Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì một mùa lễ hội lành mạnh, văn minh

Thu Hiền| 28/01/2012 07:27

(HNM) - Sau Lễ hội Đống Đa tưng bừng, hôm nay 28-1 (mùng 6 tháng Giêng), có tới 4 lễ hội lớn là Lễ hội Cổ Loa (Đông Anh), Lễ hội đền Sóc (Sóc Sơn), đền Hai Bà Trưng (Mê Linh) và Lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức) cùng khai hội.


 Lễ hội Cổ Loa.


Gìn giữ truyền thống

Tránh sa vào kịch bản nhàm chán của một số lễ hội từng bị dư luận phê phán, các lễ hội lớn trên địa bàn Thủ đô khai mạc hôm nay đều rõ tính chủ thể thuộc về cộng đồng.


Du khách trẩy hội chùa Hương.

Lễ hội Hai Bà Trưng kỷ niệm 1972 năm (40-2012) ngày Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đền nợ nước, trả thù nhà, đánh tan quân Nam Hán, giải phóng đất nước, do nhân dân xã Mê Linh chuẩn bị. Công phu nhất là lễ rước kiệu với 5 chiếc kiệu, rước từ đền Hai Bà Trưng về Đình làng Hạ Lôi vào ngày mùng 4 tháng Giêng và từ đình làng Hạ Lôi về lại đền Hai Bà Trưng vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Trong đám rước tưng bừng, rộn rã tiếng chiêng, trống của phường bát âm, hai bên nam nữ hát đối. Tương truyền, bài hát có từ thời Hai Bà Trưng, rõ sự cổ vũ quân sĩ đánh giặc ngoại xâm. Bên cạnh đó, lễ tế được tổ chức từ ngày mùng Một Tết và kéo dài đến ngày mùng 8 tháng Giêng với các lễ tế như tế cầu phúc, tế công đồng, tế Yến Hạ, tế nhập tịch ở cả đình và đền, tế tạ. Phần hội tưng bừng hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian…

Lễ hội đền Cổ Loa (Đông Anh) tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương, người có công xây thành Cổ Loa sẽ được khai mạc theo đúng nghi lễ truyền thống. Du khách và nhân dân trong vùng có dịp tiếp nhau tế lễ, chứng kiến lễ rước kiệu bát xã, dâng hương trong âm hưởng hào hùng của tiếng trống, tiếng kèn, tiếng chiêng. Năm nay, các trò chơi dân gian như chọi gà, ném còn, đu tiên, cờ người… vẫn được duy trì.


Lễ hội đền Sóc (Sóc Sơn), một trong những lễ hội lớn tại Hà Nội.
Ảnh: Như Ý - Quốc Khánh

Hội đền Sóc tưởng nhớ công đức Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng) trong năm thứ hai trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được BTC khẳng định là sẽ không làm phụ lòng những ai yêu quý lễ hội cổ truyền. Tại đây, một lần nữa người dân có thể hiểu hơn tinh thần yêu nước, tinh thần thượng võ cũng như sự gắn kết cộng đồng của người Việt Nam qua các lễ rước mang tính biểu tượng như lễ rước voi, ngựa, giò hoa tre, rước tướng... Còn ở phía tây nam Thủ đô, chốn "Nam thiên đệ nhất động" trong ngày khai mạc Xuân Hội chùa Hương 2012 sẽ có chương trình ca múa nhạc, hát quan họ, ca trù, chầu văn, múa tứ lân sôi động, hấp dẫn tại sân Thiên Trù...

Đẩy lùi tệ nạn, tiêu cực


Trong số những lễ hội nói trên, Lễ hội chùa Hương diễn ra dài nhất, thu hút lượng khách đến chiêm bái, thưởng ngoạn đông nhất, nhưng những năm qua còn nhiều bất cập. Từng bước trả lại cho lễ hội giá trị tốt đẹp mà nó vốn có, năm nay BTC Lễ hội chùa Hương đã đề ra nhiều phương án nhằm đẩy lùi tệ nạn, giảm thiểu tiêu cực. Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng BTC Lễ hội chùa Hương năm Nhâm Thìn 2012 cho hay, BTC đã thành lập hai tổ kiểm tra, có lắp đặt máy camera chụp hình tại chỗ nhằm phát hiện hành vi vứt rác bừa bãi và thực hiện xử phạt hành chính tất cả các trường hợp vi phạm. Mức phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng/lần. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng dây chuyền xử lý rác thải theo công nghệ lò đốt của Nhật Bản - trị giá trên 10 tỷ đồng; đã bố trí thùng rác dọc các tuyến đường tham quan, các điểm di tích và các bến đò. Trước ngày khai hội, huyện Mỹ Đức đã mở đợt tuyên truyền cho người dân về lề lối ứng xử văn minh, từ vứt rác đúng nơi quy định đến duy trì trật tự nơi công cộng. Năm nay, tình trạng bày bán tràn lan các loại thịt thú rừng "nhái" cũng sẽ bị kiểm soát, ngăn cấm thông qua việc lập 21 điểm kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại chùa Hương. Đặc biệt, du khách phát hiện thấy trường hợp chèo kéo khách dọc đường hay chủ đò kỳ kèo xin tiền "bồi dưỡng" có thể phản ánh đến BTC thông qua số điện thoại nóng được in trên các pa nô, áp phích dọc các tuyến đường trong khu di tích. Đồ mã, lễ chín tiếp tục được BTC khuyến cáo du khách không mang vào chùa… Với những biện pháp khá "rắn" này, du khách đến chùa Hương tham quan, lễ Phật trong những ngày đầu Xuân Nhâm Thìn đều có chung nhận xét tích cực.

Để bảo đảm an toàn cho du khách trẩy hội đền Sóc, BTC đã bố trí 18 chốt và 5 đội bảo vệ liên ngành, thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, gây rối trật tự công cộng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong khu vực diễn ra lễ hội. Tình trạng đặt tiền lẻ không đúng chỗ, gây phản cảm trong Lễ hội đền Sóc được BTC khắc phục bằng cách bố trí người thu gom, hướng dẫn cho du khách bỏ tiền vào hòm công đức duy nhất trong đền chính. Để hạn chế việc "chặt chém" du khách vô tội vạ trong Lễ hội Cổ Loa như từng có những năm trước, năm nay BTC lễ hội có hợp đồng với các chủ dịch vụ trông xe, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, quy định rõ những điều được phép hoặc không. Chính quyền địa phương kiên quyết không cấp phép tổ chức các trò vui chơi có thưởng mà thực chất là cờ bạc núp bóng lễ hội. Nói không với nạn cờ bạc núp bóng trò chơi có thưởng bằng cách thành lập đội kiểm tra liên ngành cũng là cách ứng phó của huyện Mê Linh, tất cả nhằm nâng cao chất lượng tổ chức Lễ hội Hai Bà Trưng trong mùa xuân hội năm 2012. Để tôn vinh tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, Lễ hội Hai Bà Trưng năm nay còn có hoạt động ban chữ của người cao tuổi cho thanh, thiếu niên…

Mùa lễ hội Xuân Nhâm Thìn 2012 đã bắt đầu, hy vọng với sự nỗ lực của các địa phương, lễ hội truyền thống khắp nơi trên địa bàn Thủ đô sẽ tạo thêm nét đẹp văn hóa đầu xuân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì một mùa lễ hội lành mạnh, văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.