Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo chí Việt Nam năm 2010: Chủ động, tích cực, nhạy bén, trách nhiệm

Minh Ngọc| 06/05/2010 07:18

(HNM) - Ngày 5-5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan báo chí năm 2010.

Tham dự có các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên BCT, Thường trực Ban Bí thư; Tô Huy Rứa, Ủy viên BCT, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, lãnh đạo các địa phương và các cơ quan báo chí trong cả nước. Đây là hội nghị đặc biệt quan trọng được tổ chức sau hội nghị báo chí toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Thông báo kết luận 162-TB/TƯ của Bộ Chính trị (khóa IX) "Về một số biện pháp tăng cường quản lý báo chí trong tình hình hiện nay".

Báo chí đã phản ánh xã hội khách quan và trung thực

Nếu coi báo chí là tấm gương phản chiếu xã hội thì tấm gương phản chiếu xã hội ấy trong những năm qua ngày càng khách quan, trung thực. Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn: Năm 2009 và những tháng đầu năm 2010, tình hình thế giới và Việt Nam có những diễn biến phức tạp, song hầu hết các cơ quan báo chí đã bám sát thực tiễn, cung cấp thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước cũng như quốc tế, đáp ứng tốt quyền được thông tin của nhân dân. Thực hiện tốt chức năng là diễn đàn của nhân dân, báo chí đã góp phần thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, kịp thời phát hiện những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến. Đáng mừng hơn, số cơ quan báo chí, phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong năm 2009 giảm đáng kể so với những năm trước.

Các phóng viên tác nghiệp. Ảnh: Nhật Nam

Điều đó chứng tỏ đa số các nhà báo coi nhiệm vụ chính trị là mục đích, phản ánh trung thực, khách quan đời sống xã hội là động cơ phấn đấu. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên BCT, Thường trực Ban Bí thư đánh giá: Trong hơn 3 năm qua, các cơ quan lãnh đạo, quản lý, cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, triển khai nhiều hoạt động thiết thực và đạt được kết quả tích cực. Các cơ quan báo chí tiếp tục thể hiện rõ vai trò là bộ phận tiên phong trong công tác tư tưởng của Đảng, tác động tích cực đến đời sống xã hội, định hướng chính trị tư tưởng và dư luận, góp phần làm cho nhân dân nhận thức đúng tình hình, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và xu thế đi lên của đất nước ta.

Chính trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, báo chí nước ta tiếp tục thể hiện phẩm chất tốt đẹp của báo chí cách mạng; nỗ lực sáng tạo, đổi mới, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn; phát triển về số lượng, loại hình, đội ngũ, phương tiện tác nghiệp; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao; tham gia tích cực vào những hoạt động báo chí trong khu vực và quốc tế... Một số cơ quan báo chí tiếp tục trăn trở, tìm tòi và thử nghiệm nhằm tìm ra mô hình hoạt động phù hợp trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, đưa đến cho công chúng những sản phẩm, ấn phẩm, chương trình mới mẻ, bổ ích... "Những nỗ lực và kết quả nêu trên cho thấy, báo chí không chỉ là một bộ phận quan trọng, đi tiên phong trong công tác tư tưởng của Đảng, mà còn có vai trò góp phần tích cực vào việc giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của đất nước trong giai đoạn hiện nay" - đồng chí Trương Tấn Sang nhận định.

Tại hội nghị, một số ý kiến đã nêu lên những vấn đề các đại biểu quan tâm hiện nay. Trước hết là việc nhiều nhà báo bị cản trở, hành hung trong khi tác nghiệp, nhất là trong đấu tranh chống tiêu cực. Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Trung nhận xét: "Vụ việc nhà báo nào bị trù dập, hành hung mà các cơ quan chức năng vào cuộc ngay với thái độ kiên quyết, khách quan thì vụ việc đó được xử lý kịp thời, kẻ vi phạm pháp luật bị xử lý nghiêm, tạo dư luận tốt. Ngược lại, các cơ quan chức năng thiếu sốt sắng hoặc có biểu hiện thờ ơ thì người chịu thiệt lại chính là các nhà báo chống tiêu cực". Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cũng cho rằng: "Việc cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có biện pháp để bảo vệ các nhà báo hoạt động nghiệp vụ đúng pháp luật là vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay"...

Tập trung tuyên truyền các sự kiện lớn

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên BCT, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu báo chí cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết TƯ 5 (khóa X) "Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới", đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền về các sự kiện, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước trong năm 2010, nhất là Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng… Ngoài ra, báo chí cũng cần chú trọng tuyên truyền đối ngoại, về quan điểm, đường lối của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước để bạn bè quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài có thông tin đúng đắn về tình hình đất nước, ủng hộ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, phản động của các thế lực cơ hội, thù địch lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, biển đảo... để xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Phóng viên tác nghiệp tại giải chạy Báo Hànộimới 2009. Ảnh: Viết Thành

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, Bộ TT&TT đã đề ra 17 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2010, trong đó có việc hoàn chỉnh hệ thống cơ chế, chính sách, thực hiện tốt Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí do Thủ tướng Chính phủ ban hành…

Nhiệm vụ trọng tâm của năm 2010

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, đồng thời cũng là chủ đề quan trọng, nổi bật trên báo chí năm nay là tiếp tục tuyên truyền, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng; bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, các giải pháp của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh…

Sau khi nêu ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm bản lề 2010, năm diễn ra nhiều sự kiện lớn có tính quyết định đến chiều hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn tiếp theo, đồng chí Tô Huy Rứa yêu cầu các cơ quan báo chí phải góp phần tạo khí thế hồ hởi, phấn khởi, đồng thuận thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quan trọng của năm 2010. Để làm được điều đó, các cơ quan báo chí cần chủ động, tích cực, nhạy bén, trách nhiệm trong việc định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận xã hội trước các vấn đề, sự kiện lớn của đất nước.

Về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2010), đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh, đây là dịp để các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và đóng góp to lớn của báo chí đối với đời sống xã hội, với sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Theo thống kê của Bộ TT&TT, hiện nay cả nước có 706 cơ quan báo in (trong đó có 76 báo TƯ, 102 báo địa phương, 528 tạp chí), 21 báo điện tử, 160 trang tin điện tử của các cơ quan báo in; 76 đài phát thanh, truyền hình với hơn 17.000 người được cấp thẻ nhà báo.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí Việt Nam năm 2010: Chủ động, tích cực, nhạy bén, trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.