Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mừng vui vừa đến, lo toan lại đầy

TUANANH| 18/10/2003 13:50

Đã là đầu tiên ai cũng mong được vẹn toàn là điều đương nhiên. Nhưng phiên chợ công nghệ đầu tiên kéo dài 3 ngày và vừa khép lại  vượt quá sự mong đợi của người bán, người mua, người xem và cả ban quản lý

Giới thiệu công nghệ tại Techmart 2003

Đã là đầu tiên ai cũng mong vẹn toàn là đương nhiên. Nhưng phiên chợ công nghệ đầu tiên kéo dài 3 ngày và vừa khép lại một cách toàn bích vượt quá sự mong đợi của người bán, người mua, người xem và cả ban quản lý "chợ". Văn phòng Quốc hội sáng 15/10 khai mạc phiên họp toàn thể kéo dài 4 ngày dày đặc nội dung. Thế mà báo cáo 29 trang về tình hình thực hiện kế hoạch KHCN năm 2003 không quên ấn tượng 2 ngày đầu chợ công nghệ với hơn 200 hợp đồng được ký trị giá trên 700 tỷ đồng.

"Lúc đầu chúng tôi chỉ hy vọng 50-100 hợp đồng ký tại chợ nhưng ngay ngày đầu tiên đã vượt quá số ấy"- TS Phạm Hữu Giục, Vụ trưởng Vụ KHCN các Ngành KTKT (Bộ KH&CN), sung sướng. Nhưng thưa ông, có ý kiến cho rằng phần lớn các hợp đồng đã ký trước hoặc ký sẵn và người ta mang vào đây chi để góp phần làm cho không khí chợ thêm xôm tụ? "Là thành viên trong tiểu ban nội dung của chợ, tôi cam đoan không hề có hợp đồng nào ký 2 lần- TS Giục quả quyết- Đúng là nhiều đơn vị muốn để dành vào chợ mới ký và rất dễ hiểu là họ muốn nhân cuộc này để quảng bá thương hiệu, quảng bá công nghệ của mình. Xin nói luôn đấy cũng  là mục đích chính của chợ, tạo cơ hội cho các bên tìm hiểu và quen biết lẫn nhau. Vì thế, chúng tôi không lấy một xu phí nào cho các đơn vị xin ký hợp đồng, không lấy phí thuê gian hàng". "Nhưng hàng trăm hợp đồng ký ở đây, không rõ bao nhiêu phần trăm là đích thực nội?". "Trừ một số hợp đồng đóng mới tàu trị giá hàng chục tỷ và hàng trăm tỷ đồng, tỷ lệ nội địa hoá là 30-40%, tất cả các hợp đồng chuyển giao công nghệ khác đều trăm phần trăm cây nhà lá vườn của các đơn vị trong nước cả".


Anh Nguyễn Thiện Thành ở Bộ KH&CN và cũng là thành viên ban tổ chức cho biết không phải ban tổ chức mà là các doanh nghiệp, viện, cơ quan quản lý, suốt mấy ngày "phiên" đến đăng ký xin ký hợp đồng chuyển giao ngay tại... chợ. Thậm chí qua tiếp xúc tại "trận tiền", xuất hiện nhiều nhu cầu chuyển giao mới. Một chuyện cảm động thế này. Số là Viện Khoa học Thuỷ lợi trưng bày một sản phẩm bơm hút sâu chủ yếu phục vụ cho dân vùng sâu vùng xa hút nước từ các con sông con suối có mức nước lên xuống và tốc độ dòng chảy thất thường. Một khách hàng là cơ quan quản lý ở tỉnh miền Trung đến xem và ra bài toán luôn tại gian hàng: "Ông có thể hút nước ở xa 200m được không". "Về nguyên tắc, chúng tôi có thể hút xa tới 240m"- Vị bên thuỷ lợi tự tin. "Ông có chắc không?". "Tôi đảm bảo". "Thôi được, tôi sẽ mời ông vào Quảng Bình demo (làm thử) cho tôi một cái. Còn bây giờ, tôi ký luôn với ông một biên bản ghi nhớ". Họ kéo nhau đến bàn đăng ký trước sảnh chợ xin ký. Quảng Bình thề nếu sản phẩm demo tốt sẽ đặt hàng hàng nghìn máy bơm. Hơn 40.000ha đất cát trong nớ có tiềm năng nuôi tôm trên cát mà đến chừ mới khai thác được 400ha. Lý do chính của sự chậm chễ ấy chính là nước, là không có bơm hút xa 200m. Bên thuỷ lợi ngã ngửa người rồi vỗ đùi đen đét bảo thị trường ấy lớn nhường ấy mà bao lâu nay không biết.

"9000 tiếp xúc tìm hiểu công nghệ tại chợ mà ban tổ chức ghi nhận được, chỉ cần 1% số đó đi đến cam kết cũng đã là thắng lợi không thể phủ nhận của chợ"- Nữ sinh ngoại thương tên Tươi quê Ninh Bình nói. Cho đến cuối giờ sáng của ngày cuối, ban tổ chức định "bế mạc" bàn ký hợp đồng thì lại thấy mấy đơn vị ào đến xin ký vào buổi chiều. Nhìn danh sách ký "rốn" ấy, tôi thấy một hợp đồng công nghệ khiêm tốn 110 triệu đồng giữa Cty TNHH Sản xuất&Thương mại Hồng Ký với bên mua là Cty Cổ phần Đại Châu toạ ngay Hà Nội.

Một trong những điều mà ban tổ chức chợ lưu ý các nhà báo nhiều nhất là chớ thuận tay điền thêm từ "hội" vào trước từ "chợ". Chúng tôi coi đây thực sự là chợ, là nơi diễn ra sự mua và sự bán, càng nhộn nhịp càng tốt, TS Giục nói giục giã. Bất chấp hàng loạt điều tiếng về các kiểu hội chợ, hàng đống hoài nghi về hiệu quả công nghệ và chuyển giao công nghệ nội, các nhà quản lý ở Bộ KH&CN, nơi "phát tích" ý tưởng chợ và cũng là nơi lần đầu "chơi tay trái" thân chinh mở chợ và điều hành chợ, quả đã để lại ấn tượng không xoàng. Nhưng lại mắc mớ ở chuyện tưởng là vặt này: Thưởng. Quý nhất của chợ là đánh thức ý thức thị trường của các nhà công nghệ lâu nay quen ngủ yên trong cái kén bao cấp. Thế mà nói đến tiền thưởng cho các sản phẩm công nghệ được ưa chuộng nhất, một quan chức Bộ KH&CN lại dùng lời của kẻ sỹ  20-30 năm trước: "Đừng nghĩ là các nhà khoa học cần tiền đâu nhá. Đối với họ, danh dự nhiều khi cao hơn tất cả". Nhà quản lý còn viện chuyện thiếu tiền nên chỉ có thể cấp 1 triệu đồng cho một giải thưởng trong tổng số 140 giải.

"Không có ý đặt vấn đề tiền thưởng phải cao- Một doanh nghiệp tham gia chợ nói- Cái tôi muốn đề cập chính là quan niệm về đồng tiền của các nhà quản lý khi nghĩ về người làm khoa học, công nghệ". Không biết có phải vì thế mà 150 tỷ đồng bỏ ra cho việc cải tiến giống lúa và tìm đầu ra cho cây lúa không mấy rơi vào đúng chỗ cần rơi? Có phải vì thế mà như lời GS.TS Phạm Văn Biên ở Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam tại cuộc giao lưu "KHCN với sự nghiệp CNH-HĐH Nông nghiệp & Nông thôn - Các Giải pháp Thúc đẩy Chuyển giao Công nghệ" bên lề chợ chiều 15/10 rằng mấy chục tỷ mỗi năm khuyến nông lẽ ra cần chi cho đích thị khuyến nông, chuyển giao công nghệ cho nhà nông, lại bị bẻ ghi không ít sang sản xuất?

Đành rằng ban tổ chức làm mọi cách để cố tránh tai tiếng trong việc trao giải thưởng như giảm bớt số lượng và loại hình giải thưởng. Song với thời gian chuẩn bị quá ngắn (chưa đầy 1 tháng kể từ khi có quyết định của Bộ trưởng KH&CN về việc ban hành quy chế xét thưởng tại chợ), ba rem đưa ra lại quá ngặt nghèo, 6 hội đồng chấm giải thành lập với việc tìm cho ra mỗi hội đồng 7 thành viên bảo là đủ để đại diện xuất sắc, v.v..., liệu kết quả chấm giải có đảm bảo? Giải không nặng về giá trị tiền thưởng song, thiết nghĩ, là cái gì còn lại sau cuộc chợ, là cái mà người đoạt giải có thể lấy đó để quảng bá cho thương hiệu, cho công nghệ của mình. Sự không mấy tập chú cho giải cho thấy nhà quản lý lại hơi bị kéo về tư duy "danh dự là chính", lại không mấy quan tâm đến chuyện các công nghệ, thiết bị đưa đến chợ sẽ đi về đầu, phát huy thế nào sau khi tan chợ. Đúng là mừng vui vừa đến lo toan lại chợt đầy.

Theo NetNam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mừng vui vừa đến, lo toan lại đầy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.