Theo dõi Báo Hànộimới trên

Louis Lambert với ngôn ngữ biểu tượng trong tạo hình mang dấu ấn văn hóa Tây Ban Nha

Nguyễn Thu Thủy| 09/05/2010 01:03

(HNM)- Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Hà Nội muốn dành một món quà đặc biệt để chào đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội và họ đã lựa chọn nghệ sĩ Louis Lambert tới Hà Nội tham gia thể hiện một bức tranh nói lên tình hữu nghị Việt Nam- Tây Ban Nha trên Con đường gốm sứ.


(HNM)- Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Hà Nội muốn dành một món quà đặc biệt để chào đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội và họ đã lựa chọn nghệ sĩ Louis Lambert tới Hà Nội tham gia thể hiện một bức tranh nói lên tình hữu nghị Việt Nam- Tây Ban Nha trên Con đường gốm sứ.

Họa sỹ Louis Lambert và bức phác thảo


Tham gia dự án này, họa sỹ Louis Lambert đã chuẩn bị phác thảo rất cẩn thận và kỹ lưỡng từ cuối năm 2009 và hoàn thành vào tháng 3 năm nay. Ý tưởng của Louis là lựa chọn những đặc trưng mang tính biểu tượng văn hóa của hai đất nước đặt trong bố cục đăng đối. Phía bên trái bức tranh sẽ là các biểu trưng của văn hóa Việt Nam, phía bên phải là biểu trưng của văn hóa Tây Ban Nha. Trung tâm bức tranh là điểm giao hòa của hai nền văn hóa được thể hiện trên khuôn mặt lớn vui vẻ, hạnh phúc diễn tả theo phong cách lập thể.

Về kiến trúc, Tây Ban Nha có công trình Sagrada Familia ở Barcelona là niềm tự hào, ở Hà Nội có những đình chùa và mái ngói phố cổ. Vũ điệu Flamenco đại diện cho âm nhạc Tây Ban Nha, còn múa rối nước của Việt Nam cũng là nét độc đáo riêng được thế giới đánh giá cao. Tiếp theo là biểu trưng về con người và sự vật ở phía Việt Nam là người đi xe máy, ấm trà, hoa sen,..phía Tây Ban Nha là người chơi ghi ta, Don Kihote, hoa hồng... Louis cho biết thêm : " Những ngọn núi cách điệu trong tranh của tôi biểu tượng cho di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long của Việt Nam. Những cây olive trong rừng cũng là di sản thiên nhiên lâu đời của đất nước chúng tôi. Bạn sẽ thấy bức tranh theo bố cục chuyển động chạy dài từ trái qua phải và từ phải qua trái, ở trung tâm là sự hòa trộn. Đây là sự diễn tả một thế giới tưởng tượng từ những biểu tượng văn hóa có thực của hai đất nước. Những nhân vật và vật thể được cách điệu và hư cấu trong tranh được hiểu như những đại sứ của một thông điệp hòa bình và mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nền văn hóa.".


Họa sỹ Louis Lambert làm việc cùng tác giả Con đường gốm sứ


Trong suốt tháng 4 và đầu tháng 5, Louis đã miệt mài làm việc cùng các nghệ sĩ và nghệ nhân Việt Nam để chuyển thể phác thảo thành tranh gốm. Những đỏ, vàng, đen, lam, hồng nguyên chất của chất liệu gốm Bát Tràng đã được Louis phối màu khéo léo để thể hiện những biểu tượng văn hóa của hai nước. Bức tranh dần hiện lên tươi sáng, trong trẻo và lãng mạn.

Tên tuổi của Louis Lambert (sinh năm 1978) với nghệ danh 3TTman hiện đang được biết đến khá nhiều ở Tây Ban Nha và châu Âu. Anh tham gia nhiều dự án nghệ thuật khác nhau, trong đó đặc biệt phải kể tới dự án Tate Modern Walking Tour được tổ chức tại bảo tàng nghệ thuật đương đại Tate Modern của London, một trong những bảo tàng nghệ thuật đương đại có tiếng nhất trên thế giới và được coi là không gian sáng tác đi đầu, luôn ủng hộ những người tiên phong trong lĩnh vực nghệ thuật. Dự án này sử dụng chính mặt tiền của bảo tàng để các nghệ sĩ thể hiện tranh bích họa khổ lớn. Louis đã mời 6 nghệ sĩ đô thị có tiếng khác cùng thực hiện dự án với mình.


Thuật ngữ "nghệ sĩ đô thị" có lẽ hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam. Từ nhiều năm nay, tại các đô thị phương Tây phát triển một loại hình nghệ thuật đô thị, mà ở ta thường gọi nôm na là nghệ thuật đường phố. Loại hình nghệ thuật này phát triển các tác phẩm nghệ thuật đương đại tại các không gian của đô thị, nhằm phá vỡ vẻ khô cứng của các khối kiến trúc hiện đại, những kính thép và bê tông, mang lại những nét riêng thể hiện đời sống tinh thần của thành phố.

Nghệ danh 3TTman, viết tắt từ tiếng Pháp Trois Tête man có nghĩa là người đàn ông có 3 chiếc đầu. Louis cho biết : " Qua hình tượng này, tôi muốn diễn đạt ba cách thức mà cùng một vật có thể trải nghiệm nhiều quá trình khác nhau, ba cách thức mà một người có thể suy nghĩ, hành động và quyết định. Tôi bắt đầu sự nghiệp của mình trong xưởng vẽ, nhưng sau đó tôi quyết định chuyển sang vẽ tranh trên đường phố. Vì điều tôi thực sự quan tâm là trộn lẫn ngôn ngữ của mình với ngôn ngữ xung quanh chúng ta hàng ngày trên các áp phích hay pano quảng cáo."


Gần đây Louis hợp tác với tư cách đạo diễn nghệ thuật với hãng MTV và hãng hàng không Vueling để vẽ tranh trang trí bên ngoài một chiếc máy bay của hãng hàng không này. Ngoài ra, anh còn thiết kế vẽ thảm đỏ của cuộc trình diễn thời trang Cibeles gần đây nhất của hãng Swatch. Đoạn tranh gốm của Louis Lambert trên Con đường Gốm sứ dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 5 này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Louis Lambert với ngôn ngữ biểu tượng trong tạo hình mang dấu ấn văn hóa Tây Ban Nha

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.