Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bật dậy vùng đất “vàng” Gia Lâm

Nguyễn Mai| 10/10/2011 07:02

(HNM) - Những cánh bãi sông Hồng, sông Đuống của Gia Lâm giờ đây như được khoác tấm áo mới với những vùng cây ăn quả ngút ngàn, những vùng chuyên canh rau trù phú.


Đất khó chẳng phụ công người

Từ cầu Thanh Trì rẽ phải, men theo đê tả Hồng, đến xã Đông Dư, từ trên đê nhìn xuống, vùng bãi bồi khoai, đậu ngày nào giờ đã trở thành vùng ổi bạt ngàn. Bà Nguyễn Thị The nhanh tay xếp ổi cho khách vui vẻ nói: "Trồng ổi dễ, làm cỏ, cắt cành không tốn công". Với 5 sào ổi, cuộc sống gia đình bà The ngày càng khấm khá. Hai năm gần đây, nhiều hộ đưa ổi vào trồng cả trong đồng, trên đất lúa. Ổi Đông Dư đã có thương hiệu, đưa vào cả siêu thị. Xuôi theo đê về xã Văn Đức thấy những cánh đồng bạt ngàn rau an toàn, rau VietGap. Anh Trần Xuân Điệu, cán bộ Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm dẫn khách đi thăm vùng rau cho biết, nếu bình chọn nông dân Gia Lâm nơi nào quý đất nhất, chắc chắn đó là Văn Đức. Ở đây đất quay vòng 3 vụ/năm, không lúc nào nghỉ. Là xã ngoài bãi, không có đất lúa, 100% hộ dân Văn Đức sống khá nhờ thâm canh, luân canh, tăng vụ rau màu và chăn nuôi với 250ha rau hàng hóa. Vượt qua khó khăn do phụ thuộc vào thiên nhiên, người dân Văn Đức đã khoan giếng ngầm lấy nước sản xuất. Đất khó chẳng phụ công người, giờ vùng đất bãi này đã phủ kín màu xanh của rau. Mỗi ngày, vùng trồng RAT Văn Đức cung cấp cho thị trường (thông qua Công ty TNHH Hương Cảnh) 75-80 tấn rau đạt chuẩn VietGap và hàng chục tấn rau an toàn khác vươn ra thị trường cả nước. Vào buổi chiều - thời điểm thu hoạch rau rộ nhất, Văn Đức sôi động với hàng chục xe tải, xe container nối đuôi nhau lấy hàng. Đã có chủ hàng đánh giá bắp cải ở Văn Đức ngon hơn cả Đà Lạt. Mỗi mùa bắp cải vào vụ, thương lái từ Sài Gòn lặn lội ra tận đây "đánh" hàng vào Nam. Nông dân yêu đất, đất trả công người trên 200 triệu đồng/ha/năm.


Chăm sóc rau sạch tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm.Ảnh: Khánh Nguyên

Không chỉ Đông Dư, Văn Đức, các xã phía Nam sông Đuống cũng khá sôi động phong trào chuyển đổi 150/300ha đất bãi sang chuyên canh chuối thay thế ngô, khoai hiệu quả thấp. Ông Đinh Tất Thắng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cổ Bi cho biết, xã đang triển khai mô hình trồng chuối tây, chuối tiêu hồng 10ha nuôi cấy mô, kết quả rất khả quan. Theo ông Thắng, 1ha trồng chuối trên đất bãi có thể đạt 300 triệu đồng. Bà con rất phấn khởi, mong muốn được tập huấn kỹ thuật, có giống sạch bệnh, được đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng bãi làm giàu.

Đột phá xây dựng nông thôn mới

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn cho biết, diện tích trồng lúa của huyện đã giảm nhiều, thay vào đó là các mô hình vùng chuyên canh ở Văn Đức, Đặng Xá, Lệ Chi… khoảng 1.260,3ha, trong đó rau an toàn 830ha (chiếm 65,9% diện tích); vùng cây ăn quả (cam, bưởi) 14,5ha ở Đa Tốn; vùng sản xuất cây giống, cây ăn quả tại thị trấn Trâu Quỳ, xã Đa Tốn 16,7ha; vùng trồng ổi Đông Dư 53ha; vùng lúa chất lượng cao Đa Tốn; vùng chăn nuôi tập trung Phù Đổng… Nông thôn Gia Lâm đã và đang hình thành theo hướng mỗi làng, mỗi xã gắn với một sản phẩm nông sản, hàng hóa điển hình. Đời sống kinh tế của người dân được nâng cao, diện mạo nông thôn khởi sắc.

Xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng nông thôn mới (NTM) là then chốt, khai thác hiệu quả các nguồn lực, Gia Lâm đang nỗ lực vươn lên trong xây dựng NTM. Ông Nguyễn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, huyện đã xây dựng đề án với nỗ lực cao, mục tiêu 65% số xã (13 xã, bao gồm cả xã điểm Đa Tốn) đạt các tiêu chí NTM vào năm 2015 và 100% số xã đạt các tiêu chí NTM năm 2020. Năm 2011 này, huyện chỉ đạo hoàn thành đề án NTM tại 100% số xã. Đặc biệt, để nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân theo tiêu chí NTM, từ nay đến năm 2015, Gia Lâm ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, đưa nhanh tiến bộ KHKT vào sản xuất.

Chặng đường "cán đích" NTM của Gia Lâm còn nhiều gian nan, vất vả, song Gia Lâm có nhiều lạc quan bởi điều khó khăn nhất các huyện ngoại thành đang vướng mắc là dồn điển đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn thì Gia Lâm đang triển khai rất tốt. Đó là lợi thế, là tiền đề quan trọng để Gia Lâm sớm đạt các tiêu chí trở thành huyện dẫn đầu phong trào NTM, xây dựng quê hương văn minh giàu đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bật dậy vùng đất “vàng” Gia Lâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.