Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Chống “giặc nội xâm”

TS Nguyễn Duy Hùng - PGS, TS Lê Văn Yên| 29/01/2012 06:03

(HNM) - Tham ô, lãng phí, quan liêu là những "căn bệnh" nguy hiểm, chẳng những làm xói mòn phẩm chất, đạo đức, lối sống và phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên, mà còn là trở lực lớn đối với sự nghiệp xây dựng xã hội mới, là nguy cơ làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa trong điều kiện Đảng Cộng sản cầm quyền.

Về căn bệnh tham ô được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công làm của tư; đục khoét của nhân dân; ăn bớt của bộ đội; tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung, của Chính phủ làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình... Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công, gian lận thuế"... Người kết luận: "Trộm cắp tiền bạc của nhân dân, tổn hại kinh tế của Chính phủ cũng là mật thám, phản quốc, nếu không phải là tệ hơn nữa". Bệnh lãng phí được Người chỉ rõ, là tiêu dùng bừa bãi, lãng phí thời gian, lãng phí tiền của, lãng phí của cải vật chất của nhân dân, của đất nước. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãng phí là do trình độ non kém, do thiếu nghiệp vụ chuyên môn, do độc đoán đưa ra những quyết định sai lầm. Người kêu gọi phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sinh hoạt của mỗi người, chống cách tiêu dùng bừa bãi của nhân dân và của Nhà nước. Còn bệnh quan liêu, theo Người, là mất dân chủ, là xa dân, khinh nhân dân, sợ nhân dân, không tin cậy nhân dân, không hiểu biết nhân dân, không yêu thương nhân dân... Có nạn tham ô, lãng phí là có bệnh quan liêu: "Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn". Người cho rằng, bệnh quan liêu chỉ là gieo hạt, vun trồng cho tham ô, lãng phí nảy nở, "vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà như không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho tham ô, lãng phí".

Nguyên nhân sâu xa, bao trùm của các tệ nạn trên được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rất rõ, đó là chủ nghĩa cá nhân - một thứ trở lực nằm ngay trong mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi con người, là một nguyên nhân gốc gây ra bao khuyết điểm, sai lầm và là trở lực khác. Người nêu rõ, chủ nghĩa cá nhân thường đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, chỉ muốn hưởng thụ, đãi ngộ, còn công việc thì lười nhác, so bì hơn thiệt, công thần, địa vị, kiêu ngạo, tự cao tự đại...Vì như Người phân tích: "là những ông quan liêu"... nhưng số người đó coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan, phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ quên rằng mỗi đồng tiền, hạt gạo đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân, do đó mà sinh ra phô trương, lãng phí. Họ tự cho mình có quyền sống xa hoa hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi. Tất cả những lỗi lầm nói trên là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân".

Tác hại của tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn có hại hơn nhiều, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến", "tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô". Chúng là "kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, làm hỏng công việc của ta. Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù có cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính". Chủ tịch Hồ Chí Minh coi những tệ nạn đó là vi phạm đạo đức cách mạng, là hành động xấu xa nhất của con người, nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, là một thứ giặc - "giặc nội xâm", "tội lỗi ấy cũng nặng như tội Việt gian, mật thám".

Tác hại của chủ nghĩa cá nhân được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí...Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó". Người phân tích: Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành ta đi xuống dốc, vì thế càng nguy hiểm. Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nó chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng...

Trước tình hình tham nhũng và những tệ nạn xã hội ở nước ta có chiều hướng gia tăng, ôn lại những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, chống tham ô, lãng phí, quan liêu càng thấy rõ ý nghĩa sâu xa, tầm quan trọng và tính thời sự những chỉ dẫn của Người. Tuy chúng ta không bắt gặp những từ "tham nhũng" trong các tác phẩm của Người, nhưng đối chiếu với Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 của Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29-11-2005, có hiệu lực từ ngày 1-6-2006, có nêu: " Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó mà vụ lợi", cùng những hành vi tham nhũng nêu trong Luật này phù hợp với những nội dung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là tham ô, lãng phí, quan liêu.

Qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đã thẳng thắn kiểm điểm và chỉ rõ một trong bốn nguy cơ, đó là tệ quan liêu và tham nhũng: "Tình trạng tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, gây bất bình và làm giảm lòng tin trong nhân dân". Thật vậy, nạn tham nhũng kéo dài, ngày càng diễn biến phức tạp, quy mô ngày càng lớn, tính chất ngày càng nghiêm trọng trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe dọa đến sự sống còn của chế độ ta. Điều quan trọng hơn là từ thực tiễn kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta muốn cảnh báo về hậu quả xã hội nguy hại của nó.

Tham nhũng, lãng phí, quan liêu ngoài những tổn thất và thiệt hại to lớn về kinh tế còn gây nên những thiệt hại về chính trị, xã hội khó lường. Điều tệ hại hơn, các tệ nạn này đang làm tha hóa cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền; làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; làm mất đi mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với quần chúng nhân dân; làm cho các chủ trương, chính sách bị sai lệch dẫn đến chệch hướng và làm tiền đề của mọi sự mất ổn định xã hội; là điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch, gây mất ổn định chính trị, thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ. Đối với kẻ thù, nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu là cơ sở và mục tiêu để chúng công kích, bôi xấu chế độ ta, làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước ta. Đúng như điều mà Lênin trước đây đã cảnh báo về nguy cơ của một đảng cầm quyền chính là ở chỗ đánh mất mối dây liên hệ với quần chúng, rằng "nếu có cái gì làm tiêu vong chúng ta thì chính là những tệ nạn đó".

Trong nhiều năm qua, Đảng ta đã có những chủ trương, phương hướng chỉ đạo nhằm đấu tranh chống tệ nạn này có hiệu quả. Nhà nước cũng ban hành hàng loạt văn bản pháp luật quy định cụ thể về chống tham nhũng, lãng phí, nhưng nhìn chung hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chưa cao. Nhận thức ra tính chất nguy hại của tệ nạn này, Đảng ta đã có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cuộc đấu tranh này là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các cấp ủy và tổ chức Đảng, đặc biệt là cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp và khó khăn của cuộc đấu tranh này, có quyết tâm chính trị cao, đấu tranh kiên quyết, kiên trì, liên tục có hiệu quả từ trung ương đến cơ sở, trong Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Các cấp ủy và tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là cán bộ lãnh đạo cấp cao phải thực sự tiên phong, gương mẫu trong trận chiến với thứ "giặc nội xâm" tệ hại này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Chống “giặc nội xâm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.