Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ phim lịch sử cách mạng

ANHTHU| 23/08/2003 08:58

Sau nhiều năm chuẩn bị công phu và thận trọng, những ngày đầu tháng 9 tới, bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” sẽ ra mắt khán giả cả nước. Các tác giả đã chọn quãng thời gian khó khăn và gian nan nhất trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của vị lãnh tụ kính yêu, danh nhân văn hóa thế giới: giai đoạn Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông vào khoảng những năm 30 của thế kỷ XX...

Một cảnh trong phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông"
Ảnh: Trần AnhSau nhiều năm chuẩn bị công phu và thận trọng, những ngày đầu tháng 9 tới, bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” sẽ ra mắt khán giả cả nước. Các tác giả đã chọn quãng thời gian khó khăn và gian nan nhất trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của vị lãnh tụ kính yêu, danh nhân văn hóa thế giới: giai đoạn Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông vào khoảng những năm 30 của thế kỷ XX.

Từ năm 1930 - 1933, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh lan rộng, uy hiếp trực tiếp đến sự cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam. ở nước ngoài, sau khi tổ chức thành công hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930), trong hành trình từ Thượng Hải tới Hồng Kông để bắt liên lạc với tổ chức Đảng, Nguyễn Ái Quốc bị mật thám Pháp và Hồng Kông bí mật theo dõi. Một buổi sáng tháng 6-1931, cảnh sát Anh đã ập đến căn nhà số 186 phố Tam Lang bắt giữ Tống Văn Sơ - tên gọi lúc đó của Nguyễn Ái Quốc. Cuộc bắt giữ bí mật này nhằm thực hiện thỏa thuận ngầm giữa Anh - Pháp đưa Nguyễn Ái Quốc trở về Việt Nam để thi hành bản án tử hình do Tòa án Vinh tuyên vắng mặt năm 1927. Nhưng tù ngục của đế quốc chỉ giam hãm được thể xác, còn ý chí và nghị lực của người cách mạng thì lại lung linh, chói sáng hơn bao giờ hết.

Trong nhà lao, Nguyễn Ái Quốc đã thuyết phục và cảm hóa được già Lý (vốn là một tướng cướp ở Hồng Kông) trở thành người cách mạng. Luôn phải đối mặt với cái chết và những trận đòn thù tàn bạo, trong Nguyễn Ái Quốc vẫn toát lên khí phách của một nhà chiến lược tài giỏi, mưu trí. Cảm động trước tinh thần ấy, anh đã được vợ chồng luật sư Lu-dơ-by (người Anh) giúp đỡ. Nguyễn Ái Quốc được tuyên trắng án và nhà cầm quyền Hồng Kông buộc phải trả tự do. Sau đó, Người bí mật rời Hồng Kông đi áo Môn, Thượng Hải bắt liên lạc với Tống Khánh Linh và trở lại Nga tiếp tục hoạt động cách mạng.

“Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” là sản phẩm hợp tác giữa Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam (HPHNVVN) và Hãng Châu Giang, một trong năm hãng phim lớn nhất Trung Quốc. Phim dài gần 100 phút, thời gian quay chỉ gói gọn trong vòng 3 tháng. Trên cơ sở “tôn trọng bối cảnh lịch sử, sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử và tinh thần lịch sử”, ê kíp làm phim vượt qua bất đồng ngôn ngữ để lựa chọn những cảnh quayphù hợp nhất.

Đoàn làm phim đã phải mua tư liệu về bối cảnh Hồng Kông những năm 1930 để nghiên cứu. Năm tháng cũng đã xóa nhòa những dấu tích xưa, như phố Tam Lang, nơi Nguyễn ái Quốc ở vào năm đó nay thành công viên lớn. Cố gắng tìm được bối cảnh cho tương đối giống với Hồng Kông xưa là một quá trình thật gian khổ, cuối cùng khu nhà ở Chu Hải, cách Quảng Châu khoảng 100 km được chọn làm Hồng Kông những năm 1930. Những cảnh khác được thực hiện ở trường quay lớn nhất Trung Quốc.

Trong quá trình thực hiện bộ phim tình cảm và trách nhiệm của những người làm phim, tình hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc Việt - Trung được thể hiện rõ nét. Diễn viên Mạc Tử Giang (Trung Quốc) vào vai ông già Lý đã từng gặp Bác Hồ ở Vân Nam, nay nhập vai diễn cùng với Nguyễn Ái Quốc (NSƯT Trần Lực). Khi đóng cảnh cùng ngồi tù với Nguyễn Ái Quốc, Mạc Tử Giang đã bật khóc và như thấy một lần nữa được gần gũi bên Bác. Vào vai luật sư Lu-dơ-by, diễn viên Ô-lếch Kráp-chen-kô (Nga) đã bỏ công sức học và nghiên cứu tiếng Việt để trao đổi với nghệ sỹ ta. Từ lòng ngưỡng mộ lãnh tụ kính yêu, Kráp-chen-kô rất muốn trở lại Việt Nam để làm nhiều việc xung quanh nghề diễn hơn nữa.

“Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” có tiết tấu khá nhanh với nhiều tình tiết sinh động, trên nền âm thanh nổi. Nghệ thuật hóa trang, phục trang và nhất là dàn dựng của các họa sĩ Trung Quốc trong các cảnh về Nguyễn Ái Quốc đều được thực hiện kỹ lưỡng. Hãng phim Châu Giang coi đây là một bộ phim rất cần được chiếu rộng rãi ở Trung Quốc nên rất chú ý tới khâu phát hành, với tên Thoát hiểm ở Hồng Kông. Cũng sẽ có 3 bản phim bằng ba thứ tiếng Anh - Việt - Trung để phát hành rộng rãi.

Theo Giám đốc HPHNVVN Hà Phạm Phú, trong thời gian tới, hãng sẽ in phim dưới hình thức băng video, đĩa VCD để phát hành phổ cập trong cả nước. Đây cũng là tài liệu quan trọng trong dịp học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới đối với cán bộ, đảng viên, chiến sĩ cả nước.

Thế Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ phim lịch sử cách mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.