Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ không quan tâm đến bằng tốt nghiệp ĐH của Lý Nhã Kỳ

Hoàng Lân| 07/10/2011 12:52

(HNMO) - Trước thông tin đồn đoán về tính xác thực về tấm bằng Đại học tại Đức của diễn viên Lý Nhã Kỳ, ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế khẳng định trong cuộc họp báo vào sáng nay (7/10) rằng: Đại sứ du lịch không nhất thiết phải tốt nghiệp đại học...

Bộ VHTT&DL không quan tâm nhiều đến bằng tốt nghiệp ĐH của Lý Nhã Kỳ


* Lý giải có thỏa đáng?


Việc diễn viên Lý Nhã Kỳ đột nhiên được Bộ VHTT&DL “chọn mặt gửi vàng” bổ nhiệm vai trò Đại sứ Du lịch 2011 khiến dư luận thời gian qua dấy lên những phản hồi trái chiều. Vụ việc càng “nóng” hơn khi dư luận phát hiện nhiều điểm không đồng thuận trong lý lịch nhân thân của Lý Nhã Kỳ gửi cho Bô VHTT&DL với những phát ngôn với báo giới trước đó. Tấm bằng Đại học tại Đức mà Lý Nhã Kỳ khẳng định cũng trở thành tâm điểm của giới truyền thông khi có nhiều thông tin cho rằng, cô đã không trung thực, khai man bằng cấp, rằng trường Đại học tại Đức của Lý Nhã Kỳ là không có thật.

Mặc dù sau đó Lý Nhã Kỹ đã lên tiếng khẳng định trường học mà cô tốt nghiệp có tên là ALEXANDER WIEGAND, nhưng dư luận có vẻ vẫn không thấy thỏa đáng khi có thêm thông tin trên một số trang mạng xã hội rằng, ALEXANDER WIEGAND là tên của một trường dạy thú nuôi.

Mọi thắc mắc về sự đúng sai, tính xác thực, minh bạch trong hồ sơ và cách giải thích của diễn viên Lý Nhã Kỳ được trông chờ nhiều vào cuộc họp ngày 7/10 của Bộ VHTT&DL. Công chúng hy vọng, lãnh đạo Bộ, những người thẩm định hồ sơ của Lý Nhã Kỳ có thể cung cấp những chứng cứ xác thực nhất để xóa tan mọi đồn thổi, thắc mắc trong thời gian vừa qua. Trong cuộc họp sáng nay, Lý Nhã Kỳ đã không có mặt.

Ông Nguyễn Văn Tình, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế cho biết, mọi hồ sơ của Lý Nhã Kỳ trước khi gửi lên Bộ đều do địa phương xác minh. Bộ thẩm định tính xác thực của hồ sơ dựa trên cơ sở xác minh của địa phương. Theo hồ sơ có dấu của địa phương thì bố của Lý Nhã Kỳ là ông Trần Ngọc Lý - liệt sỹ, được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định trao tặng bằng Tổ quốc ghi công vào năm 2006 (trước đó Lý Nhã Kỳ trả lời báo chí bố cô là người Nga).

Ông Tình cũng khẳng định, theo hồ sơ mà chính quyền địa phương nơi Lý Nhã Kỳ cư trú xác minh thì không có điều gì nói lên là cô ấy có hai dòng máu. Như vậy, Lý Nhã Kỳ đã đưa ra thông tin không chuẩn xác về thân nhân khi trả lời báo chí trước đó (?).

Còn về tấm bằng Đại học tại Đức đang gây nhiều tranh cãi, qua đó cũng có không ít lời đồn thổi, ông Tình cho biết, hiện nay Bộ đã có trong tay bản sao bằng ĐH của cô, nhưng lại không cung cấp hình ảnh của tấm bằng. Khi được hỏi về tính xác thực của tấm bằng vì dư luận băn khoăn về trường ĐH của Lý Nhã Kỳ thì ông Tình cũng cho biết, danh hiệu Đại sứ Du lịch không yêu cầu người đảm nhiệm phải có bằng Đại học, bởi Đại sứ du lịch có thể là một thần đồng nhỏ tuổi. Vì thế, những dị nghị vừa qua xung quanh bằng ĐH của Lý Nhã Kỳ Bộ VHTT&DL không quá quan tâm và không cần thiết phải đi thẩm định.

Ông Tình cũng cho biết, đã chứng kiến Lý Nhã Kỳ nói chuyện với Chủ tịch tổ chức New 7wonder bằng tiếng Đức thành thạo và trong quá trình đi giao lưu cũng thấy cô tự tin nói tiếng Anh, đó mới là điều cần thiết ở một Đại sứ du lịch khi quảng giao với các tổ chức nước ngoài.

Lý Nhã Kỳ vẫn đảm nhiệm vai trò Đại sứ du lịch 2011


Một thắc mắc khác của báo chí về danh sách các ứng cử viên Đại sứ du lịch trước khi Bộ VHTT&DL quyết định chọn Lý Nhã Kỳ nhưng đã không được Bộ VHTT&DL đưa ra. Ông Tình từ chối cung cấp danh tính, tên tuổi những ứng cử viên này, nhưng lại khẳng định, danh sách được lựa chọn kỹ khoảng 6 – 7 người và đều là những gương mặt tên tuổi, đình đám. Lý do những “tên tuổi” này không được chọn vì không có nhiều thời gian để tham gia (trước đó, ông Tình trả lời báo giới rằng có nhiều người đòi hỏi cát –xê cao). Ông Tình lấy ví dụ, muốn mời ca sĩ Hồng Nhung làm Đại sứ nhưng lịch biểu diễn của cô ấy dày đặc nên không có nhiều thời gian đảm nhiệm vai trò này.

Sau những phần tích này thì Bộ VHTT&DL quyết định lựa chọn Lý Nhã Kỳ. Ông Tình giải thích: Vì thời gian gấp rút nên chúng tôi không thê lấy ý kiến rộng rãi. Đây là lần đầu tiên chúng ta có Đại sứ du lịch nên cách làm mang tính thí điểm. Lần sau, Bộ VHTT&DL sẽ thực hiện lấy ý kiến rộng rãi hơn và có Hội đồng thẩm định công minh và rõ ràng hơn.

* Cái lý của công chúng

Đại sứ du lịch cũng không nhất thiết phải tốt nghiệp Đại học bởi gương mặt lựa chọn có thể là những cá nhân còn nhỏ tuổi hoặc thậm chí là một linh vật, vì thế việc Lý Nhã Kỳ có tốt nghiệp Đại học tại Đức hay không không quan trọng. Trường cô ấy theo học là thuộc loại nổi tiếng hay bình dân không quan trọng. Cô ấy có phải là cô gái lai giữa hai dòng máu Việt – Nga cũng không quan trọng… Nhưng tại sao, dư luận lại vẫn ầm ĩ về những câu chuyện xung quanh cô ấy và cần những thông tinh đính chính, xác minh.

Đó là bởi, dư luận mong muốn có được một chân dung trung thực nhất về một vị Đại sứ Du lịch (mà họ bị bắt phải thừa nhận). Công chúng không chấp nhận một vị Đại sứ có nhiều thông tin mù mờ thiếu chuẩn xác.

Lý Nhã Kỳ vẫn thực hiện các hoạt động từ thiện và tham gia vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long


Giá như, ngay từ đầu Bộ VHTT&DL có cách làm rõ ràng và minh bạch hơn trong việc lựa chọn gương mặt Đại sứ. Giá như, các danh sách ứng cử được công khai để dư luận được tỏ tường và các cá nhân được lựa chọn có cơ hội lên tiếng (từ chối hoặc đồng ý) thì gương mặt Đại sứ du lịch chắc hẳn sẽ nhận được sự đồng thuận.

Giá như, khi xuất hiện những thông tin hoài nghi xung quanh lý lịch của Lý Nhã Kỳ được Bộ VHTT&DL đưa ra những chứng cứ rõ ràng hơn là những câu trả lời nước đôi… thì có lẽ đã không có nhiều thông tin thất thiệt đến vậy. Nếu Lý Nhã Kỳ có bằng ĐH tại Đức thì có gì là khó khi Bộ VHTT&DL cung cấp hình ảnh của tấm bằng đó.

Ở đây, Lý Nhã Kỳ có vẻ hơi oan uổng khi phải chịu quá nhiều “búa rìu” dư luận chỉ vì được chọn làm Đại sứ Du lịch. Nếu như cô ấy có cái tâm làm từ thiện và mong muốn được đóng góp vô điều kiện (không đòi hỏi cát –xê, tự túc lo tiền đi lại – như lời khẳng định của Bộ VHTT&DL) hãy để cô ấy chứng minh điều đó bằng hành động cụ thể.

Những phản ứng của dư luận xung quanh sự kiện này âu cũng là một kinh nghiệm cho Bộ VHTT&DL trong việc bổ nhiệm những chức danh khác nếu có.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ không quan tâm đến bằng tốt nghiệp ĐH của Lý Nhã Kỳ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.