Theo dõi Báo Hànộimới trên

Câu chuyện về căn bếp ảo nổi tiếng

Thi Thi| 24/02/2012 07:11

(HNM) - Một người con gái Hà Nội cùng gia đình nhỏ của mình gây dựng cuộc sống ở xứ sở "Mặt trời mọc". Một căn bếp ảo mang tên "Bếp Rùa" (khaitam. wordpress.com) thu hút hơn 6 triệu lượt truy cập sau 5 năm thành lập. Một cuốn sách gợi sự ấm áp "5 mùa yêu thương" vừa ra mắt tại Việt Nam đã nhanh chóng thu hút các ông bố, bà mẹ trẻ.

Từ Nhật Bản, tác giả Khai Tâm (sinh năm 1979), chủ nhân căn bếp ảo, tác giả cuốn sách sẽ chia sẻ với bạn đọc Hànộimới quanh ấn phẩm này của chị.

- Là vợ của một nhà khoa học, mẹ của ba con nhỏ, bản thân từng nhiều năm học tập ở nước ngoài, việc lựa chọn làm "người phụ nữ ở nhà" hẳn không phải là một quyết định dễ dàng với chị?

- Việc làm "người phụ nữ ở nhà" không hẳn do mình "chọn", mà có lẽ do hoàn cảnh quyết định. Một là gia đình sống mỗi người một nơi, vợ đi làm, chăm con ở Hà Nội và chồng học hành, làm việc ở Nhật Bản. Hai là cùng nhau sống ở Nhật Bản. Gia đình mình chọn sống chung với nhau, nên cũng có những điều được, mất. Quay lại làm nội trợ không gì khó khăn, bởi thực tế là những người phụ nữ năng động cũng phải kiêm luôn những công việc nhà cửa, con cái. "Người phụ nữ ở nhà" đơn giản chỉ là được quay về với chức năng của mình thôi.

- Đâu là lý do quan trọng nhất để chị mở ra Bếp Rùa?

- Bếp Rùa từ khi chào đời chỉ có một mục đích rất nhỏ thôi, là viết những trang nhật ký về cuộc sống gia đình, để sau này các con mình có thể đọc lại. Trước đây, xen kẽ với bếp núc còn là những câu chuyện nhỏ nhặt hằng ngày của bọn trẻ. Nhưng giờ thì những bài viết quá riêng tư không còn nữa, thay vào đó, là cái nhìn rộng mở hơn về cuộc sống gia đình, mà người đọc ai cũng có thể ít nhiều thấy mình trong đó. Nói chung, Bếp Rùa chỉ là nơi "khơi nguồn cảm hứng". Các bà mẹ vẫn là những người tự nhóm lên và duy trì ngọn lửa gia đình mình.

- Chị có thường xuyên giao lưu với các bà mẹ Nhật Bản không? Phụ nữ Nhật Bản và phụ nữ Việt mình có nét gì giống và khác nhau, theo chị?

- Mình tiếp xúc với các bà mẹ Nhật khi đến trường các con, tham gia dự giờ lớp, học ngoại khóa… Ở các thành phố lớn, phụ nữ làm công sở thì chắc không khác gì phụ nữ Việt Nam, cũng bận rộn đủ thứ việc (nhưng ở đây không có người giúp việc). Các gia đình trẻ phải tự lập và được tự chủ nên việc dạy dỗ con cái cũng theo hướng đó. Trẻ con ở Nhật được khuyến khích tự làm các công việc cá nhân tùy theo lứa tuổi chứ không có ông bà cha mẹ làm giúp.

- Bên cạnh những công thức nấu ăn, cuốn sách của chị có một phần thông tin thú vị về cuộc sống gia đình, tuy nhiên nó mới vì có những nét chấm phá. Chị có nghĩ sẽ viết một cuốn sách khác riêng về chủ đề này?

- Như mình đã nói ở trên, những chia sẻ ở trang web và cả ở ấn phẩm "5 mùa yêu thương" đều mang trong đó những hình ảnh, tâm tư chung của những người bố, người mẹ và cả bọn trẻ. Cuốn sách tiếp theo có lẽ có nhiều chuyện kể hơn và hy vọng sẽ làm mọi người "thấy" mình ở trong đó nhiều hơn.

- Chị sinh ra ở Hà Nội, nhưng cũng đã có nhiều năm sống, học tập ở nước ngoài. Nếu nhớ về Hà Nội, chị sẽ nhớ những điều gì nhất?

- Cây bàng. Những chiếc lá bàng được các bà gói xôi, những quả bàng rụng xuống đường được bọn trẻ đập lấy nhân ăn. Hình như không chỉ là nhớ vị bùi của hạt bàng mà có lẽ đó là nỗi nhớ về tuổi thơ gắn liền với Hà Nội yêu dấu.

- Xin cảm ơn chị! chúc "Bếp Rùa" của chị luôn đỏ lửa!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện về căn bếp ảo nổi tiếng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.