Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khủng hoảng chính trị tại Syria: Hy vọng mong manh

Trung Hiếu| 28/04/2012 07:11

(HNM) - Gần hai tuần đã qua khi nhóm quan sát viên Liên hợp quốc (LHQ) đầu tiên gồm 6 người tới thủ đô Damascus (tối 15-4), để giám sát việc chính phủ Syria và phe đối lập thực thi thỏa thuận ngừng bắn theo kế hoạch hòa bình 6 điểm mà Đặc phái viên chung LHQ và Liên đoàn Arab (AL) Kofi Annan đề ra, tình hình tại quốc gia Trung Đông này đã có những chuyển biến bước đầu.


Trong một động thái mới, ngày 24-4, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Fayssal Mikdad tuyên bố, Damascus cam kết thực hiện kế hoạch của Đặc phái viên K.Annan, đồng thời khẳng định đối thoại dân tộc là "con đường duy nhất" để đưa Syria thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Syria Mohamad Nidal al-Shaar bày tỏ lạc quan rằng, quốc gia sẽ ổn định trở lại và sẽ nổi lên sau cuộc khủng hoảng hiện nay và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cùng thời gian này, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã quyết định triển khai phái bộ đầy đủ gồm 300 quan sát viên của tổ chức này để giám sát thực thi thỏa thuận ngừng bắn tại Syria. Cuộc triển khai này có thể bắt đầu vào tuần sau.

Hòa bình để phát triển luôn là khao khát của người dân Syria.


Những gì đang diễn ra tại Syria là dấu hiệu tích cực hiếm hoi trong suốt 13 tháng nổ ra cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này. Tuy nhiên, mong ước hòa bình và ổn định với người dân Syria vẫn chỉ là hy vọng. Bất chấp cam kết của chính quyền Damascus, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã quyết định tiếp tục gia tăng sức ép lên chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad bằng nhiều biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn. Ngày 23-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt Syria gồm phong tỏa tài sản và cấm cấp thị thực với những công ty và cá nhân tham gia trong lĩnh vực công nghệ của chính quyền Damascus. Thậm chí, ngày 24-4, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton còn cho biết, Washington đã chuẩn bị những biện pháp bổ sung với chính quyền Damascus nếu kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên K.Annan thất bại. Cùng ngày, tại phiên họp ngoại trưởng 27 quốc gia thành viên EU ở Luxemburg, EU cũng đã nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt với chính quyền Syria. Đây là vòng trừng phạt thứ 14 của EU với Syria...

Như vậy, "nút thắt" cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria thật không dễ gỡ. Với Washington, mặc dù hy vọng kế hoạch của ông K.Annan thành công, song giới chức Mỹ vẫn nghi ngờ chính quyền Tổng thống Bashar Assad sẽ hoàn toàn tuân thủ các điều khoản của kế hoạch hòa bình. Trong khi đó, tại Paris (Pháp), ngày 26-4, doanh nhân Syria đang sống lưu vong Nofal Dawalibi đã công bố thành lập "chính phủ chuyển tiếp để đáp ứng các nhu cầu của phe đối lập Syria" với các mục tiêu: vũ trang cho các chiến binh chống chế độ, tiến hành "can thiệp quân sự quốc tế trực tiếp" và bảo đảm khôi phục an ninh, ổn định ở Syria... Đây cũng là nguyên nhân phần nào lý giải cho đến nay, Damascus chưa rút hết các vũ khí hạng nặng được sử dụng để trấn áp các cuộc biểu tình ra khỏi các thành phố theo lệnh ngừng bắn của LHQ. Dư luận khu vực cho rằng, dù đã đạt được kết quả ban đầu theo kế hoạch của Đặc phái viên K.Annan nhưng chưa thể khẳng định quá trình đi đến hòa bình và ổn định tại Syria sẽ diễn biến tốt đẹp. Cuộc khủng hoảng sẽ xấu đi nếu bạo lực vẫn tiếp diễn và niềm tin chưa được tạo dựng. Trong khi đó, các nước phương Tây và đồng minh Arab chưa có dấu hiệu ngừng tìm cách can thiệp vào quốc gia Trung Đông này và điều đó sẽ chỉ khiến tình hình thêm rối ren.

Theo đánh giá chung của một phái đoàn gồm 7 cơ quan của LHQ và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, hiện có đến 1 triệu người Syria cần sự trợ giúp nhân đạo. Còn theo Chương trình lương thực thế giới (WFP), khoảng 1,4 triệu người Syria, đặc biệt là ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán năm trước đó đã phải vật lộn để nuôi sống bản thân và đa số những người này tập trung ở những khu vực hiện bị ảnh hưởng bởi tình hình bất ổn. Thế nhưng, với cuộc khủng hoảng hiện nay, hy vọng về tương lai ở phía trước của những người này nói riêng và cả đất nước Syria nói chung là hết sức mong manh và rất có thể dễ đổ vỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng chính trị tại Syria: Hy vọng mong manh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.