Theo dõi Báo Hànộimới trên

COP-17, hồi kết không mong đợi

Vân Khanh| 11/12/2011 06:14

(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 17 (COP-17), kéo dài 12 ngày tại Durban của Nam Phi với kỳ vọng về một Nghị định thư Kyoto giai đoạn 2 đã kết thúc với kết quả không mong đợi khi các quốc gia chủ chốt vẫn bất đồng gay gắt về nghĩa vụ cắt giảm khí thải.

Nỗ lực giảm thiểu sự khác biệt để tiến tới một giải pháp dễ chấp nhận hơn cũng chưa đạt được trong lần nhóm họp này. Giống như những cuộc tập hợp trước, COP-17 đã phải kéo dài thêm một ngày so với kế hoạch. Song, các cuộc thảo luận kéo dài suốt đêm 9 đến sáng 10-12 vẫn chưa khai thông được bế tắc. Điều này cho thấy, sự chia rẽ đang đặt cuộc chiến chống biến đối khí hậu trước những thách thức ghê gớm.

Lũ lụt lịch sử tại Thái Lan vừa qua được xem có nguyên nhân từ tình trạng biến đổi khí hậu.

Được đánh giá là một bước đi tích cực tại COP-17, sáng kiến "Lộ trình Durban" của Liên minh Châu Âu (EU) hướng tới khuôn khổ pháp lý mới, mang tính toàn diện và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2015, trong đó 30 nước phát triển và đang phát triển sẽ phải thực hiện những cam kết về cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Mặc dù vậy, trái với lạc quan về bước đi tích cực với đề xuất mới của EU, câu hỏi cũ liên quan đến quyết tâm của Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia thải khí CO2 nhiều nhất vào bầu khí quyển, vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.

Sau nhiều phiên thảo luận, tuyên bố xưa cũ của Mỹ rằng sẽ không tham gia một thỏa thuận ràng buộc về pháp lý chừng nào những nước phát thải lớn khác chưa đưa ra cam kết tương tự đã dự báo một hồi kết không mong đợi của cuộc tập hợp tại Durban. Lời thừa nhận COP-17 đã thất bại của Cao ủy Liên minh Châu Âu về khí hậu Connie Hedegaard được khẳng định sau khi Trung Quốc và Ấn Độ cho rằng sẽ là không công bằng nếu những nước đang phát triển phải tuân thủ mức cắt giảm bằng Mỹ và phương Tây, những quốc gia đã gây ra tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay. Lập trường "tham gia có điều kiện" của Mỹ và xu hướng muốn trì hoãn các cuộc thương lượng về thỏa thuận cắt giảm khí thải tới tận năm 2015 của một số nền kinh tế mới nổi là chỉ dấu rõ ràng rằng cuộc đuổi bắt giữa hai nhóm nước - phát triển và đang phát triển - còn lâu mới kết thúc. Vấn đề nằm ở chỗ, cắt bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đồng nghĩa với việc phải giảm tốc nền kinh tế vốn phụ thuộc vào sản xuất và xuất khẩu. Thế nhưng, chẳng quốc gia nào sẵn sàng giảm đi những phần trăm khó khăn của tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang bị đe dọa rơi vào cơn suy thoái thứ hai trong vòng 3 năm qua.

Tuy nhiên, những diễn biến ngày càng xấu đi của khí hậu lại không chờ đợi Châu Âu giải quyết xong thảm họa nợ công cũng như Mỹ thành công sau các gói kích thích nền kinh tế trì trệ hay các quốc gia mới nổi kiềm chế được lạm phát và nguy cơ phát triển nóng... Nhiệt độ Trái đất vẫn đang ngày càng tăng lên dẫn tới nước biển dâng, thảm họa thiên nhiên... đang đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu con người. Không ít nhà khoa học cảnh báo thế giới không thể chậm hơn nữa trong cuộc đua với biến đổi khí hậu đã vào những phút chót. Chỉ trong 10 năm qua, 3.852 thảm họa tự nhiên đã cướp đi hơn 780.000 sinh mạng, ảnh hưởng tới trên 2 tỷ người khác và gây tổn thất ít nhất 960 tỷ USD. Thế nhưng, theo dự đoán, với sự xấu đi của bầu khí quyển như hiện nay, số thảm họa tự nhiên trong 10 - 15 năm tới có lẽ sẽ tăng gấp đôi. Tình trạng di cư môi trường đã lên mức kỷ lục, xung đột do thiếu nước sạch, năng suất nông nghiệp giảm sút, mất đi sinh kế, nguy cơ sức khỏe và khủng hoảng năng lượng... cũng là những mối nguy lớn nhất với nhân loại do biến đổi khí hậu gây ra. Báo cáo mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhấn mạnh tác động từ hiện tượng ấm lên của Trái đất đã trở thành đe dọa đối với hòa bình và an ninh thế giới khiến việc phải có một quyết tâm chính trị nhằm cắt giảm khí CO2 của tất cả các quốc gia là con đường bắt buộc để bảo vệ hành tinh xanh.

Có điều, dù cứu ngôi nhà chung trước thảm họa do chính con người gây ra đã được tất cả các nước nhìn nhận là vấn đề khẩn thiết, nhưng thực tế cho thấy, làm thế nào để dung hòa lợi ích trước mắt cho mục tiêu lâu dài là cực kỳ khó khăn. Bài toán chưa có đáp số vẫn còn để ngỏ và thế giới lại phải chờ đợi những thiện chí có thể tại COP-18 ở Qatar năm 2012.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
COP-17, hồi kết không mong đợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.