Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần tạo thói quen mới cho người tham gia giao thông

Nhóm PV| 24/02/2012 18:44

(HNMO) - Đã gần mười ngày kể từ khi thực hiện chủ trương của thành phố thu hồi giấy phép trông giữ xe tại 262 tuyến phố, sự thông thoáng bước đầu đã được trả lại. Hànộimới Online đã ghi nhận một số ý kiến của người dân xung quanh vấn đề này.


* Anh Ngọc Khánh
ở phố Đại La: "Bây giờ mới thực hiện đã là muộn"

Hàng ngày tôi vẫn đi làm về qua phố Bà Triệu bằng xe máy, có thể nói rất khổ khi phải qua lại đoạn đường qua bệnh viện Mắt Trung ương vì luôn vấp phải cảnh ùn tắc do nào là ô tô, nào là xe máy để bừa bãi trên vỉa hè và ngay cả dưới lòng đường. Thế nhưng khoảng gần chục ngày nay, cũng đoạn phố ấy, cảnh tượng đã khác hẳn. Các loại xe cộ đã được sắp xếp lại gọn gàng ngay trong khuôn viên của bệnh viện hoặc ở những nơi khác được cấp phép trông, giữ xe. Đã đành thành phố ta còn nhiều chỗ chật hẹp, vẫn còn nhiều người dân mắc phải “căn bệnh” tùy tiện: thích bạ đâu gửi xe đấy, chưa quen với những nếp sinh hoạt mới, cho dù là bổ ích với cuộc sống thường ngày. Nhưng tôi nghĩ, việc thành phố ta có chủ trương thu hồi giấy phép trông, giữ xe tại nhiều nơi là việc làm cần thiết, không thể không làm, thậm chí bây giờ mới thực hiện đã là muộn rồi.

* Một bạn đọc có tên P.V.S,
(e-mail: suongphungvan@gmail.com): "Cần tạo thói quen mới cho người tham gia giao thông"

Trong thư gửi đến Tòa soạn bạn viết: “Không nên làm nửa vời. Khi đã ra quyết định cấm thì phải làm triệt để, kiên quyết, tạo một thói quen mới cho người tham gia giao thông (như việc phải đội mũ bảo hiểm). Quyết định đưa ra phải được thực thi, đi vào cuộc sống”.

Nhiều nơi trong thành phố "đường đã thông, hè đã thoáng".

* Độc giả Nguyễn Văn Dũng (nguyendung289@gmail.com): "Đường đã thông, hè đã thoáng"

Công việc hàng ngày của tôi là đi giao hàng cho khách nên thường xuyên phải đi xe trên đường cũng như gửi xe cũng nhiều lần. Có không ít lần gặp phải những bãi gửi xe không giấy phép, vừa mất tiền lại lo ngay ngáy mất đồ. Chưa nói đến chuyện có những khu vực xe đạp, xe máy, xe ô tô để tràn lan, không còn nhận ra đâu là vỉa hè cho người đi bộ, đâu là lòng đường cho các phương tiện tham gia giao thông.

Hiện mặc dù người dân còn lúng túng với việc gửi xe nhưng tôi nghĩ khi đường đã thông, hè đã thoáng nhờ chủ trương đúng đắn của thành phố rồi dần dần nếp sống mới sẽ được định hình. Quyết định này chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ, nhất trí cao của người dân trong nay mai nhất là khi hiệu quả bước đầu đã thấy rõ.

* Bạn Phạm Thị Phương (54 tuổi, ở số nhà 2/78 ngõ 133 phố Tân Ấp): "Đã có chỗ cho người đi bộ"

Cách đây chưa lâu, trên những tuyến phố như Phan Đình Phùng, Hàng Bún... vỉa hè rộng thênh thang là thế mà chẳng có lấy một chỗ cho người dân bước lên vì xe ô tô xếp thành hàng tràn ra khắp mọi nơi. Mỗi lần phải đi qua đó, chúng tôi không chỉ cảm thấy bất tiện khi đã không còn một khoảng trống để bước chân mà còn phải để ý trước sau, nhường đường cho xe lên, xe xuống.

Mấy ngày này, chứng kiến việc lực lượng chức năng gồm rất nhiều CSGT và TTGT tích cực làm nhiệm vụ trên các tuyến phố trên thu giữ và xử phạt nhiều xe máy, xe ô tô đỗ bừa bãi trả lại đường thông, hè thoáng bà con chúng tôi ai cũng thấy vui mừng. Ít nhất, chủ trương đúng đắn thu giữ giấy phép trông xe trên nhiều tuyến phố và ra quân lập lại trật tự đô thị đã khiến bà con chúng tôi có chỗ đi lại trên vỉa hè rộng rãi mà không phải lo lắng nhiều.

* Bạn Nguyễn Thị Hạnh (SV ĐH Dược Hà Nội): "Ý thức người tham gia giao thông tăng lên"

Nói về chủ trương siết chặt hoạt động trông giữ xe máy và xe ô tô và việc thiết lập lại trật tự đô thị, những sinh viên như chúng tôi là người được hưởng lợi nhất. Đi xe buýt tới trường sẽ không lo chờ đợi và tắc đường nữa vì đường xá thông quang hẳn lên.

Thêm nữa, ý thức chấp hành giao thông của các bạn trẻ cũng tăng lên rõ rệt. Chúng tôi không còn phải dàn hàng dưới lòng đường tránh các bãi gửi xe tận dụng lấn chiếm, vỉa hè. Dù còn nhiều khó khăn khi một nếp sống mới được hình thành nhưng tôi tin chắc xã hội sẽ được hưởng lợi nhiều từ chính sách đúng đắn đã được mong đợi này từ lâu.

* Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1: "Bước đầu giải quyết bài toán giao thông đô thị"

Như một "liều thuốc"   kịp thời,  hiệu quả, bắt đúng căn bệnh trầm kha của đô thị hiện đại đang trên đà phát triển, chủ trương của thành phố trong việc xiết chặt hoạt động trông giữ xe máy, ô tô đã chọn đúng thời điểm để hành động.

Là sĩ quan lâu năm trong ngành giao thông nên tôi thấu hiểu, nếu chúng tâ không hành động ngay và kịp thời thì sẽ muộn để giải bài toán giao thông đô thị hóc búa như hiện tại. Giải pháp kịp thời này của Thành phố đã hé mở những đáp số trong việc hạn chế phương tiện cá nhân, trong việc chấn chỉnh hoạt động trông giữ xe dường như bị thả nổi nhiều trong thời gian qua.

* Bạn Đỗ Văn Chiến, (e-mail: dvchienhn@yahoo.com) cũng viết: “Việc cấm đỗ xe để đường thông hè thoáng là đúng, tuy vậy việc để xe (bao gồm cả ô tô và xe máy) cho người dân cũng là một nhu cầu thực tế. Mong chính quyền thành phố có những biện pháp để người dân đỡ vất vả”.

* Chị Phạm Thị Liên - nhà BT 11, tổ 46, Khu đô thị mới Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội:"Vì lợi ích chung của cả thành phố"

Nhà tôi ở khu vực quận Cầu Giấy, hàng ngày phải lên cơ quan làm việc ở khu vực quận Hoàn Kiếm – địa bàn có nhiều phố cổ nhỏ, hẹp, khó khăn và nóng nhất về chỗ đỗ xe. Do phải đi lại xa và nhiều, mấy năm qua, tôi có sắm cho mình một chiếc xe ô tô nhỏ.

Trước đây, TP chưa thu hồi giấy phép một số điểm đỗ xe trên vỉa hè, lòng đường, nên việc đỗ xe có thể thấy tràn lan trên một số tuyến phố. Hoặc nhiều khi “bí” chỗ đỗ, chúng tôi cứ để liều trên một vài tuyến đường gần cơ quan, các đơn vị chức năng như Thanh tra giao thông, công an có lập biên bản nhưng vài buổi sau mọi người lại để vì không còn chỗ đỗ nào khác và các cơ quan chức năng cũng không đủ lực lượng để kiểm soát hết.

Từ giữa tháng 2 vừa qua, thành phố quyết liệt chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải thu hồi giấy phép đợt 1 của nhiều điểm trông giữ xe gây ùn tắc giao thông, để tạo cho đường thông hè thoáng hơn; ngoài ra cùng với chính sách đổi giờ học giờ làm trên địa bàn thành phố; với những người sử dụng như ô tô như tôi, thấy việc lưu thông trên đường thông thoáng hơn, tiết kiệm được thời gian và cũng là của cải vật chất hơn.

Với lợi ích chung cho cả thành phố, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, tôi thấy quyết sách thu hồi một số điểm giữ xe trên vỉa hè, lòng đường là hợp lý. Tuy nhiên, thành phố cần tổ chức nhanh được một số bãi đỗ xe tự động, nhiều tầng như nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, để trên cùng một diện tích đất có thể gia tăng được lượng xe đỗ.

* Anh Hoàng Huy ChungTổ 81, Hào Nam, Hà Nội: "Giao thông tắc nghẽn là một trong những vấn đề bức xúc nhất của Hà Nội hiện nay"

Tôi thấy rất mừng là chính quyền thành phố vừa qua đã có nhiều biện pháp quyết liệt như xây cầu vượt ở các tuyến ngã tư, đổi giờ học, giờ làm, dẹp bớt các điểm trông giữ xe tự phát trên vỉa hè, lòng đường. Với những người dân như chúng tôi, tuy mất đi sự tiện lợi nhất thời về chỗ gửi xe nhưng vì sự phát triển chung của thành phố, và của chính những người tham gia giao thông, tôi thấy chính sách của thành phố là hợp lý.

Về lâu dài, khi phát triển các khu vực mới, mong thành phố dành quỹ đất thích đáng cho giao thông; phát triển nhanh các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm, xe điện trên cao, xe buýt… thật văn minh, sạch sẽ, hiện đại lúc đó người dân sẽ tự giác từ bỏ các phương tiện cá nhân vì dùng dịch vụ công cộng thuận tiện hơn.

* Bà Nguyễn Thị Vân (phố Hàng Bạc): "Chúng tôi rất phấn khởi và ủng hộ chủ trương của TP Hà Nội"

Gia đình tôi hàng ngày phải qua lại tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào. Tuyến phố này vốn đã nhỏ hẹp, lại là phố kinh doanh buôn bán lớn nên trước đây, khi hình thành các bãi trông giữ xe dưới lòng đường, cảnh ách tắc thường xuyên diễn ra, các phương tiện dừng, đỗ rất lộn xộn, gây mất trật tự an toàn giao thông và mĩ quan. Kể từ khi các bãi trông giữ xe này được “xoá sổ”, đường phố thông thoáng, sạch đẹp và cũng văn minh hơn lên. Tôi mong Thủ đô ta thực hiện chủ trương này thật triệt để, đến nơi đến chốn, tránh lại mọc lên các điểm trông giữ chui, trái phép.

* Chị Kim Thanh(số 6 Lê Thánh Tôn, Hoàn Kiếm): "Tạo nên hiệu quả tốt cho cả xã hội"

Các bãi trông, giữ xe bừa bãi ở nội thành đã hình thành nên những thói quen tùy tiện, không văn minh cho những người tham gia giao thông, góp phần làm rối loạn giao thông ở Hà Nội. Việc cấm các điểm trông giữ xe trên 262 tuyến phố của Thủ đô có thể sẽ làm ảnh hưởng tới quyền lợi của một nhóm người, nhưng lại tạo nên hiệu quả tốt cho cả xã hội. Thiết nghĩ, mọi người dân cần ủng hộ cho những cái đúng và hãy vì mục đích làm cho Hà Nội thực sự là một thành phố xanh - sạch - đẹp...

* Chị Thu Phương(phố Yên Ninh, Q. Ba Đình): "Tôi đồng tình với chủ trương này"

Sau khi thành phố áp dụng lệnh cấm trông giữ xe ở 262 tuyến phố, cá nhân tôi đã nhận thấy đường phố thông thoáng hơn rất nhiều, đi lại đã dễ dàng hơn vì không còn các điểm dịch vụ trông giữ xe lấn chiếm vỉa hè lòng đường, vì vậy người đi bộ đã có đường đi chứ không còn phải chen lấn đi xuống lòng đường vừa khó khăn vừa mất an toàn.

Thành phố đã có những điểm đỗ và trông giữ xe theo quy định nhưng thực chất người dân Việt Nam hay có thói quen tiện thể, tạt, tấp vào để mua hàng chứ ngại gửi xe nên mới nảy sinh nhiều điểm trông giữ xe tự phát. Cũng từ đó các chủ bãi xe tự phát đó mới tự ý tăng giá trông xe mà không sợ các cơ quan chức năng. Đây chỉ là những bước đầu tiên thay đổi thói quen sống văn minh hơn cho người dân thủ đô mà thôi.

* Anh Nguyễn Toàn Thắng(khu tập thể Bộ Nội vụ, đường Hoàng Quốc Việt, Q. Cầu Giấy): "Đường phố đã thực sự quang đãng"

Trên các tuyến phố không còn các dãy xe ô tô đỗ hai bên đường. Đường Hà Nội đã nhỏ, nhiều chỗ còn “thắt cổ chai” nhưng vẫn có hai hàng ô tô đỗ hai bên khiến người dân đi lại rất khó khăn. Lúc đó chỉ cần một xe ô tô khác đi chen vào giữa là đường sẽ tắc luôn. Sở dĩ có chuyện ô tô đỗ kín mít hai bên đường cũng bởi thói quen lười đi bộ của một số người dân, chỉ muốn bước xuống xe là vào luôn nơi mình định đến.

Ở nước ngoài, người ta quy định điểm đỗ xe rất xa, vào gần trung tâm là phải đi bộ nhưng bất cứ ai cũng phải tuân theo luật. Tôi nghĩ, giờ đây, nếu quy định rõ điểm dừng đỗ theo quy định, chắc chắn đường phố sẽ đỡ tắc hơn rất nhiều. Tất nhiên, thành phố cũng nên cho xây dựng một số bến bãi trông giữ xe theo quy định để đảm bảo sự tiện lợi cũng như tính an toàn cho tài sản của người dân.

* Bác Lê Thông (quận Long Biên): “Nên làm từng bước”

Tôi nghĩ về cơ bản chủ trương của thành phố là đúng, nhưng, nên làm từng bước một, quy hoạch trên từng tuyến phố thì sẽ dần dần trở thành nếp cho người dân. Điều quan trọng là tạo đường thông hè thoáng để phục vụ nhân dân nhưng cũng tính đến nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn, bởi vậy, bên cạnh việc thực hiện việc cấm trên các tuyến phố, cũng nên có những điểm quy định điểm gửi xe theo sự quản lý của chính quyền các cấp…

* Bạn Trịnh Ngọc Vũ, (SV Đại học Bưu chính Viễn thông): “Muộn còn hơn không”

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều động thái giúp cho giao thông giảm ùn tắc, trong đó đáng kể nhất là việc đổi giờ học, giờ làm việc và thu hồi giấy phép trông giữ xe tại hơn 260 tuyến phố. Lẽ ra, những việc đó phải được làm từ lâu rồi, đến thời điểm này mới làm là muộn, nhưng theo tôi muộn còn hơn không. Một điều dễ thấy, sau khi hoạt động trong giữ xe máy và ô tô được siết chặt thì đường phố đã thông thoáng rất nhiều, và cánh sinh viên chúng tôi được hưởng lợi. Bằng chứng là trong những ngày qua chúng tôi đi xe buýt đã thông thoáng hơn, ít còn cảnh ùn tắc kéo dài như trước.

Tôi hy vọng, những việc làm trên sẽ được thành phố làm triệt để, tránh trường hợp chỉ được một thời gian đầu, sau đó lại đâu vào đấy. Cùng với đó, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức hơn khi tham gia giao thông, mỗi người nhường nhau một ít thì giao thông sẽ bớt ùn tắc một ít.

* Chị Nguyễn Thanh Hoa(Phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy): “Đường đã thoáng hơn”

Cơ quan tôi nằm ở gần cuối đường Bà Triệu, hàng ngày tôi phải đi con đường này. Tuy nhiên, cứ đến đoạn Bệnh Viện mắt Trung ương là tôi lại bị ức chế vì vỉa hè để đầy xe máy, có lúc còn để tràn cả xuống cả lòng đường, gây ách tắc giao thông. Nhưng mấy những ngày qua, con đường này đã thông thoáng hẳn lên nhờ quyết định rút giấy phép các điểm trông giữ xe tại hơn 262 tuyến phố của Thành phố. Tôi hy vọng, việc làm này sẽ được duy trì lâu dài.

Việc rút giấy phép như vậy là tích cực nhưng tôi nghĩ thành phố nên nhanh chóng bố trí những điểm trông giữ xe ở địa điểm hợp lý để người dân có thể gửi xe. Bởi những ngày qua, khi mà điểm trông giữ xe ở vỉa hè bị cấm thì điểm trông giữ xe ở ngõ, ngách mọc lên và người dân phải gửi với giá trên trời.

Tôi thấy rằng, việc rút giấy phép các điểm trông giữ xe tại hơn 262 tuyến phố chỉ là một trong những giải pháp trước mắt giảm ùn tắc giao thông, về lâu dài cần có những giải pháp đồng bộ cần nhiều bộ ngành tham gia, trong đó có việc chuyển các trường đại học ra các khu vực ngoại thành.

* Anh Thế Phương(Nhân viên bán hàng trên phố Đội Cấn): Hàng ngày tôi vẫn thường đi lấy hàng bằng xe máy qua các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào. Các tuyến phố cổ vốn đã nhỏ, hẹp lại còn tràn lan các loại xe máy được trông giữ ngay dưới lòng đường nên thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Bãi giữ xe tại chợ Đồng Xuân cũng luôn chật cứng. Nhiều lúc tôi muốn ghé vào cửa hàng ngay mặt phố mà không có chỗ để xe nên tâm trạng nhấp nhổm không yên tâm. Nay thành phố thực hiện quyết định này tôi rất ủng hộ. Nhiều đường phố thông thoáng trở lại, không còn tình trạng xe cộ xếp tràn lan dưới lòng đường nữa. Vỉa hè cũng trở nên rộng rãi hơn... Tuy nhiên, tôi cũng mong mỏi thành phố sớm bố trí địa điểm mới cho người dân có chỗ gửi phương tiện an toàn, đúng nơi quy định.

* Bạn Mai Phương(tieuthantien_2511@yahoo.com): “Việc cấm ô tô, xe máy đỗ dưới lòng đường, vỉa hè đã tạo nên một cảnh quan mới, thông thoáng hơn cho thành phố. Vỉa hè nay đã thực sự dành cho người đi bộ, tránh cho họ những tai nạn đáng tiếc xảy ra nếu cứ phải đi dưới lòng đường.

Mặt khác, việc cấm xe như vậy làm đường phố thông thoáng nhưng lại phát sinh tình trạng tắc trong các ngõ, phố nhỏ, khuất. Như trong ngõ nhà mình tại phố Phan Kế Bính, từ ngày cấm xe ngõ lại chật cứng các xe ô tô nối đuôi nhau đỗ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của các gia đình trong phố. Mong các cơ quan chức năng khi quy hoạch lại bến bãi trông giữ phương tiện đặc biệt chú ý đến bố trí các điểm trông giữ xe ô tô để giảm được tình trạng thông thoáng ngoài phố lớn nhưng lại ách tắc giao thông trong phố, ngõ nhỏ như hiện nay".

* Anh Vũ Văn Thế(Ngõ 16C, phố Giáp Nhị, Hoàng Mai): Tôi hiểu rằng việc thu giữ giấy phép trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường tại 262 tuyến phố vừa qua của TP là một trong tổng thể các giải pháp và lộ trình để giải quyết “vấn nạn” giao thông của TP hiện nay. Tuy rằng người dân sẽ gặp nhiều lúng túng bước đầu trong việc tìm chỗ trông giữ xe nhưng cũng chính từ khó khăn này, mọi người sẽ xem xét, cân nhắc việc sử dụng các phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân.

Bên cạnh đó cũng nên tiếp tục tiến hành thêm các giải pháp đồng bộ khác như xây dựng các khu trông giữ xe, xử phạt nghiêm các trường hợp lấn chiếm lòng đường để tư lợi, các trường hợp không tuân thủ luật giao thông… Tôi thiết nghĩ đây là những giải pháp thiết thực và hiệu quả, được người dân đồng tình của UBND TP.

Một độc giả có tên V.H.L (email: jatak02@yahoo.com): Từ hôm có lệnh cấm trông đỗ xe ở trên 262 tuyến phố, tôi đi làm thấy thuận lợi hơn. Lượng xe ô tô lưu thông có vẻ giảm đi trông thấy, nhất là vào các buổi chiều tan tầm. Mọi chiều, tuyến đường Quốc Tử Giám, Cát Linh, đông đặc xe dừng chờ đèn và lưu thông, nay lượng xe lưu thông ít hơn, tôi di chuyển cũng thấy dễ dàng và thoải mái hơn.

Vỉa hè là dành cho người đi bộ, cho các em nhỏ tự đi bộ vào trường, thế mà lâu này xe máy, ô tô đỗ kín đặc, rồi ô tô đi thành 3, 4 làn đường, xe máy không biết đi chỗ nào đành phải chạy lên vỉa hè. Các nhà hàng, cửa hàng khi xin giấy phép kinh doanh, phải tự sắp xếp chỗ đỗ xe hợp lý, không thể dùng vỉa hè của thành phố thành để làm riêng của cửa hàng.

Tôi thấy quyết định của UBND Hà Nội rất đúng, nếu không có quyết định như vậy thì "lòng đường" sẽ trở thành phần đường cho người đi bộ. Người dân sẽ không bao giờ ý thức được việc sử dụng xe công cộng mà chỉ nghĩ sử dụng xe cá nhân để tiện cho bản thân mình. Ai cũng kêu ca mà đường cứ mỗi ngày một tắc mà thôi".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tạo thói quen mới cho người tham gia giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.