Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng kiến của người “gàn dở”

Văn Ngọc Thủy| 20/05/2012 07:15

(HNM) - Ngày 15-5-2012 là một ngày đặc biệt với thầy và trò lớp 7A, Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội.


Tấm lòng người sáng lập

Sau lời cảm ơn người sáng lập mô hình “Tủ sách phụ huynh” (TSPH), anh Nguyễn Quang Thạch và đơn vị tài trợ sách, thầy Văn Như Cương quay xuống nhìn học trò bằng ánh mắt trìu mến: "Lớp ta là lớp đầu tiên trong trường có tủ sách chung, các em phải giữ gìn cẩn thận và đừng quên bổ sung sách mới hằng ngày. Sách mới không nhất thiết phải là sách vừa mua ở hiệu mang về. Đó có thể là sách cũ ở nhà các em đã đọc, mang đến đây chia sẻ với các bạn. Như vậy chỉ một quyển sách nhiều bạn cùng được đọc, cùng thảo luận thì sẽ tốt hơn là đọc một mình. Để quản lý sách tốt, các em cần bảo nhau lập ra quy tắc đọc sách, mượn sách. Thầy chúc cho tủ sách của các em ngày càng có nhiều sách đẹp, sách hay". Ngay trong buổi hôm đó đã có ba bạn xung phong làm thủ thư, kiểm kê ghi chép tên sách, vào sổ những bạn đã mượn sách về nhà đọc.

Nguyễn Quang Thạch (người thứ hai bên phải tủ sách) và thầy trò Trường THPL dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội.


Nhìn học trò say mê với những quyển sách tâm lý phù hợp lứa tuổi, những tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, PGS Văn Như Cương tỏ ý hài lòng, ông chia sẻ: Nhiều lần đi trên đường, tôi thấy học sinh ngồi sau xe máy của bố mẹ vẫn mải mê đọc truyện tranh, truyện kiếm hiệp. Những loại sách này chữ nhỏ, nhân vật ăn mặc lố lăng, đầy rẫy hình ảnh bạo lực, không chỉ làm hại mắt mà còn tổn hại đến sự phát triển của tâm hồn con trẻ. Học sinh bây giờ có nhiều thú vui khác hấp dẫn như chơi điện tử, xem ti vi và việc học cũng chiếm nhiều thời gian, thành ra các em ít đọc sách quá. Thư viện nhà trường cũng có cả nghìn đầu sách nhưng có mấy em lên đâu. Vì vậy tôi rất tâm đắc mô hình TSPH của anh Thạch. Đặt một tủ sách ngay trong lớp học là chúng ta đã đưa sách đến gần hết mức có thể với học sinh. Các em có thể đọc sách bất kỳ lúc nào, giờ ra chơi, giờ tự học, cuối giờ ngồi chờ bố mẹ đón. Quan trọng hơn, việc đọc sách ở lớp tạo tâm lý ganh đua, đánh thức tiềm năng đọc sách của các em. Thời điểm lập tủ sách vào cuối năm học là hợp lý vì sắp tới họp phụ huynh toàn trường, tôi sẽ giới thiệu mô hình này, vận động cha mẹ cùng nhà trường lập tủ sách cho học sinh các lớp khác.

Từ “Tủ sách dòng họ” đến “Tủ sách phụ huynh”

Tủ sách của lớp 7A, Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh là tủ sách đầu tiên làm theo mô hình TSPH trên địa bàn Hà Nội, nhưng nó đã là tủ sách thứ 251 được đặt ngay trong lớp học theo sáng kiến của Nguyễn Quang Thạch. Trước đó, từ năm 2007 người thanh niên yêu đọc sách này đã sáng lập mô hình “Tủ sách dòng họ”. Một mình một "ngựa sắt" là chiếc xe máy cà tàng, nhận được sự động viên khích lệ của bạn bè, người thân và các nhà hảo tâm; năm 2010 anh đã làm một hành trình xuyên Việt, đến nhiều vùng quê nghèo khó, tặng sách, tuyên truyền, vận động các tộc trưởng của dòng họ thành lập tủ sách, cắt cử người trông nom và phục vụ sách miễn phí cho bà con cả trong và ngoài dòng họ. Đến nay, anh đã trực tiếp vận động xây dựng được 95 tủ sách dòng họ, chưa kể hàng chục tủ sách do chính các dòng họ tự xây dựng sau khi gọi điện nhờ Thạch tư vấn.

Mô hình của anh nhận được sự quan tâm của nhiều người dân, dòng họ; sự đóng góp của các nhà hảo tâm, người yêu đọc sách và của cả chính quyền nhiều địa phương nơi anh đã đi qua. Đơn cử như lãnh đạo tỉnh Hà Nam có văn bản chỉ đạo phát triển tủ sách dòng họ hay tỉnh Nghệ An hỗ trợ một phần sách và tập huấn kỹ năng quản lý tủ sách cho các dòng họ. Còn ở tỉnh Thái Bình và TP Hải Phòng thì tặng sách báo cho các dòng họ. Đặc biệt trong Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2011-2020, “Tủ sách dòng họ” được đưa vào danh mục khuyến khích xây dựng.

Từ đầu năm 2012, song song với việc nhân rộng mô hình cũ, anh bắt đầu dồn công sức vào việc vận động thành lập TSPH. Anh tin rằng TSPH sẽ được nhân rộng nhanh hơn, nhiều hơn “Tủ sách dòng họ”, trước hết vì hiệu ứng lan tỏa của nó. Dựa vào tần suất tiếp xúc bằng mắt với sách và tâm lý đám đông, chỉ cần 20% học sinh đọc sách tại lớp thì 80% còn lại cũng sẽ bị "kích hoạt" nhu cầu đọc khi có tủ sách ngay tại lớp. Huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình là địa phương tiên phong trong việc thành lập TSPH. Ông Lại Đăng Hạnh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quỳnh Phụ cho biết: "Nhận thấy mô hình TSPH rất hữu dụng, linh hoạt, chúng tôi đã nhanh chóng triển khai ở tất cả các trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện. Kế hoạch của chúng tôi là trong năm 2012 sẽ phủ kín TSPH đến 1.000 lớp học. Với sự đóng góp của nhà trường, phụ huynh, mỗi tủ sách sẽ có giá trị từ 2 đến 3 triệu đồng".

Sống "gấp" vì sách

Buổi đầu tiếp xúc với Nguyễn Quang Thạch, nhiều người cảm thấy khó hiểu, thậm chí cho anh là "gàn dở" khi từ bỏ mức lương ngót nghét cả ngàn đô la Mỹ để đi làm một việc nôm na gọi là "vác tù và hàng tổng". Nhưng trong câu chuyện về gia đình, với truyền thống làm việc thiện từ ông bà nội, từ người cha nhiều năm liền dạy toán miễn phí cho con em nông dân; chúng ta mới hiểu về một Nguyễn Quang Thạch với định hướng sống có giá trị và chia sẻ với cộng đồng là giá trị sống của anh. Những cuốn sách hiếm hoi thời thơ ấu anh đọc được đã giúp anh hiểu sách là phương tiện truyền tải thuốc chữa bệnh cho tâm hồn và kiến tạo tri thức mới.

Sinh ra tại một làng quê nghèo thuộc huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, sau khi tốt nghiệp Đại học Vinh, Thạch chỉ mơ ước trở thành anh giáo làng. Nhưng chứng kiến sự thiếu thốn, thiệt thòi của người nông dân vì thiếu tri thức, từ năm 1997 ý định mang sách về nông thôn nhen nhóm trong anh. Sinh năm 1975, lúc này mới 22 tuổi nhưng anh đã tự "định dạng" cuộc đời mình là trước năm 40 tuổi phải đóng góp xây dựng được một bộ khung cho hệ thống thư viện dân sự. Sau 10 năm tự mày mò nghiên cứu, thiết kế mô hình; năm 2007 anh trình làng “Tủ sách dòng họ” đầu tiên. Có thất bại, cũng có dòng họ từ chối thiện tâm của anh nhưng đến nay, “Tủ sách dòng họ” đã chứng minh được sự ưu việt của nó, đong đếm được bằng số tiền quyên góp của hàng ngàn người trong và ngoài nước chung tay mang tri thức về nông thôn, bằng sự tham gia tích cực của các tình nguyện viên nhóm Hành động sách hóa nông thôn.

Đã 14 năm qua, mỗi khi trái nắng trở trời, con mắt đã qua phẫu thuật của anh lại đau nhức đến tận óc. Đến năm 2010, con mắt còn lại cũng có những triệu chứng của mắt đã hỏng 14 năm trước. Thạch nói, đó là lý do mình phải "sống gấp", làm gấp để ước vọng của mình sớm thành hiện thực. Đó cũng là lý do anh tự tổ chức hành trình xuyên Việt năm 2010, để "Nếu có rủi ro với tôi trên đường đi, nhiều tủ sách sẽ được xây dựng bởi nhiều người sẽ suy nghĩ về hành động của tôi". Cho đến hôm nay, anh vẫn điều hành Trung tâm Phát triển tri thức & hỗ trợ cộng đồng một cách chuyên nghiệp, số tiền đóng góp của những nhà hảo tâm được sử dụng một cách minh bạch, đúng kế hoạch và tiếp tục kêu gọi cộng đồng cùng chung tay giải quyết vấn đề đói sách ở nông thôn. Hy vọng thời gian tới, mô hình “Tủ sách dòng họ” và TSPH tiếp tục nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm hơn nữa để cùng Nguyễn Quang Thạch mang cơ hội được đọc sách đến mọi người ở mọi vùng miền xa xôi, khó khăn của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng kiến của người “gàn dở”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.