Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi người khuyết tật tìm thấy niềm tin

Ngọc Mai| 12/01/2010 07:04

(HNM) - Hơn 10 năm qua, Trung tâm Nhân đạo Hồng Đức đã dạy nghề miễn phí và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm thanh, thiếu niên khuyết tật. Nơi đây đã thực sự trở thành mái nhà của người khuyết tật, giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống.

Trung tâm Nhân đạo Hồng Đức nằm sâu trong con ngõ nhỏ 399 đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội chuyên nhận dạy người khuyết tật trong độ tuổi từ 15-30. Hiện trung tâm đang dạy nghề và tạo việc làm cho 15 người khuyết tật, với mức thu nhập hằng tháng từ 1 đến 1,7 triệu đồng.

Học viên khuyết tật đang say sưa làm việc.


Bà Vũ Thị Viễn, Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Hồng Đức cho hay: "Học viên đến trung tâm sẽ được học nghề miễn phí trong 3 tháng và được bố trí chỗ ăn, chỗ ở. Trong thời gian học nghề, học viên nào làm được sản phẩm sẽ được tính thành lương. Sau khi học nghề xong, họ được trung tâm bố trí việc làm phù hợp theo khả năng của từng người. Công việc chủ yếu ở trung tâm là may quần, áo".

Trung tâm thường ký được những hợp đồng may đồng phục học sinh với các trường học, may quần áo bảo hộ lao động với các công ty, xí nghiệp, nên việc làm của người khuyết tật luôn được bảo đảm. "Ban đầu các em mới vào trung tâm đều tự ti, chúng tôi phải động viên, an ủi rất nhiều. Người nào làm chưa tốt hoặc làm được ít sản phẩm quá, chúng tôi lại phải động viên, nhiều khi phải hỗ trợ thêm lương để họ có thể đủ sống", bà Viễn tâm sự. Ngoài cơ sở ở đường Âu Cơ, hiện Trung tâm còn có 2 cơ sở ở huyện Thường Tín (Hà Nội) và Chùa Ngòi (Bắc Ninh).

Nhiều gia đình có con bị khuyết tật nặng, cứ ngỡ con mình không có khả năng lao động nhưng rồi dưới sự dìu dắt, giúp đỡ của trung tâm nhiều em đã làm được việc và gửi tiền lương hằng tháng về phụ giúp gia đình. Em Đậu Thị Ngân, quê ở Nghệ An đến trung tâm học nghề và làm việc đã được 3 năm cho hay: "Em bị ung thư xương, đi lại chỉ bằng một chân. Nhiều lúc chân đau lắm! Lúc ấy, cô Viễn an ủi, động viên và giúp đỡ em nhiều. Ở đây mỗi người một hoàn cảnh nên rất yêu thương nhau. Nhiều sản phẩm làm ra không ưng ý, em phải tự mình sửa lại cho bằng được, dần dần thấy mình cũng khéo léo hơn". Hiện tại với tiền lương 1,7 triệu đồng/tháng tuy chưa cao, nhưng đã giúp Ngân tự lập và có tích lũy.

Thành công của Ngân là động lực để bạn đồng tật Nguyễn Ánh Hồng quyết tâm học nghề: "Tôi không đủ sức làm nghề đồng áng, việc Ngân có thu nhập từ nghề may giúp đỡ gia đình khiến tôi quyết tâm học nghề tại trung tâm". Hồng bị liệt cả 2 chân nhưng luôn miệt mài và chăm chỉ để làm ra những sản phẩm có chất lượng tốt, mỗi tháng em cũng được 700.000-800.000 đồng tiền lương.

Em Hồ Văn Võ, 17 tuổi, ở Nghệ An có 7 anh chị em. Nhà nghèo nên người anh trai đầu của Võ phải vào Nam làm việc kiếm tiền phụ giúp gia đình và các em ăn học. Không muốn là gánh nặng của mọi người, Võ đã vượt qua đoạn đường dài từ quê lên Hà Nội và xin vào trung tâm học nghề đã được hơn 1 năm. Hiện mức lương của Võ là 900.000 đồng/tháng.

Nhiều học viên của trung tâm sau khi có nghề đã về địa phương làm việc tại các cơ sở sản xuất hoặc mở cửa hàng may. Những người còn lại đang học nghề và làm việc ở trung tâm vẫn đang được trung tâm hỗ trợ, giúp đỡ, dìu dắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi người khuyết tật tìm thấy niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.