Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nếu có một Nobel cho Sars...

TUANANH| 18/10/2003 14:10

Ông đi vào lịch sử y học với vai trò là người báo trước cho thế giới về căn bệnh giống như bệnh viêm phổi, đã tràn qua qua đại dương, lục địa, vượt qua mọi biên giới, để lại dấu vết là cái chết và thương vong. Carlo Urbani, chuyên gia hàng đầu về bệnh lây nhiễm của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, đã dẫn dắt nước này trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đi tới thành công trong cuộc chiến chống lại căn bệnh SARS, nhưng bản thân lại phải nhận một bi kịch.

C. Urbani

Ông đi vào lịch sử y học với vai trò là người báo trước cho thế giới về căn bệnh giống như bệnh viêm phổi, đã tràn qua qua đại dương, lục địa, vượt qua mọi biên giới, để lại dấu vết là cái chết và thương vong. Carlo Urbani, chuyên gia hàng đầu về bệnh lây nhiễm của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, đã dẫn dắt nước này trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đi tới thành công trong cuộc chiến chống lại căn bệnh SARS, nhưng bản thân lại phải nhận một bi kịch.

Vị bác sĩ người Italia, 46 tuổi, đã chết vào ngày 29/3 tại bệnh viện ở Băngcốc sau khi bị nhiễm virút viêm phổi cấp 18 ngày. Nhưng cái chết của ông không vô nghĩa. Chỉ một tháng sau, vào ngày 28/4, bộ y tế Việt Nam tuyên bố đã kiểm soát được nguy cơ bùng phát của bệnh SARS.

Pascale Brudon, đại diện WHO ở Việt Nam khẳng định việc nhìn thấy trước và khả năng chuẩn đoán bệnh tuyệt vời của Urbani là điều cốt yếu để giúp Việt Nam vốn nằm trong danh sách những quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao này thành công trong việc ngăn chặn SARS. "Bác sĩ Urbani đã cứu rất nhiều người Việt Nam cũng như nhiều người trên thế giới".

Vai trò quan trọng của ông cũng đã được chính phủ Việt Nam thừa nhận. Vào 9/5, tại buổi lễ ở Hà Nội, Bộ trưởng y tế Trần Thị Trung Chiến đã trao tặng Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước Việt Nam và Huy chương vì Sức khỏe Cộng đồng cho Urbani.

Nhưng bên cạnh đó, cả thế giới cũng thừa nhận vai trò của Việt Nam trong cuộc chiến chống SARS. Quan chức y tế hàng đầu của Mỹ, bác sĩ Julie Gerberding, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và ngăn chặn bệnh truyền nhiễm, trong chuyến viếng thăm Việt Nam đã ca ngợi: "Những công việc mà chính phủ Việt Nam đã làm được trong cuộc chiến chống SARS rất ấn tượng, đây là tấm gương cho cả thế giơí." "Những nước khác có thể tự rút ra nhiều bài học để chuẩn bị cho nguy cơ bùng phát căn bệnh này trong tương lai." Bà Gerberding cũng công nhận công lao của các y bác sĩ bệnh viện Việt- Pháp trong kiểm soát lây lan và cách ly tốt, kết hợp với việc nhanh chóng lập báo cáo về những ca bệnh mới ở những tỉnh ngoài Hà Nội. Nhưng bà cũng cảnh báo Việt Nam và nhiều nước khác vẫn phải cảnh giác nguy cơ SARS quay trở lại: "Chúng ta không biết liệu SARS có quay trở lại và thời điểm SARS trở lại. Nhưng chắc chắn rằng Việt Nam sẽ không lúng túng khi gặp lại loại virút này và Việt Nam sẽ chuẩn bị tốt”.

Vào ngày 28/2, bệnh viện Việt- Pháp ở Hà Nội thông báo tới WHO tin một doanh nhân người Mỹ gốc Hoa, đến từ Hồng Công, bị mắc căn bệnh viêm phổi không điển hình đáng ngờ. Đây chính là ca bệnh SARS đầu tiên được phát hiện. Sau khi kiểm tra triệu chứng của người bệnh trong suốt những ngày đến thăm Việt Nam và một loạt những ca lây nhiễm của những người tiếp xúc gần với doanh nhân này, Urbani nhận thấy có điều gì đó khác thường. Ông đã hướng dẫn cho các nhân viên trong bệnh viện các biện pháp bảo vệ, bao gồm cách ly bệnh nhân, khẩu trang đặc biệt, áo bảo vệ 2 lớp...

Brudon, người thay mặt Carlo nhận huân chương của nhà nước Việt Nam, kể lại: "Carlo đã nhìn thấy khả năng bùng nổ của căn bệnh này và vào 5/3 ông đã đề nghị bệnh viện báo tin cho Chính phủ" Brudon nói tiếp: "Buổi chiều ngày hôm sau, chúng tôi gửi đề nghị được giúp đỡ về kỹ thuật đến trụ sở WHO". 2 ngày sau, Urbani giải thích cho các nhân viên y tế Việt Nam vì sao cần thiết phải cách ly bệnh nhân, mặc dù có thể gây nên hoảng sợ trong cộng đồng và ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trên thế giới. Ông cũng yêu cầu chính phủ cho phép một đội chuyên gia kiểm soát bệnh quốc tế của WHO bay đến Việt Nam.

Ngày 8/4, trong lễ tưởng niệm Urbani Tổng thư kí Liên hợp quốc Kofi Annan nói với sự kính trọng: "Nếu không nhờ sự phát hiện kịp thời và cảnh giác cao của Urbani, nhiều người đã có thể trở thành nạn nhân của virút SARS. Đau buồn nhất chính là ông đã hy sinh vì SARS trong khi tìm cách bảo vệ những người khác khỏi căn bệnh này." Trong lễ trao huân chương ngày 9/5, Đại sứ Italia ở Việt Nam, Luigi Solari, cũng tỏ lòng kính trọng tới Urbani, người đã ra đi để lại vợ với 2 con trai và 1 con gái. "Thời gian có thể trôi đi, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ quên ông, người đã dũng cảm lao vào chiến tuyến để cứu cả thế giới mà không sợ hy sinh tính mạng mình”.

Solari cũng nhắc lại lời của Urbani nói với ông qua điện thoại khi nằm trên giường bệnh ở thủ đô Thái Lan: "Tôi thấy mình như một người đầu tiên được thử nghiệm. Các bác sĩ đang điều trị cho tôi đủ mọi phương cách và các loại thuốc mới. Tôi không biết mình có qua khỏi không, nhưng tôi thanh thản vì tôi tin SARS sẽ được chế ngự”.

Chủ tịch Tổ chức Thầy thuốc Không biên giới người Italia Alisttair Cooke, người từng thay mặt tổ chức này nhân giải Nobel hoà bình năm 1999 ở thủ ô Nauy Oslo cũng đã bầy tỏ tình cảm biết ơn sâu sắc tới cống hiến lớn lao của Urbani. Ông nói: "Tôi không biết liệu việnNobel có luật không trao giải cho người đã chết. Nếu có, thì điều tốt nhất là nên hủy bỏ luật ấy với riêng trường hợp của Carlo. Giải Nobel về y học lần tới chắc chắn phải được dành cho bác sĩ Carlo Urbani”.

Trên toàn thế giới bệnh viêm đường hô hấp cấp đã khiến hơn 800 người chết và ít nhất 8400 người mắc bệnh. Nhờ sự sáng suốt của Urbani và những giải pháp nhanh chóng của chính phủ Việt Nam, mà mặc dù nằm trong danh sách các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao nhất thế giới, nước này có 63 người mắc bệnh và chỉ có 5 ca tử vong.

Bình Quốc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nếu có một Nobel cho Sars...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.