Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Lắng lại để bình tâm

Vân Vũ| 10/06/2010 02:41

(HNM) - "Thầy Khoa không phải là người đầu tiên và duy nhất làm nên "Hai không" trong giáo dục" - Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Đức Vui cho biết. Điều hiển nhiên này ai cũng rõ và không hiếm thầy, cô giáo không chấp nhận gian lận trong thi cử cũng như những hiện tượng tiêu cực trong trường học.

Họ vẫn đấu tranh, bằng việc làm tốt nhiệm vụ và khiếu nại, tố cáo theo đúng khuôn khổ luật pháp. "Còn chúng tôi, những người "cầm cân, nẩy mực", cũng không thể có ưu tiên nào cho việc xét thưởng - phạt dù thầy Khoa là người nổi tiếng" - ông Vui khẳng định.

Tin liên quan
>>Bài 2: Cường điệu “xây dựng” nhân vật điển hình?
>>Bài 1: Hình ảnh một thầy giáo chống tiêu cực

Không bị trù dập

Năm 2008, khi thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng, việc Trường THPT Vân Tảo đánh giá ông không hoàn thành nhiệm vụ là hành vi trù dập người đấu tranh chống tiêu cực, Hiệu trưởng Lê Xuân Trung đã khẳng định: "Việc thầy Khoa vi phạm kỷ luật lao động, quy chế chuyên môn của từng năm chúng tôi đều có lưu giữ hồ sơ. Còn việc đánh giá thi đua, chúng tôi làm theo đúng trình tự của điều lệ trường trung học, không có điều gì thể hiện sự trù dập, mang tính cá nhân". Vừa qua, trước lý do thầy giáo Đỗ Việt Khoa đưa ra trong đơn xin nghỉ việc là bị trù dập, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Nguyễn Đức Vui một lần nữa cho biết: "Chúng tôi đã kiểm tra rất kỹ về những đánh giá của trường với thầy Khoa và thấy họ làm rất chặt chẽ, khoa học".

Để tìm tiếng nói khách quan hơn về việc này, ngày 7-6, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Viết Cẩn, người đứng đầu tổ chức chính trị, xã hội có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của giáo viên - Công đoàn giáo dục Hà Nội. Ông Cẩn cho biết: "Vừa qua, Hội đồng Thi đua khen thưởng xét việc nâng lương của giáo viên trong ngành, tôi cũng đã đặt vấn đề phản biện đối với trường hợp của thầy Đỗ Việt Khoa. Nhưng, Hội đồng đã xem xét rất kỹ và thấy rằng, nhà trường đã làm đúng và công bằng trong việc đánh giá giáo viên. Thầy Khoa đã không hoàn thành nhiệm vụ của một giáo viên. Giải đáp băn khoăn của chúng tôi về việc "đánh giá hoàn thành nhiệm vụ" có thể phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của lãnh đạo, ông Cẩn nói: Với việc triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở, mọi quy chế, từ quy chế làm việc, chi tiêu nội bộ cho đến khen thưởng, kỷ luật đã được toàn thể cán bộ, giáo viên bàn thảo và thống nhất tại hội nghị cán bộ, viên chức đầu năm. Mọi tiêu chuẩn và quy trình xét duyệt đều được minh bạch hóa để cán bộ, giáo viên biết, thực hiện và kiểm tra. Vì thế, người làm công tác quản lý hiện nay khó có thể trù dập người khiếu nại, tố cáo.

Nỗ lực vì lợi ích chung

Một trong những mục đích của chống tiêu cực là để xây dựng cho đơn vị hoặc tập thể hay cá nhân tốt lên, kể cả người chống tiêu cực, người bị tố cáo và cơ quan quản lý đều phải nỗ lực vì lợi ích chung trong việc giải quyết những khiếu nại, tố cáo. Quan điểm của thanh tra, những người "cầm cân nẩy mực" là phải thưởng, phạt phân minh nhằm bảo đảm sự ổn định của trường học, vì quyền lợi chính đáng của giáo viên và học sinh, vì sự phát triển của sự nghiệp giáo dục. Bởi vậy, trong kết luận các vụ việc, họ luôn cố gắng thấu tình, đạt lý. Đây cũng là quan điểm của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như xem xét, giải quyết đơn xin thôi việc của thầy giáo Đỗ Việt Khoa.

Có thể thấy rõ điều đó qua quá trình giải quyết đơn, thư của thầy giáo Khoa trong 2 năm rưỡi qua. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội gửi Bộ GD-ĐT ngày 8-6, từ ngày 18-12-2007 đến tháng 6-2010, thầy giáo Khoa đã gửi 5 lá đơn. Kết quả giải quyết của Thanh tra Sở GD-ĐT cho thấy, nội dung đơn của thầy giáo Khoa sai là chủ yếu hoặc không có căn cứ xác minh. Song quan trọng là, sau thanh tra, Sở đã tiến hành những việc cần thiết để ổn định tình hình nhà trường, tạo điều kiện để thầy dạy tốt và trò học tốt. Như Trưởng phòng Giáo dục phổ thông Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Thành Kỳ đánh giá, trong mấy năm nay, kỷ cương nền nếp của Trường THPT Vân Tảo khá lên nhiều và chất lượng ngày càng tiến bộ so với chuẩn đầu vào thấp. Kết quả này, thầy giáo Đỗ Việt Khoa cũng thừa nhận.

Có thể nói, Thanh tra Sở GD-ĐT đã rất kiên trì và làm đúng pháp luật trong việc giải quyết đơn của thầy giáo Đỗ Việt Khoa, song những kết luận của cơ quan có thẩm quyền này vẫn không được thầy giáo Đỗ Việt Khoa chấp nhận và ông quyết định ra khỏi ngành. Dẫu vậy, ngày 8-6, lãnh đạo Sở GD-ĐT vẫn cho biết, sẽ giải quyết việc xin nghỉ công tác của thầy giáo Khoa một cách thấu tình, đạt lý để một thầy giáo năm nay mới 42 tuổi đã có 20 năm công tác không rời ngành với một tâm trạng đầy ưu tư như vậy.

Để kết thúc loạt bài viết này, xin trích lời nhắn gửi của TS Nguyễn Tùng Lâm, nguyên Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội với thầy giáo Đỗ Việt Khoa: "Lúc này, thầy nên có một thời gian lắng lại để bình tâm suy nghĩ. Nếu sau một thời gian, thấy vẫn còn yêu nghề, thầy có thể trở lại bục giảng, bắt đầu lại như một giáo viên trong hàng vạn giáo viên của Thủ đô để đóng góp sức mình vào một sự nghiệp mà vì nó thầy đã dành nhiều tâm huyết."

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Lắng lại để bình tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.