Theo dõi Báo Hànộimới trên

“PR” hay là sinh hoạt văn hóa?

Thi Thi| 26/02/2012 06:40

(HNM) - Những năm gần đây, đời sống văn học, nghệ thuật ghi nhận một hoạt động hết sức sôi nổi, ấy là những buổi tọa đàm, hội thảo quanh một cuốn sách mới


Hoạt động tọa đàm, hội thảo về tác phẩm văn học ngày một chiếm tỷ lệ lớn trong các hoạt động của đời sống văn nghệ hôm nay. Đơn vị tổ chức có thể là các trung tâm văn hóa của nước ngoài đặt tại Việt Nam, các NXB, các đơn vị truyền thông tư nhân, đối tác liên kết xuất bản, các nhà sách... Có thể kể đến NXB Trẻ, Tri thức, Kim Đồng, Trung tâm Văn hóa Pháp, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, Công ty truyền thông Nhã Nam, Trung tâm ngôn ngữ, văn hóa Đông Tây…


Giao lưu, triển lãm minh họa, sách của Nguyễn Huy Thiệp, nhân buổi ra mắt tác phẩm “Vong Bướm”. Ảnh: Hà Thu


Chỉ trong gần hai tuần qua, tại Hà Nội đã có một số cuộc trò chuyện văn chương đáng chú ý như giới thiệu tập thơ song ngữ "Chiều rơi trên sóng" của TS vật lý Nguyễn Đình Dũng (hiện sinh sống làm việc tại Ba Lan); ra mắt tác phẩm "Tiếng hát người cá" và giao lưu với tác giả Masatsugu Ono, một tiến sĩ văn học trẻ của Nhật Bản. Rồi trò chuyện với cây bút nổi tiếng Nguyễn Huy Thiệp, nhân dịp công bố thử nghiệm mới của ông - hai kịch bản chèo, in trong tập sách mang tên "Vong Bướm"…

Địa điểm diễn ra những sự kiện này thường là các thư viện, trung tâm văn hóa, trụ sở hội văn học nghệ thuật, trường đại học… và cả những "quán café văn chương" như Hội quán Sáng tạo Trung Nguyên (Điện Biên Phủ, Hà Nội)… Cũng có nơi mời được diễn giả là các nhà phê bình, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu làm "MC". Lại có cuộc, anh em, bạn bè đến chia sẻ, ký tặng nhau sách… thế cũng đủ vui! Khá nhiều cuộc gặp gỡ như thế còn "kiêm" thêm cả một triển lãm nho nhỏ giới thiệu tranh minh họa của tác phẩm, các ấn phẩm của tác giả đã xuất bản ở nước ngoài… Một thứ tư liệu "nói" được nhiều điều với độc giả.

Ai cũng biết, nguồn cơn việc tổ chức sự kiện là để mang sách đến với công chúng, sao cho sách bán hết, chóng tái bản. Nhưng liệu PR hay mà sách dở thì có đánh lừa được công chúng? Và ngược lại nếu PR chuyên nghiệp cho một cuốn sách tốt thì những lợi ích đi kèm của việc "bán hàng" này có đáng ghi nhận?

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, người dẫn dắt nhiều chương trình tọa đàm, hội thảo về tác phẩm văn học đã chia sẻ: "Thế kỷ trước, những cuộc tọa đàm, hội thảo về tác phẩm văn học chủ yếu dành cho số ít những tác phẩm lớn, thể hiện tính chuyên môn, học thuật và phần nào mang không khí… trịnh trọng. Mười năm đầu của thế kỷ XXI, các hoạt động giới thiệu, trao đổi, tọa đàm, hội thảo về một tác phẩm văn học ngày một sôi động đã phản ánh phần nào xu thế phát triển chung của xã hội. Từ chỗ chỉ quảng cáo sách thông thường, các đơn vị đã tiến tới tổ chức gặp mặt tác giả, giao lưu với các nhà chuyên môn, bạn đọc. Khi đó những cuộc giới thiệu sách ít nhiều làm lợi cho công chúng và chính những người hoạt động văn học nghệ thuật". Tuy nhiên, ông cũng khẳng định không phải cuộc tọa đàm nào ông cũng tham dự hoặc nhận lời làm diễn giả. Trước hết phải đọc tác phẩm đó và xem nó có những giá trị và đóng góp nhất định nào không. Và diễn giả cũng không làm việc "tâng bốc" cho cuốn sách mà quan trọng là dẫn dắt giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tác giả, tác phẩm.

Văn học vẫn đang có công chúng

Nhiều lần, trên các diễn đàn văn học, người ta nói về "nguy cơ sách văn học bị mất dần thị phần", rồi "trả nhuận bút cho tác giả bằng sách", "văn hóa đọc đi xuống"…, song không ít cuộc tọa đàm, hội thảo giới thiệu sách mới diễn ra thời gian gần đây đã phản ánh một không khí ngược lại. Hình như không chỉ có nhà văn đến với nhau để chúc mừng, hoặc để học hỏi, mà văn nghệ sĩ nói chung cùng chuyên gia trong các lĩnh vực khác cũng coi đây là một dịp giao lưu, làm đầy thêm vốn sống. Cuộc trò chuyện quanh cuốn tiểu thuyết dày dặn của Nguyễn Xuân Khánh do Hội Nhà văn Hà Nội, NXB Phụ nữ tổ chức mấy năm trước, đạo diễn Nguyễn Quốc Trọng ngồi phía sau, lặng lẽ và chăm chú lắng nghe. Buổi giao lưu với Tiến sĩ văn học Masatsugu Ono có đạo diễn Đặng Nhật Minh và nhà giáo Châu Diên - Phạm Toàn… Hai khách mời tưởng là "ngoại đạo" này lại có những nhận xét và phát biểu thú vị.

Thực tế, dịp ra mắt "Vong Bướm" của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mới đây đã thành công về mặt công chúng. Sách đã không đủ để bán cho bạn đọc ngay tại buổi tọa đàm. Nghe thông tin qua báo chí, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Trần Việt Ngữ (người có công trình nghiên cứu về chèo vừa được Hội đồng cấp bộ đề nghị Hội đồng cấp nhà nước xét giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2011) đã tới dự và mua sách. Ông cũng chia sẻ tâm huyết về chèo nói chung, cùng những băn khoăn về việc chuyển thể một bản trò (kịch bản chèo) tốt sang một vở chèo tốt…

Còn nhớ, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã nói về một điều thú vị, đó là công chúng mua vé dự Liên hoan văn học quốc tế Manila (Philippines) 2011. Hiện nay, tất cả cuộc tọa đàm, trò chuyện, hội thảo giới thiệu tác phẩm văn học của ta đều… mở cửa tự do. Đặt vấn đề như vậy, không phải để ta "theo" bạn bán vé cho người tham dự. Mà nói như bà Trưởng ban tổ chức liên hoan này là, "việc bạn đọc mua vé sẽ bảo đảm rằng họ thực sự muốn tham dự các hoạt động của liên hoan này". "Thực sự muốn tham dự" - đó chính là "từ khóa" mà các cuộc tọa đàm, hội thảo văn chương mong muốn từ công chúng. Và khách quan, công chúng cũng nhìn thấy điều này trong khá nhiều sự kiện đã diễn ra.

Như vậy, văn học rõ ràng đang kỳ vọng vào đời sống để gieo mầm chân - thiện - mỹ theo cách riêng của nó. Không làm thay được sự đọc cho công chúng, nhưng nếu làm tốt vai trò cầu nối, thì những cuộc tọa đàm, hội thảo, giới thiệu tác phẩm văn học thực sự đã vượt lên hai chữ "PR" thông thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“PR” hay là sinh hoạt văn hóa?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.