Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ nhân Thăng Long - Hà Nội

THUHANG| 21/10/2003 08:20

Hà Nội đang tiếp tục tôn vinh và có chính sách ưu đãi những nghệ nhân của các làng nghề truyền thống. Bởi lẽ họ được coi là vốn quí, tài sản vô giá của đất kinh kỳ ngàn năm văn vật. Tên tuổi của họ gắn liền với nghề, với làng nghề tồn tại từ đời này qua đời khác. Tạo dựng được tiếng tăm cho nghề, cho làng nghề không thể không nói đến vai trò của các nghệ nhân.

Hà Nội đang tiếp tục tôn vinh và có chính sách ưu đãi những nghệ nhân của các làng nghề truyền thống. Bởi lẽ họ được coi là vốn quí, tài sản vô giá của đất kinh kỳ ngàn năm văn vật. Tên tuổi của họ gắn liền với nghề, với làng nghề tồn tại từ đời này qua đời khác. Tạo dựng được tiếng tăm cho nghề, cho làng nghề không thể không nói đến vai trò của các nghệ nhân.

Với đôi tay tài hoa, với bộ óc tinh tế, lại biết kế thừa những bí quyết nghề nghiệp của nhiều đời, họ đã sáng tạo ra những vật phẩm độc đáo tuyệt vời. Những người thợ, những nghệ nhân không chỉ sáng tạo và để lại cho đời những sản phẩm văn hóa thủ công phong phú, đa dạng mà họ còn là người thày truyền dạy, đào tạo lớp trẻ kế thừa và phát huy nghề tổ một cách hữu hiệu nhất.

Xưa kia, do đời sống xã hội thấp kém, cái ăn, cái mặc, cái ở... còn đơn giản, tùy tiện nên tuổi thọ con người không cao. Khảo sát những hương ước tục lệ ở các làng quê xưa thì hầu hết quy định đàn ông 50 tuổi là được lên lão, được xếp vào hàng các cụ. ở độ tuổi này người ta có thể yên tâm nghỉ ngơi, không còn lo bươn trải, lao động cật lực để kiếm sống như thời trai trẻ nữa. Song đó chỉ là nét chung, riêng đối với nghề thủ công, với nghệ nhân thì thực tế lại khác hẳn. Càng già họ càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, càng sáng tạo được nhiều vật phẩm quý giá mang bản sắc riêng của nghề mình, làng mình, đóng góp cho đời.

Đến Bát Tràng hôm nay, ta sẽ có dịp gặp một người thợ, một người thầy là nghệ nhân Lê Văn Cam. Nói đến nghề gốm có lẽ không mấy người không biết tiếng ông. Đi học nghề từ năm 13 tuổi, cuộc đời cũng trải bao phen chìm nổi, long đong nhưng ông vẫn thiết tha với nghề tổ. Bảy năm trời ròng rã, ông mày mò, làm thử, rồi bỏ, rồi lại thử cho đến khi tìm ra chất men rạn giống như thứ men rạn ngày xưa. Là nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Bàn tay vàng”, ông thực sự tự hào về nghề gốm của quê hương. Thôn Bát Tràng có 4 nghệ nhân thì 3 người đã ra đi không để lại một sản phẩm nào. Nghệ nhân Lê Văn Cam tuy tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng vẫn miệt mài tâm niệm làm được những sản phẩm tinh xảo tới mức có thể lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử hoặc Bảo tàng Cách mạng.

Mặc dù đến hôm nay nhiều cụ đã ra người thiên cổ, nhưng chắc chắn hẳn nhiều người Hà Nội vẫn biết nghệ nhân Nguyễn Văn Quẹn người làng đúc đồng Ngũ Xã. Hơn 70 năm làm nghề, cụ không nhớ hết những bằng khen, những huy chương, huân chương mình được tặng. Từ nhỏ cụ đã được tham gia đúc pho tượng A Di Đà khổng lồ tại chùa Thần Quang (Ngũ Xã). Pho tượng Bác Hồ đầu tiên (nặng 78kg) cũng do bàn tay tài hoa của cụ đúc nên. Đặc biệt, cụ đã phục chế thành công trống đồng Ngọc Lũ nặng 100kg để Chủ tịch Lê Đức Anh mang tặng Liên hiệp quốc. “Sinh ư nghệ, tử ư nghệ”, cả cuộc đời cụ tìm tòi, chắt chiu từng chút kinh nghiệm của người đi trước, làm việc hếtmình tạo ra những sản phẩm để đời. Sinh thời, cụ Quẹn chỉ ước mong ngọn lửa của lò đúc sẽ trở thành máu, lưu truyền qua các thế hệ của người làng đồng Ngũ Xã.

Hà Nội còn nhiều gương mặt nghệ nhân tiêu biểu đượcngưỡng mộ. Đó là nghệ nhân điêu khắc gỗ Đào Văn Bồi ở làng nghề Thiết ứng, Vân Hà, Đông Anh. Hơn 60 năm lăn lộn với nghề, ông đã làm rạng danh quê hương mình bằng tấm chân dung Lê-nin được Thông tấn xã Liên Xô (cũ) tặng giải nhì. Năm 1970, trong cuộc thi chạm khắc chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông được tặng giải nhất. Đặc biệt, ông đã có công dạy được 300 cháu thành nghề. Đây chính là lực lượng hùng hậu giữ gìn và phát huy nghề tổ, khiến cho làng nghề ngày càng thịnh vượng, đời sống người thợ ngày càng một nâng cao. Và còn biết bao người nữa như cụ bàNguyễn Thị Đằng, người duy nhất hiện nay biết làm “chân chỉ hạt bột” ở làng Triều Khúc, cụ Nguyễn Thị Mão người làm quỳ vàng quỳ bạc lâu năm nhất ở làng Kiêu Kỵ, rồi nghệ nhân làm hoa giả Mai Hạnh, những đóa hoa, những chiếc lá chị làm ra đã làm mê hồn những người được chiêm ngưỡng...

Có thể nói những đóng góp của nghệ nhân đối với nghề là vô cùng to lớn. Các nghệ nhân nói chung và các cụ nghệ nhân nói riêng chính là kho báu, là vốn quý của quốc gia. Song hiện nay, phần lớn các nghệ nhân tuổi đã cao. Nên chăng Nhà nước, đặc biệt là thành phố Hà Nội cần có những chính sách, những biện pháp thiết thực để bảo trợ hoặc nuôi dưỡng các cụ khi sức đã yếu, đồng thời cũng tạo điều kiện để các cụ có thể truyền lại tinh túy nghề nghiệp cho thế hệ mai sau. Có lẽ đây cũng là một trong nhiều biện pháp để giữ gìn và phát huy nghề thủ công truyền thống của cha ông.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ nhân Thăng Long - Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.