Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam sẽ giảm 80% trẻ lang thang

TUANANH| 18/09/2003 14:37

Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2005, cả nước giảm 80% trẻ lang thang kiếm sống; trẻ phải lao động nặng nhọc, trong môi trường độc hại và trẻ phạm các tội nghiêm trọng; giảm cơ bản tình trạng trẻ bị xâm hại và phòng ngừa để giảm thấp nhất số trẻ em bị lây nhiễm HIV/AIDS...

Nhiều trẻ em từ nông thôn ra thành phố kiếm sống.
Ảnh: VHViệt Nam đang phấn đấu đến năm 2005, cả nước giảm 80% trẻ lang thang kiếm sống, trẻ phải lao động nặng; trong môi trường độc hại và trẻ phạm các tội nghiêm trọng; giảm cơ bản tình trạng trẻ bị xâm hại và phòng ngừa để giảm thấp nhất số trẻ em bị lây nhiễm HIV/AIDS...

Hiện nay, việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung, trong đó có trẻ em có HCĐBKK nói riêng đã nhận được sự quan tâm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Nhiều mô hình tốt, kinh nghiệm hay và sáng tạo trong cách phòng ngừa, can thiệp giải quyết và hỗ trợ hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tiến hành.

Theo báo cáo của bà Trần Thị Tâm Đan, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (UB VH,GD,TN,TN&NĐ), tại cuộc Hội thảo "Những giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn", do UB VH,GD,TN,TN&NĐ phối hợp với Quĩ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tổ chức, khai mạc sáng nay (18/9) tại Hà Nội, hiện nay trên cả nước có khoảng 2,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (HCĐBKK), trong đó có 1 triệu trẻ em nghèo, hơn 126.000 trẻ mồ côi không nơi nương tựa, khoảng 1,2 triệu trẻ tàn tật, hơn 20.000 trẻ lang thang... Tuy nhiên con số được chăm sóc mới đạt khoảng gần 50%. Thực trạng này đang là một vấn đề bức xúc, đòi hỏi Nhà nước và xã hội phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm tạo ra những cơ hội thuận lợi, phù hợp để cuộc sống của các em được cải thiện, tạo điều kiện cho các em có điều kiện phát triển sau này.

Trẻ em có HCĐBKK được đánh giá là nhóm đối tượng trẻ em dễ bị tổn thương nhất, cần có sự can thiệp sớm để tránh cho các em phải chịu những ảnh hưởng trực tiếp của đời sống xã hội, và để lại những hậu quả lâu dài. Nhóm trẻ em này bao gồm các em lang thang, lao động sớm và lao động nặng nhọc, độc hại, các em bị xâm hại tình dục, sức khoẻ, nhân phẩm, các em bị ảnh hưởng bởi đời sống xã hội như vi phạm pháp luật, nghiện hút, nhiễm HIV/AIDS... Có thể nói, các đối tượng trẻ em có HCĐBKK vẫn đang ngày càng gia tăng và là nỗi đau của gia đình và xã hội.

Theo thống kê, đến tháng 7/2003 Hà Nội có 4.369 trẻ mồ côi, trong đó có 724 em được nuôi dưỡng tập trung tại các làng trẻ mồ côi, số còn lại được sống với họ hàng người thân tại địa phương.
Trẻ lang thang kiếm sống đã giảm rõ rệt, chỉ còn 1.556 em (so với 4.558 em vào tháng 7/1999), đặc biệt không còn trẻ em kiếm sống tại bãi rác Nam Sơn, một "điểm nóng" vào năm 1999 khi có tới 559 trẻ lang thang kiếm sống.

Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, ước tính số lượng trẻ có HCĐBKK hiện chiếmkhoảng 3% dân số và 9% trẻ em. Đáng chú ý là số trẻ mồ côi không nơi nương tựa ngày một nhiều (hiện con số là 130.000 em), do đó nếu chỉ cần thiếu một sự quan tâm chăm sóc thích đáng của cộng đồng là các em có thể dễ dàng chuyển thành các đối tượng trẻ có HCĐBKK. Bên cạnh đó, trẻ sống trong môi trường ma tuý lại đang đặt ra những thách thức lớn.

Ông Phùng Ngọc Hùng, PhóChủ nhiệm Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (DS-GĐ-TE) nhận định, ở nước ta trẻ lang thang và trẻ em lao động sớm có mối quan hệ khá tương đồng, trong đó tình trạng trẻ lao động sớm và bị bóc lột tà nhẫn còn chưa đến mức phổ biến, nhưng vấn đề trẻ lang thang kiếm sống trên đường phố, trẻ từ nông thôn ra thành thị kiếm sống thì là vấn đề cấp bách. Gần đây, các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh hay Đà Năng đã buộc phải áp dụng biện pháp đưa các em lang thang về với gia đình hoặc đưa vào các trung tâm bảo trợ.

Hiện tượng này không phản ánh đúng thực chất xã hội của nước ta, nhưng nó đã làm nảy sinh tệ nạn xã hội và tăng nguy cơ trẻ bị xâm hại. Khảo sát sơ bộ của Uỷ ban DS-GD-TE trong tháng 7-8/2003 cho thấy, riêng tại Hà Nội đã có tới 1.556 trẻ lang thang, phổ biến ở lứa tuổi 12 - 15. Thời gian trẻ rời gia đình, quê hương đi kiếm sống khá dài chiếm tỉ lệ 51,72%.

Ông Hùng khẳng định: "Đa số các em có mối liên hệ với gia đình. Các em chỉ lang thang kiếm tiền và có gửi tiên và về thăm nhà đều đặn. Mức thu nhập của các em lang thang đường phố trung binh khoảng 18.000/ngày. Điều này đã dẫn đễn những dấu hiệu cho thấy xu hướng trẻ lang thang có thể trở thành một "nghề" của trẻ em và nhiều gia đình".

Tuy vậy, tiến sĩ Đàm Hữu Đắc, thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH nhận định: "Hiện số trẻ lang thang kiếm sống đang có chiều hướng giảm, và dự báo khi kết thúc SEA Games 22, đối tượng này sẽ còn giảm mạnh hơn nữa do có các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn đang áp dụng nhiều biện pháp đưa các em trở về gia đình".

Trong khi đó, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, ông Anthony Bloomberg, nhấn mạnh: "Tôi vui mừng là Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương nghiên cứu về sự chăm sóc thay thế. Chăm sóc trong các cơ sở bảo trợ phải là phương cách cuối cùng chứ không phải là cách thứ nhất đối với trẻ em sống tách xa bố mẹ. Ngoài ra, liên quan đến trẻ lang thang đường phố ở các thành phố lớn, UNICEF vẫn đang hỗ trợ và sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ cho Chính phủ. Tuy vậy cũng cần phải có thời gian để tìm ra các biện pháp phù hợp bảo đảm được các quyền của trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của từng em một".

Tuấn Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam sẽ giảm 80% trẻ lang thang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.