Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày Tết cuối: Hoa tươi, người “héo”

Hải Linh| 17/02/2011 10:45

(HNMO) - Rằm tháng riêng âm lịch, trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội), đào được bày bán trên nhiều tuyến phố chứ không riêng ở chợ hoa và cây cảnh như mọi năm. Dường như những người trồng đào đang cố “vớt vát” ngày “Tết cuối” này để bán nốt số đào còn ế ẩm.

Sau mấy ngày hửng nắng, những cành đào đều chi chít nụ và hoa. Có điều phía sau những cành đào rực rỡ khoe sắc ấy lại là các gương mặt “héo” của người trồng vì đào quá rẻ.

Đường Bà Triệu, Hà Đông.


Ngược lại, hầu hết người mua đào đều rạng rỡ phấn khởi vì mua được đào vừa rẻ, vừa đẹp. Bác Hoà (58 tuổi, ở Văn Khê, Hà Đông) hớn hở khoe: “Mỗi cành có 10 nghìn đồng, bác mua hai cành về cắm trên bàn thờ cho đẹp”.

Trái với thị trường đào trước Tết, vừa đắt đỏ, vừa khan hiếm vì tiết trời quá rét, hoa không kịp nở để đón Tết. Giá một cành đào nhỏ nhất cũng phải 150-250.000 đồng, loại to phải trên 450.000 đồng, đấy là còn chưa nói đến những cây đào, đặc biệt là những cây đào thế. Sau Tết, được hưởng tiết trời ấm áp của những ngày đầu xuân, hoa vừa nở chúm chím rất đúng độ đẹp thì người chơi lại không nhiều nên đào mất giá. Cành đào loại to cũng chỉ từ 40-70 nghìn đồng một cành nhưng rất ít người mua vì... “qua Rằm thì hết hẳn Tết rồi, có ai ở nhà ngắm đâu mà mua cành to bày cho phí”, anh Minh (36 tuổi, Thanh Xuân) tâm sự.

Đường Lê Lợi, Hà Đông.

Vì thế chợ tấp nập đấy nhưng hầu hết người mua chỉ tìm cành nhỏ để bày trên bàn thờ là chính, buộc người bán phải chẻ nhỏ đào thành nhiều cành nhỏ, bán với giá 10-20 nghìn đồng.

Thấy đào rẻ, tôi mua 2 cành loại nhỏ, chị bán hoa lấy 25 nghìn. Chị còn không quên cám ơn tôi vì đã không kì kèo mặc cả như nhiều người. Tôi trêu “Tết đào đắt thế, chắc năm nay nhà mình đón xuân vui lắm chị nhỉ?!”. Chị nhìn tôi cười gượng gạo: “Trước Tết làm gì có hoa mà bán hả em, nụ cứ ngậm khin khít, lá mầm cũng chẳng thèm nảy nên mang ra cũng chẳng bán được mấy cành. Đến lúc đào nở đẹp thì hết Tết, ra chợ cố bán mấy cành cho đỡ xót công chăm bón”.


Cành to...khó bán.

Thời tiết trước và sau Tết quá chênh lệch khiến cả người bán đào và chơi đào cùng chịu thiệt thòi. Người chơi đào muốn mua một cây hoặc một cành đào thật đẹp để chơi Tết thì quá khan hiếm và đắt đỏ, khiến nhiều người chuyển hướng sang quất và hoa tươi. Hoa tươi cũng vì thế mà lên ngôi, cộng thêm ngày valentine “kích cầu” khiến thị trường hoa sôi động cả trước và sau Tết. Đào thì ngược lại, vì nó chỉ có ý nghĩa chơi trong ngày Tết.

Thị trường hoa tươi vẫn không hề giảm nhiệt.

Thương người trồng đào, tôi cũng chỉ biết thầm mong cho mùa Tết năm sau thuận lợi để không phải nhìn thấy cảnh “hoa tươi, người héo” như thế này!
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày Tết cuối: Hoa tươi, người “héo”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.