Theo dõi Báo Hànộimới trên

Paul Scott với hành trình của gốm men Lam

Nguyễn Thu Thủy| 28/03/2010 00:59

(HNM)- Cumbrian Blues – Men lam xứ Cumbria là nghệ danh riêng của nghệ sĩ gốm đương đại người Anh Paul Scott. Xưởng gốm của Paul nằm ở làng Blencogo thuộc vùng quê Cumbria nằm ở phía bắc nước Anh giáp biên giới với Scotland. Paul Scott là thành viên Viện Hàn lâm Gốm quốc tế. Trong nhiều năm anh là cây bút phê bình và thành viên trong ban biên tập của tạp chí Mỹ thuật AN.

Họa sỹ người Anh - Paul Scott


(HNM)- Cumbrian Blues – Men lam xứ Cumbria là nghệ danh riêng của nghệ sĩ gốm đương đại người Anh Paul Scott. Xưởng gốm của Paul nằm ở làng Blencogo thuộc vùng quê Cumbria nằm ở phía bắc nước Anh giáp biên giới với Scotland. Paul Scott là thành viên Viện Hàn lâm Gốm quốc tế. Trong nhiều năm anh là cây bút phê bình và thành viên trong ban biên tập của tạp chí Mỹ thuật AN.


Paul dành nhiều thời gian chuyên sâu vào nghiên cứu gốm và kỹ thuật in trên gốm. Cuốn sách đầu tiên Gốm và In trên gốm ( Ceramics and Print ) cùng với cuộc triển lãm gốm đương đại mang tên Xuất bản nóng hổi (Hot off the Press) đã gây một tiếng vang lớn trong giới nghệ thuật gốm quốc tế. Cuốn sách về gốm thứ hai của Paul là Vẽ trên đất sét : Nghệ thuật Đồ họa và bề mặt gốm ( Painted Clay : Graphic Arts and the Ceramic Surface ) đã nhanh chóng được phát hành trên nhiều nước và được các nghệ sĩ gốm nồng nhiệt đón nhận. Khi triển khai dự án Con đường Gốm sứ ven sông Hồng, tôi cũng may mắn mua được cuốn sách này của Paul ở hiệu sách Tràng Tiền.


Thấy kỹ thuật và phong cách in gốm của Paul quá hay, tôi đã nhờ một nghệ sĩ ở London tìm cách liên hệ và mời Paul tới Hà Nội tham gia dự án Con đường Gốm sứ. Mặc dù rất bận rộn với các chương trình triển lãm và giảng dạy ở các nước châu Âu và châu Mỹ, Paul Scott đã nhận lời và hiện anh đang cùng các nghệ sĩ Việt Nam thực hiện một đoạn tranh gốm do anh thiết kế cho Con đường Gốm sứ.

Trung thành với màu men coban trên nền trắng, Paul thiết kế những hoa văn hoa đào được lưu giữ trên đĩa sứ ở Bảo tàng gốm sứ Gustavsberg gần Stockholm (Thụy Điển) cho Con đường Gốm sứ. Paul cho biết : "Những hoa văn này rất gần với hoa văn Calico vẫn được sản xuất ở vùng Burleigh của nước Anh. Tôi rất quan tâm tới hành trình mà những hoa văn họa tiết này di chuyển quanh thế giới và thay đổi ở mỗi vùng. Đến mỗi nước, chúng lại thích nghi và thấm vào nền văn hóa của nước đó, trở nên khác đi vì cộng hưởng thêm tính bản địa của vùng miền. Tôi cũng quan tâm nghiên cứu tới việc chúng biến đổi thế nào khi thay đổi chất liệu thể hiện.". Điều đặc biệt thú vị là mặc dù chưa một lần đặt chân đến châu Á, nhưng Paul là người rất mến mộ nghệ thuật gốm men lam châu Á và châu Âu.


Đề tài bảo vệ luận án Tiến sĩ của Paul Scott năm 2009 là Phong cảnh trên gốm hoa lam- sự sắp xếp và pha chế lại- Một nguyên lý bề mặt. Anh đã dành nhiều năm nghiên cứu, thu thập tài liệu từ các bảo tàng, các chuyến đi, các cuộc triển lãm và tình bạn với nhiều nghệ sĩ gốm và các nhà nghiên cứu từ nhiều nước. Điều thú vị Paul rút ra là cuộc du hành của gốm men lam châu Á từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sang châu Âu theo đường biển. Các nước châu Âu đã nhập khẩu các đồ gốm này. Và để giảm giá thành, tăng số lượng cũng như thiết kế những phong cảnh gần gũi theo phong cách châu Âu, đặc biệt thời nữ hoàng Victoria, các xưởng gốm châu Âu đã dùng kỹ thuật khắc kẽm, in đề can rồi dán lên các sản phẩm gốm men trắng trơn có xuất sứ Trung Quốc và hấp lại ở nhiệt độ thấp. Và những đồ gốm men lam châu Âu này (Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Italia,..) với phong cảnh châu Âu theo phong cách hoa lam châu Á lại được các nước châu Ấ ưa chuộng. Chúng lại được xuất khẩu quay lại một số nước châu Á. Trong cuốn sách Gốm Việt Nam- Một truyền thống riêng biệt mà Paul mua được, nhà nghiên cứu Stevenson đã chụp những đĩa gốm men lam của Anh gắn trang trí trên lăng Kiến Thái Vương ở Huế. Paul nói : " Tôi không phải người Anh đầu tiên đã xuất khẩu ngược lại những hoa văn trang trí tới Đông Nam Á. Khoảng giữa năm 1835 và 1847 hãng Copeland và Garett đã xuất khẩu đồ sứ in hoa lam tới Việt Nam, trong đó có in những cây liễu và hoa tường xuân."



Một số tác phẩm gốm của Paul Scott trong thời gian gần đây được đánh giá cao và gây chú ý ở châu Âu với đề tài môi trường. Với nhiều kỹ thuật in trên gốm, anh đã xoáy sâu diễn tả mâu thuẫn giữa nhu cầu tiêu dùng tiện nghi của con người và việc bảo vệ môi trường, sự vô tình của con người đến những tổn hại khó nhận thấy hàng ngày đến môi trường thiên nhiên. Hòa trộn giữa tính lãng mạn truyền thống và những vấn đề bức xúc hiện tại, kết hợp những kỹ thuật mới tiên tiến và không quên những kỹ thuật in thủ công trên gốm từ những thế kỷ trước, nghệ sĩ gốm và nhà nghiên cứu Paul Scott đang để lại những dấu ấn đẹp và ấn tượng trong dòng gốm đương đại quốc tế.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Paul Scott với hành trình của gốm men Lam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.