Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội giải quyết dứt điểm 25 điểm ngập cục bộ trước năm 2015

V.A| 11/07/2012 17:57

(HNMO) - Chiều 11/7, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua Quy hoạch hệ thống thủy lợi Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch hệ thống thoát nước Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.


Đến 2020: Đảm bảo tiêu thoát nước cho các đô thị

Quy hoạch thủy lợi Thành phố Hà Nội trong giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đảm bảo khai thác, sử dụng và bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước trên địa bàn Thành phố nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố; Làm cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển thuỷ lợi hàng năm, 5 năm và dài hạn cho thành phố.

Về mục tiêu cụ thể, giai đoạn đến năm 2020, về cấp nước: đảm bảo tưới chủ động cho 112.715ha bằng 90% diện tích yêu cầu tưới, trong đó diện tích lúa là 92.120ha, diện tích rau màu, hoa cây cảnh là 8.169ha, cấp nước cho diện tích nuôi trồng thuỷ sản 10.321ha, cấp nước cho 2.105 ha cây ăn quả và chè; tạo nguồn góp phần cấp nước cho dân sinh và cải tạo môi trường.

Về tiêu thoát nước, Thành phố đảm bảo tiêu thoát nước cho 212.889 ha, bằng 100% diện tích khu vực sản xuất nông nghiệp và dân cư nông thôn với lượng mưa từ 170- 210 mm trong 1 ngày; 250 - 300 mm trong 3 ngày và lượng mưa từ 290–360 mm trong 5 ngày; cùng với hệ thống thoát nước đô thị đảm bảo tiêu thoát nước cho các đô thị.

Định hướng đến năm 2030, về cấp nước: Phát triển hệ thống thuỷ lợi đảm bảo cấp nước theo yêu cầu phát triển nông nghiệp với loại hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị sinh thái; phát triển hệ thống tưới hiện đại, tiết kiệm nước, tiết kiệm điện năng.

Về thoát nước: Phát triển hệ thống thuỷ lợi khớp nối với hệ thống thoát nước đô thị đảm bảo nước đảm bảo tiêu thoát nước cho 332.889 ha diện tích của Thành phố.

Hiện tại, hệ thống thủy lợi thành phố Hà Nội được phân thành 3 vùng, phù hợp với nguyên tắc quản lý nguồn nước theo lưu vực sông và phù hợp với việc phân vùng được quy định trong quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt, bao gồm:

Vùng Hữu sông Đáy: Bao gồm thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức.

Vùng Tả sông Đáy: Bao gồm quận Hà Đông và các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Trì, Thanh Oai, Ứng Hòa, Thường Tín và Phú Xuyên.

Vùng Bắc Hà Nội: Bao gồm quận Long Biên và các huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm.

Thực hiện quy hoạch, về cấp nước, Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện dự án Tiếp nước, cải tạo sông Tích từ Lương Phú, dự án chuyển nước từ sông Tích sang sông Đáy; Cải tạo các trạm bơm lấy nước dọc sông Hồng gồm: Xuân Phú, Thanh Điềm, Ấp Bắc, Đan Hoài, Hồng Vân. Xây mới các trạm bơm Liên Mạc, Thụy Phú 2; Cải tạo nâng cấp, xây mới các hệ thống tưới để thay thế nhiệm vụ của các hồ chứa chuyển sang làm nhiệm vụ du lịch gồm Trung Hà, Cẩm Yên 2, Đức Môn, Áng Thượng, Tân Độ.

Đồng thời, xây mới một số trạm bơm ở các vùng chưa có hoặc thiếu năng lực công trình gồm: Đồng Tiến, Ngòi Lặt huyện Ba Vì; Xóm Cát, huyện Ứng Hòa, Thuỵ Lôi (Đông Anh), Đồng Lạc, Đình Thông (Sóc Sơn); Cải tạo, nâng cấp, hiện đại hoá hệ thống tưới cho các vùng chuyên canh rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả, chè các khu vực thuộc thị xã Sơn Tây, các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Từ Liêm; Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh và Sóc Sơn; Cải tạo, nâng cấp các cấp hệ thống tưới cho các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung ở các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Quốc Oai và Mỹ Đức, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên và Sóc Sơn; Cải tạo, nâng cấp các hồ chứa nhỏ thuộc huyện Ba Vì, Sóc Sơn nhằm đáp ứng yêu cầu tưới và đảm bảo an toàn hồ chứa.

Về tiêu thoát nước: Cải tạo sông Tích, sông Bùi từ Lương Phú đến Ba Thá dài 110,5km; cải tạo sông Đáy đáp ứng các nhiệm vụ cấp nước, tiêu thoát nước và phòng chống lũ, cải tạo sông Nhuệ từ Liên Mạc đến Lương Cổ, cải tạo đê sông Nhuệ kết hợp giao thông; Cải tạo nâng cấp các trạm bơm tiêu đã xuống cấp, thiếu công suất như: Hiệp Thuận (Phúc Thọ), Săn (Thạch Thất), Đông Yên (Quốc Oai), Đào Nguyên (Hoài Đức), Khê Tang 1 (Thanh Oai), Bộ Đầu (Thường Tín), Ngoại Độ 1 (Ứng Hòa); Cẩm Hà, Tăng Long (Sóc Sơn), Phương Trạch, Mạnh Tân, trạm bơm 19-5 (Đông Anh); Dương Hà, Phù Đổng, Thịnh Liên (Gia Lâm); Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình tiêu nước trên hệ thống sông Nhuệ theo Quyết định 937 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, Thành phố tiến hành xây mới các trạm bơm tiêu tại các vùng còn thiếu năng lực công trình: Cao Viên (Thanh Oai), Phú Minh (Phú Xuyên), Khai Thái 2, Yên Thái (Hoài Đức); Tây Đằng (Ba Vì); trạm bơm Yên Sơn (Quốc Oai); Cầu Đổ (Mỹ Đức); các trạm bơm Hữu Văn, Sông Đào, Trại Cốc, Khúc Bằng (Chương Mỹ); Xuân Kỳ, Kim Lũ (Sóc Sơn), Văn Khê (Mê Linh), Vĩnh Thanh (Đông Anh); Long Tửu (Gia Lâm); Gia Thượng, Cự Khối (Long Biên); Cải tạo, nâng cấp kênh xả lũ hồ Đồng Mô, sông Hang, sông Cầu Dầm phục vụ tiêu thoát cho đô thị Sơn Tây; cải tạo ngòi Ngang, ngòi Địa, ngòi Vài Cả, ngòi Nà Mương để tiêu thoát cho khu đô thị Hoà Lạc; Nâng cấp các trục tiêu cấp 1, cấp 2 của sông Nhuệ, sông Cà Lồ; Thực hiện chuyển đổi các vùng trũng thấp thường xuyên bị úng ngập, khó khăn về tiêu thoát nước sang nuôi trồng thuỷ sản ở các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hoà, Sóc Sơn.

Giải quyết dứt điểm 25 điểm ngập cục bộ còn tồn tại trước năm 2015


Quy hoạch hệ thống thoát nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu chung là cụ thể hóa định hướng phát triển thoát nước Thủ đô Hà Nội trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động thoát nước trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và làm cơ sở cho triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.


Về mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ của Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội là rà soát lại quy hoạch tổng thể thoát nước năm 1995, căn cứ vào Quy hoạch xây dựng Thủ đô giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kết hợp với đánh giá những khó khăn và thuận lợi trong quá trình triển khai các dự án thoát nước đã và đang thực hiện để xác lập một chương trình phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải các đô thị tập trung của thành phố Hà Nội một cách hợp lý, đồng bộ, có kế hoạch cho giai đoạn ngắn hạn là 10 năm đến năm 2020, trung hạn là 20 năm đến năm 2030 và tầm nhìn dài hạn là 40 năm đến năm 2050, với các mục tiêu cơ bản sau: Cải thiện điều kiện vệ sinh, góp phần bảo vệ môi trường nước một cách bền vững thông qua việc xây dựng và phát triển hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải đô thị đạt hiệu quả kinh tế-xã hội cao trong thời gian trước mắt và lâu dài; Quy hoạch hệ thống thoát nước mưa bảo vệ khu vực đô thị khỏi tình trạng ngập úng với mức độ bảo vệ ứng với trận mưa có chu kỳ tính toán 10 năm đồng thời có thể chủ động điều tiết lũ với chu kỳ cao hơn; Quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đối với các khu vực có mật độ dân số trên 6.000 người/km2 (đô thị loại III) đạt tiêu chuẩn vệ sinh giới hạn A, B (tùy thuộc vào nguồn tiếp nhận) theo Quy chuẩn QCVN40:2011/BTNMT trước khi xả ra môi trường. Đối với các đối tượng xử lý phân tán phải đạt QCVN 14:2008/BTNMT;

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch phát triển của Thành phố trong tương lai kết hợp với việc hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị một cách tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; Tạo môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp góp phần thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài cho thành phố, góp phần hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung của thành phố đến năm 2020 cũng như về lâu dài; Đề xuất các dự án ưu tiên theo yêu cầu thoát nước và phù hợp với tầm nhìn phát triển kinh tế-xã hội và đô thị của Thủ đô; Đảm bảo nâng cao năng lực quản lý vận hành hệ thống thoát nước.

Cụ thể, về quy hoạch thoát nước mưa đô thị, Thành phố xây dựng các công trình đầu mối thoát nước như trạm bơm, hồ điều hòa, mạng lưới kênh/ cống thoát nước mưa đô thị trong các khu vực đô thị xây dựng mới, chuyển dần các công trình tiêu thủy lợi trong lưu vực đô thị sang phục vụ thoát nước đô thị, cải tạo các công trình thoát nước đô thị trong các đô thị hiện có nhằm giải quyết ngập úng cục bộ.

Quy hoạch thoát nước đô thị Hà Nội sẽ được phân vùng theo vùng tiêu thủy lợi, bao gồm 03 vùng chính là: vùng Bắc Hà Nội, vùng Hữu Đáy, vùng Tả Đáy. Tại mỗi vùng, theo quy hoạch tiêu thủy lợi, quy hoạch đô thị mới và điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội từng đô thị sẽ bao gồm nhiều lưu vực chính.

Đáng chú ý, với lưu vực sông Tô Lịch diện tích 7750 ha bao gồm 7 tiểu lưu vực là Hồ Tây, Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu, Hoàng Liệt, Yên Sở, hướng thoát nước là thoát nước động lực vào sông Hồng và thoát nước tự chảy vào sông Nhuệ.

Giải pháp quy hoạch thoát nước mưa cho sông Tô Lịch là xây dựng trạm bơm Yên Sở bơm nước mưa ra sông Hồng với công suất 90m3/s kết hợp với hồ điều hòa với tổng dung tích điều hòa là 4,2 triệu m3, trong đó đã tính dự phòng tăng khoảng 10% công suất thoát nước. Các tính toán này đã được kiểm tra lại và khẳng định là phù hợp với giai đoạn dài hạn đến năm 2030. Trong giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến bổ sung giải pháp quy hoạch tiêu thoát lũ dự phòng cho lưu vực này xuống phía Nam thông qua trạm bơm Đồng Mỹ bơm hỗ trợ nước mưa ra sông Hồng.

Hiện nay, lưu vực này đã có hệ thống thoát nước chung đô thị. Hệ thống thoát nước trong lưu vực này đã có các công trình đầu mối thoát nước đô thị chủ động như hệ thống trạm bơm Yên Sở, hệ thống hồ điều hòa và đã cải tạo 04 trục sông thoát nước Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét theo Dự án cải tạo môi trường Hà Nội giai đoạn 1 và hiện nay đang triển khai Dự án II tiếp tục cải tạo mạng lưới kênh/ cống để đảm bảo tiêu thoát nước với trận mưa 310mm/ 2 ngày và cho lưu lượng dòng chảy đến 174 m3/s. Quy hoạch thoát nước sẽ tiếp tục đề xuất triển khai các dự án cục bộ để góp phần giải quyết dứt điểm cho 25 điểm ngập cục bộ còn tồn tại trước năm 2015.

Với lưu vực Tả Nhuệ (tiêu trực tiếp ra sông Nhuệ, sông Hồng), hướng thoát nước cho các tiểu lưu vực Cổ Nhuế, Mỹ Đình, Mễ Trì, Ba Xã và Tả Thanh Oai là tiêu bằng bơm vào sông Nhuệ, riêng tiểu lưu vực Nam Thăng Long với diện tích 450ha được tách ra để tiêu trực tiếp ra sông Hồng bằng trạm bơm Nam Thăng Long công suất 9m3/s). Khi mực nước tại sông Nhuệ < 5m thì hệ thống sẽ tiêu tự chảy ra sông Nhuệ và khi mực nước tại sông Nhuệ cao hơn, toàn bộ lưu vực này sẽ được tiêu cưỡng bức ra sông Nhuệ, riêng lưu vực Nam Thăng Long bơm ra sông Hồng.

Giải pháp quy hoạch cho lưu vực Tả Nhuệ là xây dựng mới các trạm bơm nước mưa tại các tiểu lưu vực, cải tạo và chuyển đổi dần các trạm bơm tiêu thủy lợi hiện có sang phục vụ thoát nước đô thị, xây dựng mới hệ thống hồ điều hòa đầu mối, cải tạo và xây dựng mới mạng lưới thoát nước hỗn hợp (khu vực đã xây dựng có mạng lưới thoát nước chung cho nước mưa và nước thải sẽ giữ nguyên, các khu đô thị xây dựng mới sẽ phải xây dựng mạng lưới thoát nước mưa riêng).

Với lưu vực Hữu Nhuệ bao gồm 02 tiểu khu tiêu được ngăn bằng đập Hà Đông trên sông Nhuệ và được tiêu thoát nước độc lập với nhau. Hướng thoát nước là theo các hướng vào sông Nhuệ, sông Hồng và sông Đáy. Khi mực nước sông Nhuệ tại đập Hà Đông ≤ 5,0m tiêu nước bằng tự chảy, khi mực nước cao hơn 5,0m tiêu nước bằng động lực ra các sông Hồng, Đáy, Nhuệ.

Giải pháp quy hoạch thoát nước mưa cho lưu vực Hữu Nhuệ là tiêu thoát nước mưa trong lưu vực này phụ thuộc vào các công trình đầu mối thủy lợi sẽ được xây dựng và cải tạo theo quy hoạch thủy lợi bao gồm các trạm bơm, đập, hồ điều hòa, kênh tiêu thủy lợi. Quy hoạch thoát nước mưa đề xuất xây dựng mới mạng lưới cống thoát nước mưa riêng (trừ khu vực đô thị Hà Đông cũ là cải tạo mạng lưới thoát nước chung hiện có) để thoát nước cho đô thị vào hệ thống tiêu thủy lợi.

Theo tính toán, tổng vốn đầu tư hệ thống thoát nước đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 116.417 tỷ đồng.

Ngoài việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa, ODA từ các nước, các tổ chức tín dụng quốc tế, vốn trái phiếu của Thành phố, nguồn vốn ngân sách, để đảm bảo đủ chi phí quản lý vận hành hệ thống thoát nước, thu gom và các nhà máy xử lý nước thải, cần thiết phải thu phí nước thải và tăng phí theo lộ trình, theo tính toán là 1.501 đồng/m3 vào năm 2015, 12.200 đồng/m3 đến năm 2020 và 52.500 đồng/m3 đến năm 2050 (tính theo giá hiện tại).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội giải quyết dứt điểm 25 điểm ngập cục bộ trước năm 2015

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.