Theo dõi Báo Hànộimới trên

Indonesia: Nhiên liệu “đốt nóng” chính trường

Đình Hiệp| 03/04/2012 06:08

(HNM) - Cuối cùng kế hoạch tăng 33% giá nhiên liệu kể từ ngày 1-4 của Chính phủ Indonesia nhằm giảm sức ép ngày một đè nặng lên ngân sách quốc gia khi giá dầu thế giới vượt ngưỡng 100 USD/thùng đã không thể trở thành hiện thực.

Sau cuộc thảo luận căng thẳng diễn ra trước thời hạn chót 24 giờ, Quốc hội Indonesia đã thông qua dự luật mới bác bỏ kế hoạch tăng giá nhiên liệu của Chính phủ; đồng thời giới hạn biên độ tăng giá xăng chỉ từ 5% đến 15% và kéo dài thời gian tăng từ 30 ngày lên 6 tháng. Theo dự luật mới, Chính phủ của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono sẽ không thể tăng giá nhiên liệu trong tương lai gần. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Chính phủ phải duy trì chính sách trợ giá nhiên liệu.

Hàng nghìn người dân Indonesia xuống đường phản đối Chính phủ tăng giá nhiên liệu.

Khẳng định Indonesia sẽ không chịu nổi gánh nặng trợ giá nhiên liệu vốn đã chiếm tới 11% ngân sách nhà nước trong năm 2011, Chính phủ của Tổng thống S.Yudhoyono quyết tâm theo đuổi kế hoạch tăng giá xăng bằng mọi giá khi đưa ra mức tăng giá xăng từ 4.500 rupiah/lít lên 6.000 rupiah/lít (tương đương 13.000 VND/lít) kể từ ngày 1-4. Với giá nhiên liệu được cho là thấp nhất ở Châu Á hiện nay nhờ trợ giá, nếu không tăng giá nhiên liệu, thâm hụt ngân sách của Indonesia sẽ vượt quá giới hạn 3% GDP mà luật cho phép. Khi phải tiếp tục tăng trợ giá nhiên liệu, "chiếc bánh" ngân sách của Chính phủ sẽ không còn dư dật để đầu tư nhiều hơn cho y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng với nền kinh tế 240 triệu dân mà có tới hơn 100 triệu người đang phải sống với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày.

Song, quyết tâm của Chính phủ Indonesia về tăng giá nhiên liệu đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các đảng đối lập, các nghiệp đoàn cũng như nhiều tổ chức xã hội. Với các đảng đối lập, kế hoạch tăng giá nhiên liệu của Chính phủ thành hiện thực có thể khiến cử tri quay lưng lại với cuộc bầu cử năm 2014, thời điểm Tổng thống S.Yudhoyono không tiếp tục tranh cử sau 2 nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước. Kế hoạch này cũng không nhận được sự hưởng ứng của người dân Indonesia khi hàng chục nghìn người xuống đường biểu tình gần như hằng ngày trên cả nước trong những ngày qua để phản đối giá nhiên liệu tăng. Với người dân Indonesia, việc tăng giá nhiên liệu có thể khiến giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng leo thang, đẩy cuộc sống của người nghèo lâm vào tình cảnh khó khăn hơn.

Sự kiện Quốc hội Indonesia bác bỏ kế hoạch tăng giá nhiên liệu do Chính phủ đề xuất vào phút chót không chỉ là thất bại lớn của đảng Dân chủ cầm quyền trước các đảng đối lập, mà còn làm gia tăng sự phụ thuộc của quốc gia Vạn đảo vào nhập khẩu dầu cũng như gây khó khăn cho việc phát triển các nguồn năng lượng khác. Trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc cũng vừa tăng giá nhiên liệu lên mức cao nhất trong 2 năm qua, gây thêm áp lực tăng thuế xuất, nhập khẩu dầu cho các nước từ Indonesia tới Ấn Độ, kế hoạch tăng giá nhiên liệu của Chính phủ đổ bể đang đẩy Tổng thống S.Yudhoyono đến trước thách thức mới trong bối cảnh nền kinh tế đất nước chưa thoát khỏi khó khăn.

Thể hiện quan điểm của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Widjajono Partowidagdo cho rằng, chính sách nhiên liệu giá rẻ được áp dụng lâu nay tại Indonesia không còn phù hợp nữa, bởi đất nước Vạn đảo đã trở thành một nước nhập khẩu ròng dầu mỏ từ năm 2006 đến nay. Trong khi đó, các mỏ cũ đang dần cạn kiệt và các nguồn dự trữ mới phát hiện không đáng kể do thiếu đầu tư. Theo ông Widjajono, việc từ bỏ chính sách trợ giá nhiên liệu tất nhiên không thể thực hiện ngay tức thời mà cần một lộ trình cắt giảm từng bước. Nhưng, nền kinh tế Indonesia sẽ không thể gồng mình chống chịu lâu dài khi giá xăng được nhà nước trợ cấp là 4.500 rupiah/lít, còn giá thị trường là 9.200 rupiah/lít.

Chính trường Indonesia đã "nóng" lên khi hàng chục nghìn người tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Jakarta, phong tỏa tuyến đường nối thủ đô với sân bay chính Soukarno - Hatta trong lúc các nghị sĩ thảo luận dự luật mới về giá xăng. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông khi cuộc tụ tập biến thành các hoạt động quá khích. Làn sóng biểu tình của dân chúng phản đối Chính phủ tăng giá nhiên liệu đã buộc Tổng thống S.Yudhoyono phải hủy kế hoạch tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra trong hai ngày 3 và 4-4 tại Campuchia để theo dõi tình hình trong nước và đưa ra những chỉ thị cần thiết và kịp thời. Đây hẳn là thách thức lớn nhất với Chính phủ của Tổng thống S.Yudhoyono trong những ngày tới. Một khi giá dầu thế giới tiếp tục tăng do những căng thẳng giữa Iran với các nước phương Tây chưa chấm dứt, bài toán tăng giá hay trợ giá nhiên liệu sẽ tiếp tục là câu chuyện thời sự trên chính trường quốc gia Đông Nam Á này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Indonesia: Nhiên liệu “đốt nóng” chính trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.