Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thấp hơn mà tốt hơn

ANHTHU| 16/06/2007 08:23

(HNM) - Ngày 15-6, Sở GD-ĐT đã công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm học 2006-2007 với 86,26% học sinh tốt nghiệp. Mặc dù tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn năm ngoái nhưng kỳ thi này được lãnh đạo ngành GD-ĐT đánh giá là phản ánh đúng công sức dạy và học của thầy trò, thể hiện hiệu quả của các biện pháp chỉ đạo kiên quyết và nghiêm túc của ngành.

Thí sinh làm bài thi trắc nghiệm môn Hóa học tại hội đồng thi THPT Trần Phú.Ảnh: Viết Thành

(HNM) - Ngày 15-6, Sở GD-ĐT đã công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm học 2006-2007 với 86,26% học sinh tốt nghiệp. Mặc dù tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn năm ngoái nhưng kỳ thi này được lãnh đạo ngành GD-ĐT đánh giá là phản ánh đúng công sức dạy và học của thầy trò, thể hiện hiệu quả của các biện pháp chỉ đạo kiên quyết và nghiêm túc của ngành.

Chất lượng giáo dục của Thủ đô vẫn luôn ở mức cao và đó là chất lượng thật. Những lý giải cho điều thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn này, bạn đọc có thể tìm thấy trong nội dung cuộc trao đổi sau đây giữa phóng viên báo Hànộimới với ông Đoàn Hoài Vĩnh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội.

- Thưa ông, có lẽ chưa năm nào Hà Nội xếp vào danh sách số địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất. Năm nay, dù tỷ lệ thấp hơn so với năm ngoái nhưng theo thống kê đến thời điểm này, Hà Nội lại lọt vào tốp dẫn đầu. Thực tế này có làm ông suy nghĩ ?

- Đúng như chị nhận xét, Hà Nội chưa bao giờ là địa phương đạt tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất, mặc dù học sinh Thủ đô luôn trúng tuyển vào ĐH, CĐ với tỷ lệ cao, điểm bình quân cũng cao hơn toàn quốc vài ba điểm. Năm nay, thống kê cho đến thời điểm này, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của Hà Nội thuộc vào tốp đầu bởi trong bối cảnh toàn ngành đang thực hiện cuộc vận động “Nóikhôngvới tiêu cựctrongthicửvàbệnh thành tích trong giáo dục”, tỷ lệ tốt nghiệp ở các địa phương giảm nhiều, Hà Nội đã chuẩn bị tốt cho học sinh về kiến thức, kỹnăng, tâm lý thi cử và cũng đã nhiều năm tổ chức nghiêm túc các kỳ thi. Mặc dù tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp hơn mọi năm nhưng chúng tôi không ngạc nhiên. Tôi cho rằng, kết quả năm nay phản ánh đúng thực tế.

- Giảm gần 10% không phải con số nhỏ, vậy mà ông không ngạc nhiên, có nghĩa là kết quả này đã được ngành tiên lượng trước ? Lý do gì khiến các ông dự đoán kết quả thi năm nay sẽ thấp hơn?

- Như chị đã biết, nhiều năm nay ngành GD-ĐT Hà Nội đã thực hiện phương châm “kỷ cương trong quản lý, thực chất trong đánh giá”. Năm nay, cùng với cuộc vận động “2 không” của toàn ngành, phương châm ấy của giáo dục Thủ đô có thêm điều kiện để thực hiện, đó chính là sự đồng thuận của xã hội. Để “thực chất trong đánh giá” không chỉ có các nhà trường, các thầy cô làm được mà cần sự ủng hộ của các lực lượng xã hội khác, đặc biệt là cha mẹ học sinh. Trong điều kiện ấy, phải nói rằng, kỳ thi tốt nghiệp năm nay chúng tôi đã tổ chức rất nghiêm túc, thể hiện ở số thí sinh bị đình chỉ thi nhiều so với một số nơi khác. Anh em trong ngành đã so sánh, năm nay thi tốt nghiệp THPT đã nghiêm như thi tuyển sinh vào lớp 10, một kỳ thi có tính cạnh tranh lớn hơn nhiều. Điều này cũng đã được các lực lượng khác, đặc biệt là dư luận xã hội khẳng định.

Tuy nhiên, đấy không phải là lý do duy nhất để tỷ lệ tốt nghiệp ở Hà Nội giảm. Có một nguyên nhân quan trọng là Hà Nội là địa phương duy nhất đang thí điểm chương trình dạy 11 môn như các trường THPT tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Năm nay là năm đầu tiên có học sinh học hệ này tốt nghiệp và tỷ lệ đạt rất thấp. Một phần đây là chương trình thí điểm, giáo viên và học sinh còn bỡ ngỡ. Phần khác, đối tượng theo học là những học sinh có khó khăn ở nhiều mặt, cả về khả năng nhận thức lẫn điều kiện học tập. Tỷ lệ này đã kéo tỷ lệ tốt nghiệp chung của Hà Nội xuống thấp. Thêm nữa, tỷ lệ tốt nghiệp được tính trên số lượng thí sinh thi đủ các bài và miễn thi. ở Hà Nội số bỏ thi rất ít, chỉ gần 300 em, chứ không phải vài nghìn em như một vài nơi khác.

- Nói như ôngcó nghĩa là các năm trước thi cử không nghiêm bằng năm nay và như vậy Hà Nội cũng từng có tiêu cực trong thi cử và cũng mắc bệnh thành tích ?

- Như trên tôi đã nói, muốn nói không với tiêu cực trong thi cử thì không riêng ngành giáo dục có thể làm được, muốn chống bệnh thành tích cũng không chỉ dựa vào ý muốn chủ quan của lãnh đạo ngành. Muốn làm được 2 điều này phải tạo được sự thống nhất trong toàn ngành và có được sự đồng thuận của xã hội. Những biện pháp trong chỉ đạo mà chúng tôi kiên trì thực hiện trong mấy năm qua, cùng với cuộc vận động 2 không năm nay đã làm nên điều đó. Trước kia, quan điểm chỉ đạo vẫn rõ ràng là phải thực chất trong đánh giá, tuy nhiên, lực lượng tham gia quá đông, kỳ thi diễn ra trên diện rộng màkhông phải cán bộ quản lý nào ở cơ sở, không phải mọi thầy cô giáo đều có quan điểm và mức độ xử lý giống nhau với hành vi gian lận. Có người thì nghĩ đây chỉ là kỳ thi tốt nghiệp, người lại thương học trò, cũng có người vì nể nang các mối quan hệ, có người vì thành tích… cho nên việc xử lý học sinh vi phạm không như nhau. Năm nay, quy chế rõ ràng hơn, nghiêm khắc hơn đã giúp cho người đi coi thi có chung một cái “thước” để xử lý. Vì vậy, kỷ luật phòng thi nghiêm hơn và dĩ nhiên khi ấy tỷ lệ tốt nghiệp giảm là điều dễ hiểu.

Thêm nữa, học sinh năm nay khác với học sinh dự thi năm trước. Qua theo dõi, chúng tôi thấy mỗi lứa học trò khác nhau thì khả năng, kết quả học tập cũng khác nhau. Năm nay lại có quá nhiều cái mới trong kỳ thi này, như nhiều môn trắc nghiệm, quy chế chặt chẽ… Vì thế, nếu cứ đem so sánh kết quả của 2 năm thì tôi cho rằng không hẳn đã hợp lý.

Một điều nữa cũng muốn nói là, tuy kết quả toàn thành phố có giảm, nhưng kết quả của khối các trường công lập vẫn ở mức cao, ví dụ nội thành có tỷ lệ đỗ là 95,59%, những trường có chất lượng cao vẫn giữ kết quả tốt nghiệp ở mức cao và có sự phân hóa hợp lý. Điều này càng khẳng định rằng kết quả năm nay đã phản ánh đúng thực chất và những biện pháp chỉ đạo của ngành đã cho kết quả tốt.

- Với tỷ lệ này Hà Nội có hơn 4500 học sinh sẽ thi lại tốt nghiệp vào kỳ thi lần 2 được tổ chức vào tháng 8 tới. Ngành sẽ chỉ đạo các trường tổ chức ôn tập cho học sinh để các em có thể đỗ tốt nghiệp và bao giờ thì học sinh có thể đến trường ôn tập, thưa ông ?

- Kết quả kỳ thi này cho chúng tôi thấy đâu là vấn đề cần quan tâm của giáo dục Thủ đô và từ đó có biện pháp tiếp tục nâng cao chất lượng, trước hết ở kỳ thi sắp tới. Thời gian bắt đầu ôn tập do các trường chủ động, song phải bảo đảmtrước khi thi học sinh của mình được ôn tập trong 8 tuần. Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các trường và có những biện pháp giúp các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ này.

- Xin cảm ơn ông.

Tỷ lệ tốt nghiệp của các trường công lập: 91,54%, trong đó nội thành 95,59%, ngoại thành 86,94%.

Tỷ lệ tốt nghiệp của các trường ngoài công lập 73,75%

Tỷ lệ tốt nghiệp bổ túc văn hóaTHPT 45,27%

Những trường có tỷ lệ tốt nghiệp cao: Lương Thế Vinh 100%; chuyên ĐH KHTN 100%; chuyên ngữ ĐH Ngoại ngữ 100%; Lê Quý Đôn 99,83%; Hà Nội - Amxtecdam 99,80%; Nguyễn Siêu 99,5%; Kim Liên 99,49%; Chu Văn An 99,1%; Trần phú 99,18%; Phạm Hồng Thái 99,05%; chuyên Toán Tin ĐH Sư phạm 99,03%; Thăng Long 98,65%; Nguyễn Gia Thiều 99,28%; Trần Nhân Tông 98,52%; Yên Hòa 98,17%; Phan Đình Phùng 97,95%; Nguyễn Tất Thành 97,77%; Việt - Đức 97,59%; Nguyễn Thị Minh Khai 95,88%; Ngọc Hồi 94,66%; Nhân Chính 94,7%; Liên Hà 94,02%; Vân Nội 94,02%.

Những trường có tỷ lệ đỗ khá, giỏi cao: Kim Liên 61,7%; Hà Nội - Amxtecdam 48,43%; Lương Thế Vinh 43,94%; Chu Văn An 40,59%; Phan Đình Phùng 31,98%; Thăng Long 31,74%...

Kim Thoa thực hiện

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thấp hơn mà tốt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.