Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát minh từ… lòng hiếu thảo

Đình Văn| 14/09/2012 06:52

(HNM) - Người dân ở quê nghèo này đã ví von sự sáng tạo của người con trai ấy là những phát minh


Bắt đầu từ tình yêu thương bố


Chúng tôi đến nhà ông Lê Văn Hiếu vào một buổi sáng trong vắt, khi Mặt trời vừa ló dạng. Chưa vào đến nhà đã nghe tiếng leng keng, lóc cóc phát ra... Sau màn chào hỏi, Hóa mỉm cười: "Em đang cố gắng hoàn thiện chiếc xe lăn đa năng dùng đầu tác động để điều khiển, anh ạ. Đây là chiếc thứ 6 em làm, phải cải tiến vì những chiếc trước đã hư và thiếu một số chức năng cần thiết". Hóa giải thích thêm rằng, tay bố cậu giờ rất yếu, rất khó để điều khiển cho xe hoạt động nên phải dùng… đầu để làm lực tác động.

Cậu học trò nghèo Lê Văn Hóa bên chiếc xe tự chế.


Ở góc nhà, ông Hiếu đang ngồi xem ti vi, sau lưng được chống đỡ bởi một cái "máy" (do Hóa tự chế tạo năm học lớp 9) giúp ông gập người lên xuống một cách dễ dàng. Ngồi tiếp chuyện chúng tôi, ông khoe, một người bại liệt hoàn toàn như ông giờ có ngày hôm nay, có nằm mơ cũng không nghĩ đến. "Anh xem, bệnh viện trả tui về, chờ chết. Ấy thế mà, nhờ mấy cái máy của thằng Hóa mà tôi sống đến ngày hôm nay đấy", ông cười nói, mặt rạng ngời hạnh phúc. Ông tâm sự rằng, thằng Hóa không chỉ giành giật sự sống khỏi tay thần chết mà còn giúp ông luôn lạc quan, yêu đời, có niềm tin vào cuộc sống; thể trạng của ông bây giờ so với lúc trước, quả là một trời một vực…

Kể lại vụ tai nạn năm 2003 khiến từ một người kiện tráng thành tàn phế như bây giờ, ông Hiếu vẫn không khỏi rùng mình. Triệu Trung quê ông ngày ấy nghèo xơ xác, 6 miệng ăn của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và luôn trong tình cảnh thiếu trước, hụt sau. Lo cho 4 đứa con đủ ăn còn vã mồ hôi, huống hồ có tiền cho chúng đi học. Thời điểm ấy, ở Quảng Trị có phong trào đi kinh tế mới tại xã Thanh (huyện Hướng Hóa). Sau khi cùng vợ con khai hoang hơn 10ha đất, ông khăn gói vào miền Nam tìm mua cây giống thì xảy ra tai nạn. "Tui xuống Vũng Tàu, mượn xe máy người quen đi mua cây giống, trời tối bị lạc vào rừng cao su. Lúc xuống dốc, xe tự dưng mất phanh, tui đâm vào cục đá to tướng, tỉnh dậy thì thấy nằm ở bệnh viện", ông nói.

Tai họa như từ "trên trời rơi xuống". Dù các bác sĩ đã cố gắng chữa trị nhưng cũng phải lắc đầu. Ông được đưa về nhà chờ chết, gia đình đã chuẩn bị vay mượn tiền lo hậu sự. Ông nằm thoi thóp thở và toàn thân bại liệt. "Ngày ấy, não tui lúc biết lúc không, chỉ có cái miệng là há ra được thôi, mà há khép khép chứ không há to được. Tui nghĩ e chết thôi…"- ông Hiếu nói.

Còn nước, còn tát! Gia đình thấy ông vẫn há miệng thì cứ xay nhuyễn cháo đút cho ông, rồi sữa, rồi nước… Không ngờ, ông hồi sinh trong ngạc nhiên của người thân. Ông nói, hồi sinh là có sự sống chứ vẫn nằm liệt giường liệt chiếu, mọi cử động vẫn là con số không. Rồi hơn năm sau, ông được Hội Từ thiện tỉnh Quảng Trị tặng chiếc xe lăn, từ ấy được vợ con đưa đi quanh xóm, làng. Người liệt mà được đi chơi thì đâm ra nghiện. Khổ nỗi, từ ngày ông liệt thì gánh nặng kinh tế dồn lên vai bà vợ. Bà Hạnh phải quần quật làm lụng, lo con cái ăn học, chăm sóc người chồng bại liệt. Cực nhất là lúc bà đi làm vắng, con cái còn nhỏ, không có ai bế ông lên xe lăn. Nhờ hàng xóm qua bế, mấy ngày đầu còn được chứ, nhờ mãi cũng thấy ngại. Tình cờ, một bữa ngồi chán, ông buột miệng: "Ước gì có "cái máy" đưa người qua xe lăn thì hay biết mấy"… Ông Hóa kể nét mặt rạng rỡ: "Tui nói rứa thôi, thế mà thằng Hóa làm thật, mà hắn mới học lớp 7, ai nghĩ hắn làm được, rứa là tui có cái máy đưa người từ giường qua xe lăn, chả ai phải bế, bồng nữa".

Những phát minh của Hóa

"Cái máy" mà ông Hiếu nói đó chính là "Hệ thống ròng rọc, đòn bẩy, đưa người liệt toàn thân qua xe lăn". Đòn bẩy sẽ đưa ông Hiếu lên cao, bằng sợi dây được tết bằng vải cuốn vào người ông, chỉ cần bấm nút điều khiển là nâng ông Hóa qua chiếc xe lăn một cách dễ dàng, chẳng cần ai phải bế. Gần 2 tháng, Hóa mới hoàn thành hệ thống nâng người ấy, rồi cũng chính Hóa, đục tường nhà, khoét lỗ, trám xi măng để làm chỗ treo ròng rọc. Thời điểm ấy, Hóa mới học lớp 7.

"Để có kiến thức về chuyện lắp ghép, chế tạo máy móc, em lên mạng tìm hiểu, học hỏi. Tháo vô, tháo ra hàng trăm lần ấy, hư rồi lại sửa, lại ra tiệm cơ khí nhờ thợ hàn" - Hóa tâm sự. Rồi thấy bố rầu rĩ, luôn kêu đau buốt chân tay. Không có thời gian xoa bóp hàng giờ, hằng ngày cho bố, thế là Hóa sáng tạo ra máy xoa bóp chân. Máy gồm mô tơ gạt nước, một máy biến thế, cần lắc, 2 tấm gỗ buộc vào chân được vặn vít chắc chắn. Tất cả sẽ hoạt động khi bấm công tắc điện. Máy biến thế sẽ hạ điện thế 220V xuống 24V, rồi máy hoạt động khiến 2 bàn gỗ ở chân xoay qua xoay lại 75 vòng/phút, bàn chân sẽ được xoa bóp đều đều" - Hóa "bật mí" về nguyên tắc hoạt động.

Chuyện lắp ráp những thiết bị như hệ thống nâng người, xoa bóp tay chân cũng không hề dễ dàng gì. Anh trai đi học xa không giúp được gì, mọi việc Hóa tự nghĩ, tự lắp ghép hoàn thiện. Năm 2006, rồi năm 2009, hai người chị lần lượt lấy chồng, 5 - 6 tháng mới về thăm nhà một lần. Một mình Hóa lo tất, gia đình thuộc diện nghèo, không có tiền mua đồ mới, những lúc rảnh rỗi Hóa phải lùng sục các tiệm phế liệu để mua phụ kiện. Cái nào không có thì mẹ bán lúa, bán heo để mua.

Nối tiếp thành công, thấy bố tâm sự những lúc muốn xem ti vi mà phải nằm nên rất khó khăn. Thế là Hóa mày mò, nghiên cứu lắp ráp thành cái máy nâng người gập lên gập xuống, chỉ cần bấm công tắc điện, được nối và gắn chắc chắn trên giường của ông. "Máy nâng người ni, tui ưa ngồi thì bấm nó đưa người lên, ngồi mệt ưa nằm thì bấm nút, nó hạ xuống. Có nó chuyện vệ sinh cũng khỏe re" - ông Hiếu vừa nói vừa lấy tay chỉ vào cái máy án ngữ sau lưng…

Kể cũng lạ, từ chỗ bị bại liệt tứ chi, chỉ biết há miệng nhờ người nhà đổ thức ăn vào, thế mà nhờ những chiếc máy Hóa chế tạo đã khiến ông cử động được cổ, tay nâng qua nâng lại, làm được các động tác đơn giản như bấm nút điều khiển, tự cầm cốc uống nước… Ngay cả việc cầm muỗng múc cơm ông cũng còn nhúc nhắc được tuy hơi khó khăn đôi chút.

Không dừng lại ở đó, Hóa còn dựa vào chiếc xe lăn cải tiến lắp ghép thành xe lăn tự động di chuyển bằng nút hoạt động dựa vào nguồn điện bình ắc quy, có thể bật dù che mưa nắng, rồi gắn thêm máy mát xa chân phía dưới, có cả tính năng hứng đổ nước tiểu, chất thải. Không cần ai đẩy, tự ông Hiếu có thể đi quanh thôn. Được biết, kỳ thi đại học năm nay, dù học lực khá nhưng Hóa không đăng ký hồ sơ dự thi vì như em nói: "Từ lúc thi tốt nghiệp đến thi đại học mất 2 tháng, cộng với khoảng 3 triệu đồng tiền ăn ở khi dự thi. Thời gian cùng số tiền đó e sẽ lắp ghép, cải tiến và hoàn thiện chiếc xe lăn điều khiển bằng đầu. Công việc dang dở, em đi học ai sẽ làm cho bố. Năm sau, em ôn thi lại vẫn được mà".

Những phát minh của Hóa không chỉ giúp phục hồi sức khỏe của bố mà còn mang lại cho Hóa những thành tích xuất sắc tại các cuộc thi sáng tạo. Năm 2012, chiếc "xe lăn tự chạy bằng ắc quy dùng cho người khuyết tật không dùng tay" đoạt giải nhất trong Hội thi sáng tạo khoa học và kỹ thuật quốc tế của Intel, giải ba Hội thi khoa học và kỹ thuật trung học ViSEF, giải ba lĩnh vực lý - kỹ thuật - cơ khí do Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế tổ chức… cùng rất nhiều giấy khen và bằng khen khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát minh từ… lòng hiếu thảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.