Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thầm lặng những mạch nguồn

Nguyễn Như Hải| 25/10/2011 07:19

(HNM) - Cứ mỗi khi Hà Nội vào thu, gió heo may trên những mặt hồ sương sớm, những con đường và những góc phố rêu xanh, với những ký ức sâu lắng về mùa thu xưa khi năm cửa ô đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô...


Kiểm tra hệ thống lọc nước tại Nhà máy Nước Yên Phụ.

Quá khứ hào hùng

Lịch sử cấp nước của Hà Nội bắt đầu với việc người Pháp xây dựng Nhà máy Nước (NMN) Yên Phụ và tháp nước Hàng Đậu. NMN Yên Phụ, tiền thân của Công ty NSHN ngày nay được khởi công xây dựng năm 1894 và đưa vào vận hành năm 1896. Sau đó, người Pháp xây dựng thêm 4 NMN nữa là Đồn Thủy (năm 1925), Bạch Mai (năm 1931), Ngọc Hà (năm 1938), Ngô Sỹ Liên (năm 1941). Tháng 10-1954, chào đón đoàn quân chiến thắng trở về, những người thợ nước Hà Nội lại bắt tay vào công cuộc xây dựng Thủ đô và đất nước, bảo đảm các NMN hoạt động bình thường. Ngày 25-10-1954, Sở Máy nước Hà Nội chính thức mang tên NMN Hà Nội. Liên tục trong giai đoạn 1954-1975 vừa sản xuất vừa chiến đấu, anh em công nhân vẫn hăng say lao động nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân Thủ đô. Giai đoạn này, tổng công suất cấp nước của NMN Hà Nội đạt 125.000 m3/ngày-đêm (ng-đ).

Năm 1978, Nhà máy đã được UBND TP Hà Nội đổi tên thành Công ty Cấp nước Hà Nội. Giai đoạn này, công cuộc xây dựng Thủ đô, đất nước đòi hỏi nhiệm vụ sản xuất và cung cấp nước phục vụ đời sống, sinh hoạt ngày càng cao. Giai đoạn 1986-1997 đánh dấu sự hợp tác sâu rộng của ngành nước Hà Nội với các tổ chức quốc tế. Trong đó, nổi bật nhất là công trình xây dựng và cải tạo một số NMN do Chính phủ Phần Lan viện trợ với số tiền lên đến 80 triệu USD. Từ nguồn vốn này, các NMN Yên Phụ, Tương Mai, Ngọc Hà, Ngô Sỹ Liên được cải tạo, NMN Mai Dịch, Pháp Vân được xây dựng mới. Hệ thống đường ống cũng được đầu tư mở rộng… Những thay đổi đó đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước và cải thiện đời sống của người dân. Khái niệm nước "Phần Lan" đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của nhiều người dân Hà Nội khi nói đến nước sạch với một thái độ trân trọng. Không chỉ dừng ở đó, ngay sau khi UBND TP Hà Nội quyết định thành lập Công ty Kinh doanh NSHN (tháng 4-1994), Công ty đã triển khai một loạt dự án lớn, như nâng cao năng lực hệ thống cấp nước Gia Lâm (từ chương trình viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản); chương trình cải tạo và mở rộng hệ thống cấp nước giai đoạn IV mà điển hình là dự án cấp nước 1A vay vốn của Ngân hàng Thế giới để xây dựng thêm các NMN Cáo Đỉnh (năm 2001) và Nam Dư (năm 2004); tiếp tục thực hiện dự án khắc phục 25km đường ống truyền dẫn bằng công nghệ mới lồng ống - không đào vay vốn của Chính phủ Đan Mạch; năm 2005, hệ thống cấp nước phía Bắc TP Hà Nội lại tiếp nhận thêm NMN Bắc Thăng Long với công suất giai đoạn I là 22.000 m3/ng-đ (từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JBIC). Thông qua các dự án này, việc chuyển giao công nghệ kỹ thuật tiến bộ cho ngành nước Hà Nội đã được đội ngũ CBCNV, công nhân kỹ thuật của công ty nhạy bén nắm bắt, từ đó tự mình có thể làm chủ quy trình sản xuất hiện đại, nâng cao hiệu quả SXKD.

Thách thức phía trước

Năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, cũng là năm đánh dấu bước chuyển đổi cơ bản về mô hình tổ chức và hình thức hoạt động của công ty. Ngày 22-1-2008, UBND TP đã quyết định chuyển đổi Công ty Kinh doanh NSHN sang hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con. Thách thức càng lớn, nhưng cũng mở ra cho công ty những cơ hội phát triển. Công ty đã cơ cấu lại bộ máy tổ chức, tập trung thực hiện các dự án trọng điểm phát triển nguồn và mạng lưới cấp nước trên địa bàn. Với tư duy dám nghĩ dám làm đã "đơm hoa kết trái", trong 3 năm kể từ khi chuyển sang mô hình hoạt động mới đã đạt kết quả đáng khích lệ. Nếu như tại thời điểm thành lập công ty mẹ (năm 2008), trên địa bàn công ty quản lý cấp nước, tỷ lệ dân số nội thành được cấp nước là 92% tương đương 1,75 triệu dân đô thị được sử dụng nước sạch thì đến năm 2010 là 99%, tương đương 1,95 triệu dân. Năng lực sản xuất toàn công ty đã tăng thêm 50.000 m3/ng-đ, số hộ dân được cấp nước tăng thêm 70.000 hộ (tương đương với 325.000 dân). Doanh thu tăng bình quân 20%/năm, tỷ lệ nước thu tiền tăng bình quân 1%/năm, thu nhập bình quân của người lao động tăng bình quân 20%/năm, nộp ngân sách tăng 40%/năm.

Hà Nội hôm nay vẫn đang trên đà phát triển. Tốc độ đô thị hóa kéo theo nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, đặt ra cho ngành nước những thách thức mới. Theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Công ty NSHN xây dựng mục tiêu phát triển và mở rộng mạng lưới cấp nước về phía Tây và Nam của Hà Nội. Cùng với đó tăng cường chống thất thoát, thất thu nước sạch, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và tăng tỷ lệ tái sử dụng nước rửa lọc… phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ nước thất thoát xuống còn 24-26%, mở rộng diện bao phủ cấp nước, nâng tiêu chuẩn cấp nước lên 150-180 lít/người/ngày.

Cách đây hơn một thế kỷ, người Pháp đã khoan những mũi khoan đầu tiên xây dựng các giếng khai thác nước cho NMN Yên Phụ, đã 117 năm, nước sạch, dòng mạch nguồn của sự sống âm thầm chảy trong lòng TP. Từ một đội ngũ ban đầu chỉ hơn 50 người thợ cho đến một tập thể hơn 2.300 CBCNV được trang bị kỹ năng và tri thức tiên tiến, từ hệ thống sản xuất đơn sơ ban đầu với lò hơi, ống khói và bơm nước, cho đến dây chuyền sản xuất đồng bộ ứng dụng công nghệ hiện đại, dòng nước sạch đã được chảy qua 3 thế kỷ mang theo bao mồ hôi, nước mắt và sự hy sinh thầm lặng của người thợ nước Hà Nội để đóng góp cho một Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững. Những đóng góp ấy đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận với nhiều thành tích cao quý. Nhưng giá trị hơn cả chính là sự ghi nhận của người dân Thủ đô với những đóng góp thầm lặng của mỗi CBCNV ngành nước sạch Hà Nội.

Công ty NSHN đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1958), hạng Nhì (năm 1984 và 1965); Huân chương Chiến công (năm 1966 và 1972); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1999) và Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2011).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thầm lặng những mạch nguồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.