Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyễn Tài - Trọn đời cho cách mạng

TUANPHONG| 11/01/2009 04:32

Làm báo

(HNM) - Dù đã cao tuổi nhưng Nguyễn Tài - Anh hùng lực lượng vũ trang vẫn minh mẫn. Giản dị trong bộ quân phục đã bạc màu thời gian, ông thư thả kể cho tôi nghe những ký ức không phải từ thuở thanh xuân, cái thuở "đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm" cho đến những tháng ngày gian khổ, ác liệt ở chiến trường miền Nam...

Làm báo

19 tuổi, tràn đầy hoài bão và lý tưởng cách mạng, Nguyễn Tài tạm biệt các bạn trong Đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, lên chiến khu học lớp quân sự ngắn ngày tại trường quân chính kháng Nhật. Mãn khóa, vốn quân sự tạm gác lại, Nguyễn Tài được đồng chí Võ Nguyên Giáp phân công về nhà in báo Nước Nam mới đặt tại Khu giải phóng. Gọi là làm báo, nhưng trong điều kiện khó khăn lúc đó, chỉ là in li-tô rất thủ công mà bây giờ chúng ta không thể hình dung được. "Ru - lô chỉ là một nửa ống tre ngắn bằng nửa bề ngang trang báo, bọc bằng xăm xe đạp; lõi ru-lô là chiếc đũa để hai tay cầm hai đầu lăn. Phải lăn 100 lần thì mới in xong một trang báo. Khổ nhất là in dưới ánh sáng của loại nến làm bằng lá chuối cuộn lại tẩm nhựa trám, khói cay xè mắt, lại thêm cái tội nợ hay nổ, bắn vào mặt báo, mất nhiều chữ là phải mài lại mặt đá, viết lại (theo lối viết chữ ngược). Bốn chúng tôi cứ hì hụi làm như thế, lần lượt in đủ bốn trang báo khổ nhỏ bằng ¼ tờ báo bây giờ cho đến nửa đêm mới xong số báo mới. Sáng hôm sau, nhìn báo ra lò, phát hành rộng rãi trong khu giải phóng, anh em chúng tôi như nở mày nở mặt, vui lắm. Nhưng cũng có phen bị Cụ "Ké" phê bình vì "cắt đầu, cắt đuôi" bài báo cho hợp khổ giấy nên người đọc không hiểu hết ý tứ. Sau này, nhìn thấy báo Nước Nam mới trong Bảo tàng cách mạng Việt Nam, ông mới biết, hóa ra ông đã làm biên tập báo từ cái thuở ban đầu đầy

bỡ ngỡ, sôi nổiấy.

Trong lòng dân Hà Nội

Tháng 9-1945, từ chiến khu về Hà Nội, Nguyễn Tài được phân công công tác tại Sở Liêm phóng rồi Sở Công an Bắc bộ, đảm trách một số công tác bí mật của Phòng Chính trị. Bên cạnh những Lê Giản, Lê Hữu Qua, Hoàng Mỹ, Nguyễn Tạo dày dạn kinh nghiệm đấu tranh là một thế hệ cán bộ các chiến sĩ công an trẻ, tràn đầy nhiệt huyết, thông minh, trung thành với Đảng với dân, tiếp sức cho thế hệ đàn anh bảo vệ Thủ đô Hà Nội, giữ vững chính quyền non trẻ trong tình thế hiểm nghèo - thù trong giặc ngoài đều muốn lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh. Nguyễn Tài là một trong những cán bộ xuất sắc của thế hệ đó, lớn lên và trưởng thành từ mùa thu cách mạng, góp phần vào chiến công lớn của công an nhân dân diệt trừ bọn phản động tay sai, giữ vững chính quyền non trẻ trong tình thế hiểm nghèo - thù trong giặc ngoài. Từ nội thành rút dần ra các xã của Hà Tây, rồi ông lại trở về nội thành, nhận nhiệm vụ mới: Thành ủy viên Thành ủy Hà Nội phụ trách công tác trí thức vận, đồng thời đảm nhận chức Phó Giám đốc Công an. Ông phải trực tiếp vào nội thành nắm tình hình. Lúc này, phong trào kháng chiến Hà Nội đang bị thoái trào bởi địch càn quét khốc liệt, hàng trăm cơ sở bị vỡ, một số cán bộ quay phản hoặc cầu an, nằm im không hoạt động. Nhờ có các đồng chí đang hoạt động bí mật, ông được bố trí đến nhà cơ sở của công an và sau đó, ông đóng vai gia sư cho gia đình ông bà Huấn Linh, một trí thức yêu nước ở phố Wíélé (nay là phố Tô Hiến Thành) để che mắt địch. Những tấm lòng yêu nước của ông Chế (dược sĩ, anh vợ đồng chí Nguyễn Duy Hưng), bác sĩ Phạm Khắc Quảng, luật sư Vũ Văn Hiền, bác sĩ Trần Văn Lai… là tấm áo giáp che chởcho ông cũng như rất nhiều cán bộ kháng chiến hoạt động trong nội thành vào thời kỳ khó khăn.

Đấu tranh trên bàn hội nghị Phù Lỗ

Sau Hiệp định Geneve, ông Trần Vỹ và ông Nguyễn Tài - 2 thành ủy viên được cử vào đoàn đại biểu của Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Phù Lỗ, bàn về các vấn đề quân sự và hành chính để chuyển giao khu chu vi Hà Nội trong trật tự, an toàn, bảo đảm công việc hành chính không bị gián đoạn. Theo dự kiến sẽ có một đội hành chính vào trước ngày 10-10-1954 để đảm trách việc tiếp thu các cơ quan công sở của chính quyền Pháp và tay sai. Đại diện Pháp lúc đầu không chịu nhưng cuối cùng phải nhượng bộ. Cũng tại hội nghị bằng trí thông minh, sắc sảo, lại có tài liệu chứng cứ cụ thể về những nhà máy, công sở đã bị địch phá hoại do Nguyễn Tài đưa ra nên

đại diện của phái đoàn Pháp, ông De Bresson buộc phảithừa nhận và hứa sẽ bồi hoàn. Từ Phù Lỗ, Đội hành chính trật tự do ông Trần Danh Tuyên, Phó Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn, ông Nguyễn Tài làm Phó đoàn đã vào thành phố, lấy địa điểm Đồn Thủy (nay là Viện Quân y 108) làm trụ sở của Đội để thực hiện nhiệm vụ. Đến ngày 9-10-1954, tất cả hệ thống cơ quan hành chính đã được bàn giao, tiếp nhận hoàn chỉnh. Ngày 10-10-1954, bộ máy hành chính thành phố hoạt động ổn định, an toàn. Khi Hà Nội hân hoan trong hòa bình thì ông lại được giao nhiệm vụ mới - giúp Hải Dương tiếp quản, sau đó, tham gia Ủy ban Liên hiệp đình chiến Trung ương, tiếp tục đấu tranh trên bàn hội nghị để đi đến ký kết Hiệp định chuyển giao tiếp quản khu vực Hải Phòng trong thời hạn 300 ngày, theo quy định của Hiệp định Geneve.

Trọn đời cho cách mạng

Ông cũng như hàng triệu cán bộ, chiến sĩ đã gắn buồn vui thăng trầm của cuộc đời mình với hai cuộc trường chinh gian khổ của dân tộc để giành độc lập tự do cho đất nước. Những khi trái gió trở giời, cơ thể ông đau nhứcvà căn bệnh mất ngủ do bị địch tra tấn trong hầm biệt giam hơn 4 năm vẫn luôn hành hạ tuổi già của ông. Nhìn ông luôn tay chấm nước mắt khi trò chuyện, tôi thương ông vô ngần. 9 năm lặn lội khắp rừng núi, về Hà Nội chưa được bao lâu lại vào chiến trường miền Nam 11 năm. Bị Mỹ - Ngụy bắt giam và tra tấn dã man nhưng ông vẫn son sắt, kiên trung với dân, với Đảng, kiên quyết bảo vệ lẽ phải. Trở về đời thường, ông sống rất có tình với đồng chí, đồng đội, với nhân dân đã che chở, nuôi giấu ông ở Hà Nội và các "cứ" ở miền Nam. Trước công lao to lớn của ông trong 2 cuộc kháng chiến, ngày 10-6-2002, ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nguyễn Quang Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Tài - Trọn đời cho cách mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.