Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phẩm chất cán bộ nhìn từ “Sự kiện Tiên Lãng”

Nguyễn Hòa Bình| 13/02/2012 07:03

(HNM) - Lịch sử có những chuyển động bất ngờ cùng những hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng như một quy luật tất yếu của sự vận động.


Và, câu chuyện Tiên Lãng (Hải Phòng) có thể được coi như một sự kiện không hề nhỏ của quá trình vận động này, khi mà ngày 5-1-2012 cuộc cưỡng chế khu đầm nuôi tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, thuộc xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng đang còn nóng ran dư luận về nhiều vấn đề, trong đó ngoài những nguyên nhân sâu xa liên quan đến câu chuyện dài kỳ về Luật Đất đai, về mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, về đạo lý trong ứng xử của người Việt... thì đặc biệt đây cũng chính là minh chứng cụ thể khẳng định thêm một lần nữa về bài học của công tác xây dựng Đảng. Sau 10 ngày nổ ra "Sự kiện Tiên Lãng", ngày 16-1-2012, thay mặt BCH Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TƯ - Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

Nghiên cứu kỹ những nội dung của nghị quyết, chúng ta càng thấy rõ hơn những nguyên nhân chủ quan, chủ yếu được đề cập đầu tiên cũng chính là "cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân"; bởi "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ những vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí,tùy tiện, vô nguyên tắc...". Đối chiếu với câu chuyện cụ thể của từng cá nhân, cũng như các tập thể có liên quan đến "Sự kiện Tiên Lãng", chúng ta thấy càng cần thiết hơn, phải thêm không chỉ một lần, nhắc lại những phẩm chất cần và đủ của người cán bộ lãnh đạo, quản lý - vấn đề đã được Đảng ta đề cập cụ thể trong Nghị quyết Hội nghị TƯ ba khóa VIII, khi mà công cuộc đổi mới đã và đang thu được những kết quả khả quan về nhiều mặt.

Bác Hồ đã dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". "Công việc thành hay bại đều do cán bộ tốt hay kém". Vì thế phải "huấn luyện cán bộ, dạy cán bộ và dùng cán bộ. Đồng thời phải biết lựa chọn cán bộ".

Vậy, lựa chọn cán bộ như thế nào và những cán bộ ấy cần phải có những phẩm chất gì?

Mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân đều biết rất rõ rằng, với người được giao nhiệm vụ làm cán bộ lãnh đạo, quản lý, điều đầu tiên cần có chính là phẩm chất chính trị. Nhưng, phẩm chất chính trị phải được thể hiện cụ thể thông qua hoạt động thực tiễn chứ không thể coi là một khái niệm trừu tượng; bởi nó có những nội hàm rất cụ thể.

Trước hết, đó là sự trung thành với đường lối và chủ trương của hệ thống chính trị ấy. Sự trung thành này được lý giải chính là việc biết chấp nhận sự thiệt thòi cho cá nhân mình để đem lại lợi ích cho nhiều người khác. Đấy chính là việc phải biết "tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ).

Phẩm chất ấy còn được biểu hiện bằng việc phải biết tự nghiêm túc đánh giá bản thân mình và người khác theo tiêu chuẩn chính trị, mà biểu hiện trước hết là ở mức độ cống hiến và kết quả cống hiến.

Người có phẩm chất chính trị phải là người có bản lĩnh, nghĩa là phải luôn vững vàng trong mọi tình huống và không bị cám dỗ bởi các thế lực kinh tế, chính trị...

Phẩm chất chính trị của người cán bộ lãnh đạo, quản lý còn được thể hiện ở khát vọng vươn lên làm giàu cho cộng đồng xã hội khi biết kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân và tập thể, nhưng luôn tuân thủ mọi quy định của pháp luật.

Đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý, điều cần có sau phẩm chất chính trị chính là năng lực chuyên môn. Đây chính là khả năng tổ chức và điều hành của người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chính vì vậy họ cần phải: có trình độ thành thạo công việc ở mức cần thiết; biết giao việc cho cấp dưới và tạo điều kiện để họ hoàn thành; biết lường trước những khả năng có thể xảy ra và chuẩn bị giải pháp xử lý; biết dồn tiềm lực vào các khâu xung yếu trên cơ sở phát hiện ra mũi nhọn.
Phẩm chất thứ ba cần có của người cán bộ lãnh đạo, quản lý ấy chính là năng lực tổ chức. Với người cán bộ lãnh đạo, quản lý, có năng lực tổ chức chính là việc phải biết dùng người ở mức trọng dụng, tức là biết phát huy mặt tích cực của mỗi người và hạn chế đến tối đa mặt tiêu cực ở họ. Bên cạnh đó, phải biết làm việc một cách khoa học, biết phát hiện ra các khâu xung yếu để chỉ đạo, điều hành; biết giải quyết hài hòa các mối quan hệ.

Phẩm chất thứ tư của người cán bộ lãnh đạo, quản lý là phải có đạo đức công tác và ý thức pháp luật. Với người cán bộ lãnh đạo, quản lý, thượng tôn pháp luật phải được coi là bài học nằm lòng, bởi khi ý thức ấy không trở thành nếp nghĩ thường trực, việc sai phạm là điều khó tránh.

Nhưng, làm lãnh đạo phải biết sống gắn bó với quần chúng, có thiện chí và hướng mọi người vào làm những điều thiện, trên tinh thần tôn trọng nhau, để tạo dựng được sự tin cậy từ phía nhân dân. Khi không thiện tâm, người cán bộ lãnh đạo, quản lý làm sao còn đủ uy tín với dân, với cán bộ dưới quyền. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng phải biết giữ lời hứa, tỉ mỉ mà không vụn vặt, quảng đại mà không đại khái. Phải biết trọng sự công bằng, biết phấn đấu sống và xử lý công việc một cách công bằng.

Trở lại "Sự kiện Tiên Lãng", thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi thẳng vào những vấn đề gai góc nhất với một cách nhìn vừa đúng và đầy đủ về pháp luật, vừa thấu về đạo lý. Nhưng, có lẽ câu trả lời đầy đủ nhất để lấy lại niềm tin của nhân dân cả nước, chính phải bắt đầu từ Tiên Lãng.

Xin hãy soi lại những phẩm chất cần có của người cán bộ lãnh đạo, quản lý từ Tiên Lãng.

Bài học về thượng tôn pháp luật mà cán bộ lãnh đạo, quản lý Tiên Lãng đã hành xử, liệu có phải do hạn chế về năng lực chuyên môn, hay đây chính là sự sa ngã do "cám dỗ bởi các thế lực kinh tế, chính trị"? Khi pháp luật không được coi là ý thức thường trực ở mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý nơi đây, nó đã bị bẻ cong theo hướng có lợi cho các nhóm lợi ích; để rồi đất Tiên Lãng phải có luật theo kiểu Tiên Lãng. Nhưng, đáng buồn thay cho các cơ quan chức năng, kể cả các cơ quan hành pháp ở đây khi mà họ cũng đành bó tay, ngoảnh mặt, làm ngơ. Xem ra ở chuyện này, mọi cuộc kiểm tra, giám sát đều đã không tìm được câu trả lời đúng bản chất và đủ dữ kiện; để không chỉ Hải Phòng mà cả nước có thêm bài học về công tác báo cáo, kiểm tra, giám sát?

Những phát ngôn theo kiểu nói bừa, dẫn đến cũng làm bừa của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số cấp, ngành thuộc Hải Phòng, có phải là biểu hiện của sự thiếu nghiêm túc nhìn nhận đánh giá bản thân mình và người khác theo những tiêu chuẩn chính trị cần có của người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Sự tùy tiện, vô nguyên tắc, coi thường dư luận của những cán bộ có thẩm quyền ở Tiên Lãng chắc không thể coi là chuyện bình thường của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thêm nữa, nếu nó được thực hiện theo sự chỉ đạo của tổ chức, thì chính quyền Hải Phòng cần làm rõ và xử lý nghiêm minh như một hình mẫu cho cả nước noi theo?
Với Tiên Lãng, câu chuyện về năng lực chuyên môn của những cán bộ lãnh đạo, quản lý "đã bị lộ", liệu có phải chỉ là một mảng nhỏ trong bức tranh tổng thể về cán bộ không phải chỉ của riêng Hải Phòng? Ai sẽ chỉ ra được, tìm cho bằng thấy những cán bộ vừa có đủ tài lại đủ đức? Bởi chính các tiêu chí về bằng cấp đã làm nở rộ các hệ đào tạo tại chức, mở rộng, từ xa... góp phần không nhỏ cho những cán bộ muốn "vào nguồn" luôn có đủ mọi thứ bằng cấp cần thiết, dẫu kiến thức chuyên môn của họ luôn là một mớ hỗn tạp.

Cũng lại nói về năng lực chuyên môn, câu chuyện của Tiên Lãng càng minh chứng rõ hơn cho cái khả năng lường trước mọi sự việc xảy ra để chuẩn bị các giải pháp xử lý hiệu quả của người cán bộ lãnh đạo, quản lý là quan trọng đến thế nào. Có lẽ, do không thành thạo công việc, dù ở mức độ cần thiết, nên hầu như các phương án do một số ban, ngành của Hải Phòng, Tiên Lãng đem ra ứng phó với người dân lao động, với dư luận xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng sau khi sự việc xảy ra, luôn tạo ra sự lệch lạc trong nhận thức và hành động, trở thành những câu chuyện vừa tức cười, vừa phản cảm.

Nhưng có lẽ đau nhất, buồn nhất không chỉ với Tiên Lãng, với Hải Phòng qua "Sự kiện Tiên Lãng", ấy chính là bài học về phẩm chất đạo đức của người cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Không gắn bó với nhân dân, không coi trọng sự công bằng; không thiện tâm; những cán bộ lãnh đạo, quản lý "đã bị lộ" của Tiên Lãng đã làm dày hơn những trang viết về bài học xương máu "dân là gốc", bài học về xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân. Và câu chuyện Tiên Lãng còn như một gáo nước bẩn hắt vào những giá trị mang tính đạo lý truyền thống của người Việt.

Sự thật sẽ được trả về đúng với sự thật. Mọi sự che đậy, bưng bít, cũng sẽ đến lúc bị bóc ra hết.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Hải Phòng đang cố gắng làm rõ nhất mọi vấn đề có liên quan đến "Sự kiện Tiên Lãng", để pháp luật phải được coi trọng, ai đúng ai sai phải được khẳng định và xử lý nghiêm minh, dù cán bộ ấy ở bất kỳ cương vị công tác nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phẩm chất cán bộ nhìn từ “Sự kiện Tiên Lãng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.