Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dưới góc nhìn của người nước ngoài

Khánh Khoa| 19/01/2012 06:37

(HNM) - Trong cấu trúc không gian đô thị, không gian công cộng là một thành phần không thể thiếu. Bởi nó giống như những chiếc


Một góc công viên Thủ Lệ. Ảnh: Bảo Lâm

Hà Nội trước thời kỳ đổi mới là giai đoạn có những thay đổi đáng kể trong tư duy thiết kế và xây dựng đô thị. Các khu vực chức năng như khu ở, khu hành chính, thương mại, vui chơi giải trí… được thiết kế tương đối rõ ràng, trong đó không gian công cộng được quan tâm nhiều hơn cả. Công viên Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ, Quảng trường Ba Đình… được đầu tư cùng các không gian công cộng vốn có từ trước như Quảng trường Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn… Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, loại hình không gian công cộng được tạo lập phong phú hơn (phố đi bộ, khu vui chơi, mua sắm, công viên mặt nước…), nhưng cách tổ chức không gian chưa hiệu quả, chưa rõ bản sắc và đặc biệt chưa là không gian mở cho cộng đồng. Nhiều không gian công cộng đang đóng vai trò là giao lộ giao thông hơn là quảng trường có chức năng văn hóa, lịch sử, chính trị, tôn giáo… (như Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục hay Cách Mạng Tháng Tám). Trong khi đó, các cơ sở di dời ra ngoài nội đô thường được thay thế bằng công trình cao tầng; còn các khu đô thị mới được ưu tiên nhà ở, thương mại dịch vụ, cắt giảm diện tích vườn hoa, công viên, sân bãi thể dục thể thao; hoặc nếu có không gian vui chơi, quảng trường, vườn hoa thì cũng chỉ tồn tại trên bản vẽ quy hoạch. Thống kê cho thấy, Hà Nội chỉ có 0,3% diện tích đất dành cho công viên trong thành phố, với tỷ lệ bình quân chưa đạt 1m2/người, chỉ bằng một nửa so với TP Bangkok (Thái Lan); lại phân bố không đều, 3 trong 4 công viên lớn đều nằm trong trung tâm thành phố.

Làm thế nào để tạo thêm công viên và không gian công cộng ở các TP đã được xây dựng? Bà Kristie Daniel hiện là quản lý chương trình TP sống tốt, Tổ chức Health Bridge (Canada) đã đưa ra ý tưởng giành lại các không gian không được sử dụng hiệu quả. Theo bà Kristie Daniel, những khu vực đỗ ô tô, xe máy tạo ra giá trị kinh tế rất nhỏ cho thành phố, nhưng lại gây mất mỹ quan đô thị và tạo ra những mối lo ngại về an toàn cho người đi bộ vì chiếm dụng không gian đáng ra có thể sử dụng cho mục đích khác. Những khu vực này có thể được giành lại để trở thành không gian công cộng sôi động. Sugar Beach (Toronto - Canada) là một ví dụ điển hình. Từ một bãi đỗ xe, TP đã xây dựng thành một bờ biển cát trắng, với chỗ ngồi, đài phun nước, cây cối, lối đi dạo… và nó nhanh chóng trở thành nơi người dân lui tới vào buổi tối và cuối tuần. Tương tự, dưới gầm cầu vượt hay đường cao tốc trên cao, Toronto thiết kế thành công viên; mặc dù dự án đang trong quá trình xây dựng, nhưng chắc chắn sẽ là nơi lui tới, giao tiếp xã hội của nhiều người dân.

Một ví dụ khác cho việc giành lại không gian công cộng từ chính các tuyến đường là Công viên High Line TP New York (Mỹ). Công viên dài khoảng 2km, trước đây là đường sắt trên cao không được sử dụng. TP đã tính đến việc dỡ bỏ nó nhưng cộng đồng dân cư đã cố gắng bảo vệ và biến nó thành công viên trên cao. Khu vực đầu tiên của công viên mở cửa cho người dân được hai năm. Thời điểm đó, công viên thu hút 2 tỷ USD tiền đầu tư từ xã hội do các doanh nghiệp nhận thấy khu vực xung quanh công viên là địa điểm kinh doanh tốt. Thêm vào đó, công viên góp phần nâng giá trị đất đai và tạo việc làm cho người lao động. Một số TP ở Mỹ cũng đang chuyển đổi các tuyến đường cao tốc cũ thành công viên. Trung Quốc, một quốc gia gần gũi với Việt Nam, cũng tổ chức rất nhiều tuyến phố đi bộ ở những TP lớn. Đường Nam Kinh, Thượng Hải được xem là đường phố mua sắm đông đúc nhất thế giới. Đây là điểm du lịch và là nơi mua sắm thoải mái mà không phải lo ngại về sự nguy hiểm của các phương tiện giao thông qua lại. Thậm chí, không gian này còn được dùng để tổ chức lễ hội quanh năm. "Đường phố cũng là không gian công cộng - bà Kristie Daniel nói - Chúng là một phần của mạng lưới giao thông, song cũng là nơi diễn ra các hoạt động xã hội. Trẻ em chơi đùa, người lớn tuổi ngồi nghỉ ngơi và nói chuyện với hàng xóm; người dân ăn uống ở các quán cà phê hay dạo phố. Tuy nhiên, ở nhiều TP, vỉa hè bị lấn chiếm, khiến cho các hoạt động xã hội không thể diễn ra. Vì thế, đường phố cũng có thể được chuyển đổi thành những địa điểm dành cho người đi bộ và là một không gian công cộng sôi động".

Việt Nam có nhiều cơ hội để áp dụng ý tưởng này. Có thể thấy rất nhiều địa điểm không gian công cộng bị chiếm dụng để đỗ ô tô, xe máy. Những không gian này cần được giành lại, biến thành không gian công cộng sống động cho người dân gặp gỡ, giao tiếp, nhất là với khu dân cư còn thiếu các sân chơi. Tương tự, có rất nhiều tuyến đường có thể trở thành phố cho người đi bộ. Điều này không chỉ làm tăng sức sống của những con phố mà còn tăng khả năng kinh tế trong khu vực và tạo ra những địa điểm tuyệt vời cho người dân hoạt động. Thậm chí, ngay cả những công trình công cộng như các dự án đường bộ, nhà máy xử lý nước… cũng có thể kết hợp với công viên, không gian công cộng cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dưới góc nhìn của người nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.