Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hy Lạp: Bệnh sắp... hết thuốc chữa

Vân Khanh| 30/06/2011 06:36

(HNM) - Chưa khi nào vận mệnh của Hy Lạp lại phụ thuộc vào lá phiếu của các nghị sỹ ủng hộ cho kế hoạch cắt giảm chi tiêu và bán tài sản mà Thủ tướng Papandreou đệ trình nhiều đến vậy.

Quan điểm của "chủ nợ" Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã rõ ràng, Athens không thắt lưng buộc bụng chặt hơn nữa, sẽ không có gói giải cứu thứ hai. Mà nếu không tìm được "chiếc cọc" duy nhất này, xứ sở Thần thoại chắc chắn sẽ "chết đuối" trong biển nợ đang ngày một dữ dội hơn.

Hy Lạp chìm trong rối loạn vì biểu tình chống thắt lưng buộc bụng

Với chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và đã có những cải tổ nội các quan trọng để vượt qua gió bão, khả năng các thành viên của Quốc hội Hy Lạp đồng cảm với người đứng đầu Chính phủ trong phương án thắt chặt tài chính trị giá 28 tỷ euro 5 năm là rất lớn, nếu không muốn "khai tử" nền kinh tế đất nước. Đương nhiên, sự đồng thuận sẽ là vô cùng khó khăn. Trong lúc những đại biểu dân cử đang phải tự quyết định số phận đất nước, ngay bên ngoài cánh cửa trụ sở cơ quan lập pháp tôn nghiêm, các cuộc đình công, biểu tình phản đối các biện pháp chi tiêu khắc khổ của người lao động Hy Lạp đã tạo áp lực gay gắt. Cảnh sát phải sử dụng hơi cay để đáp trả hành động ném bom xăng của người biểu tình. Toàn bộ các dịch vụ của Chính phủ bị ngừng trệ, giao thông công cộng gián đoạn, các chuyến bay phải hủy bỏ… khi người Hy Lạp tham gia cuộc tổng đình công thứ 4 trong năm nay ở quốc gia này.

Tuy nhiên, sự phản kháng khiến quê hương của những vị thần chìm vào rối loạn xã hội sẽ khó lòng thay đổi một sự thật, Athens phải tìm đường sống bằng mạnh tay cắt giảm ngân sách, sa thải nhân công và thậm chí bán tài sản cho tư nhân để trả các khoản nợ đang xếp hàng đợi thanh toán. Hàng loạt của cải quốc gia từ máy bay, sân bay, hải cảng, bưu điện, cơ sở xổ số, nhiều công ty điện, nước, khí đốt, viễn thông, cổ phần nhiều ngân hàng, doanh nghiệp, hàng nghìn mẫu đất, đặc biệt tại các bãi biển thơ mộng của Hy Lạp... đã nằm trong danh sách để "đội nón ra đi". Nếu thu được khoản tiền khoảng 50 tỷ euro như dự kiến, đây sẽ là một nguồn lực đáng kể cho Athens. Song, thực tế không giống như mong ước, kể từ năm 2000 đến nay, Hy Lạp mới chỉ thu về 10 tỷ euro từ kế hoạch tư nhân hóa. Con số này chẳng thấm vào đâu nếu so với mức tài chính gấp 5 lần mà xứ sở Thần thoại cần có để đáo nợ vào lúc này.

Như vậy có nghĩa là, mọi ngả đường đều dẫn tới việc Athens phải được cứu viện từ bên ngoài. Kề vai sát cánh với thành viên đau yếu nhất của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) suốt hơn một năm qua, các lãnh đạo Cựu lục địa hơn ai hết hiểu rõ thực tế đó. Không biết bao nhiêu cuộc họp, thảo luận và thậm chí là bất đồng đã xuất hiện tại châu Âu những ngày qua chỉ để tìm lời giải cho câu hỏi, làm thế nào để đưa Hy Lạp khỏi trạng thái cận kề "cái chết" tài chính một lần nữa. Thông tin một công dân châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde lại vừa trở thành nữ chủ nhân đầu tiên của chiếc ghế Tổng Giám đốc IMF có lẽ sẽ làm phấn chấn trời Âu trong thời khắc u ám này. Khi định chế tiền tệ lớn nhất thế giới chưa thay đổi lịch sử của nó, có lý do để tin tưởng dưới sự lãnh đạo của một người Âu, vai trò cứu trợ của IMF cho cơn bão nợ tại Lục địa già sẽ không mờ nhạt.

Còn nước còn tát, EU vừa thông báo kế hoạch tái đầu tư liên quan đến 70% khoản nợ của quê hương Thần Zeus. Theo đề xuất của Pháp, một nửa số nợ đáo hạn của Hy Lạp trong 3 năm tiếp theo sẽ được chuyển thành trái phiếu kỳ hạn 30 năm và 20% số tiền thu về sẽ lại được sử dụng như tài sản thế chấp cho các ngân hàng. Chương trình nhiều tham vọng này nếu được thông qua sẽ cho Athens thêm thời gian dưỡng sức quý báu nhằm chống chọi với bão dữ.

Mặc dù vậy, vấn đề với Hy Lạp hiện nay không chỉ là phải được "xốc nách" bằng các khoản vay, mà để làm lành vết thương đang đe dọa châu Âu, xứ sở Thần thoại còn đứng trước con đường thậm chí chông gai hơn là cần thoát khỏi nợ nần. Cái khó là, muốn đến được viễn cảnh đó, Athens buộc phải tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng điều đó sẽ không thành hiện thực một khi Hy Lạp phải chi tiêu khắc khổ. Vì vậy, dường như châu Âu chưa thực sự tìm được một chiến lược dài hơi để cứu nguy đất nước bên bờ Địa Trung Hải cũng như giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đang lây nhiễm rất nhanh. Sau hơn một năm, Hy Lạp vẫn mang trong mình căn bệnh nan y trong khi những liều thuốc chữa đang dần cạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hy Lạp: Bệnh sắp... hết thuốc chữa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.