốt, giao thông chỉ ùn nhưng không tắc. Việc cắm biển báo phân làn giữa đường như hiện nay là bất hợp lý, sai phương pháp. Theo ông Đạo, muốn phân làn có hiệu quả phải dựa vào các tiêu chí khoa học như chiều rộng đối với mỗi làn xe, kẻ vạch đứt hay vạch liền...

Trong khi chưa có phân tích, đánh giá, tổng kết về dự án phân làn trên một số tuyến phố, người dân Hà Nội lại nháo nhác với thông tin thay đổi giờ làm đối với cán bộ công chức, giờ học đối với sinh viên, học sinh. Chủ trương này do Bộ GTVT đệ trình Chính phủ phê duyệt.

Xuất phát từ lợi ích chung, cùng chung tay với Bộ GTVT để giảm thiểu ùn tắc, ngày 31-10 vừa qua, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất đổi giờ học, giờ làm việc đối với 3 nhóm đối tượng, khác hẳn với đề xuất của Bộ GTVT trước đó. Nhóm thứ nhất gồm học sinh, sinh viên bắt đầu học từ 7h, kết thúc vào lúc 18h. Nhóm hai gồm các trung tâm thương mại, cơ quan dịch vụ, tài chính ngân hàng bắt đầu mở cửa từ 9h đến sau 19h. Nhóm ba, gồm cán bộ công chức, viên chức, học sinh các trường mầm non, tiểu học sẽ làm việc và học tập từ 8h đến 17h. Phương án mà Thường trực Thành ủy đưa ra nhận được sự đồng thuận của nhiều người bởi nó ít gây xáo trộn quá lớn, ảnh hưởng tới nếp sống sinh hoạt của người dân; và ngày 6-11, UBND TP Hà Nội đã có văn bản trình Chính phủ phê duyệt, nếu được chấp thuận có thể triển khai từ ngày 1-12-2011 hoặc ngày 1-1-2012.

Dù chưa biết đề án thay đổi giờ học, giờ làm đem lại hiệu quả đến đâu nhưng người dân vẫn tin tưởng, kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Ý thức kém, giải pháp bị động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.