Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề nghị khai quật toàn bộ khu vực xây nhà Quốc hội

TUANANH| 27/09/2003 13:56

Hội Sử học Việt Nam gửi văn bản đến các cơ quan chức năng ngày 26/9, đề nghị được mở rộng khu vực khai quật, từ 14.000 m2 đã phát lộ sang toàn bộ 50.000 m2 mặt bằng dự kiến xây dựng nhà Quốc hội và hội trường Ba Đình mới. Đây là việc cần làm trước khi quyết định tiếp tục xây dựng quần thể kiến trúc Ba Đình.

Một chiếc giếng cổ được tìm thấy. Ảnh : VietnamNetHội Sử học Việt Nam gửi văn bản đến các cơ quan chức năng ngày 26/9, đề nghị được mở rộng khu vực khai quật, từ 14.000 m2 đã phát lộ sang toàn bộ 50.000 m2 mặt bằng dự kiến xây dựng nhà Quốc hội và hội trường Ba Đình mới. Đây là việc cần làm trước khi quyết định tiếp tục xây dựng quần thể kiến trúc Ba Đình.

Văn bản do giáo sư sử học Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam ký, đánh giá cao kết quả khảo cổ tại 14 hố khai quật, và coi đây là chuẩn mực tuân thủ Luật Di sản văn hóa, được Quốc hội ban hành cuối năm 2001. Kết quả khảo cổ 8 tháng qua cho thấy khu vực Ba Đình tập trung dày đặc các di tích tiêu biểu cho thời kỳ tiền Thăng Long, Lý - Trần - Lê. Cụ thể, thời tiền Thăng Long, đây là trung tâm của kiến trúc thành Đại La, với mặt bằng thấp và nhiều đầm hồ. Thời Lý - Trần, khu vực này là một phần phía Tây điện Càn Nguyên, với nhiều dãy kiến trúc chạy song song theo hướng Bắc - Nam. Thời Lê, tuy mặt bằng kiến trúc chưa rõ nhưng dựa vào đồ gốm sứ thu được, có thể đoán định vị trí này là cung Trường Lạc của bà Trường Lạc Thánh từ Hoàng hậu Nguyễn Thị Hằng, vợ vua Lê Thánh Tông (1460-1497) cùng các kiến trúc quân sự khác. Như vậy, cuộc khai quật đã lần đầu tiên cho thấy phần nào diện mạo phong phú của các cung điện trong Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần - Lê, phản ánh trung thực đời sống kinh tế xã hội của mọi tầng lớp dân cư kinh thành suốt 1.000 năm lịch sử.

Tuy nhiên, theo dự đoán của các nhà khảo cổ, nằm đối diện với khu vực đã được khai quật, bên kia điện Kính Thiên (thuộc khu vực Bộ Quốc phòng quản lý) cũng có thể có những công trình lớn, có giá trị lịch sử tương tự. Bởi vậy, Hội Sử học cho rằng mở rộng diện tích khai quật là việc cần làm ngay.

Hôm qua, tại cuộc hội thảo về khảo cổ học khu vực Ba Đình, đa số nhà chuyên môn thống nhất cần giữ lại toàn bộ quần thể di tích phía tây Hoàng thành. Tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, “chỉ cần giữ lại một phần nhỏ của khu khảo cổ thì cũng đã ảnh hưởng đến dự án xây dựng nhà Quốc hội và hội trường Ba Đình mới”. Mặt khác, phương án giữ lại toàn bộ và nguyên vẹn di tích khảo cổ đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ bảo quản hiện đại mà Việt Nam chưa có kiến thức và kinh nghiệm. Và sẽ phải tính đến việc chuyển toàn bộ dự án nhà Quốc hội, hội trường Ba Đình đến một địa điểm khác.

Một hướng khác cũng được bàn tới là giữ lại một phần di tích đã phát lộ và xây dựng bảo tàng ngoài trời, quy mô nhỏ. Phương án này có thể bảo đảm tiến độ thi công nhà Quốc hội, nhưng hội trường Ba Đình sẽ phải triển khai ở khu vực khác. Như vậy, kiến trúc quần thể chính trị Ba Đình sẽ bị phá vỡ, mà phần lưu giữ được cũng chỉ chiếm khoảng 30% di tích đã phát hiện. Bên cạnh đó, phương án tiếp tục xây dựng quần thể nhà Quốc hội - hội trường Ba Đình nhưng điều chỉnh thiết kế để giữ lại 8.000 m2 đã khai quật giáp đường Hoàng Diệu cũng được bàn tới. Tuy nhiên phần di tích còn lại, in đậm dấu ấn qua lát cắt thời gian (thời Đại La thế kỷ 7-9, thời Lý thế kỷ 11-12, thời Trần thế kỷ 13-14, thời Lê thế kỷ 15-18, và Nguyễn thế kỷ 19-20) sẽ phải dỡ bỏ.

Hôm nay, hội thảo của các nhà sử học, khảo cổ cùng đại diện các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục. Đây là cơ sở khoa học để trung ương quyết định điều chỉnh dự án xây dựng quần thể nhà Quốc hội, hội trường Ba Đình.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị khai quật toàn bộ khu vực xây nhà Quốc hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.