Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy định mới về chi trả tiền trợ cấp thôi việc

TRONGQUANG| 22/10/2003 17:35

Bộ LĐ-TB-XH vừa ban hành Thông tư số 21 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP về hợp đồng lao động. Văn bản quy định hình thức nội dung; giao kết thay đổi nội dung; chấm dứt hợp đồng lao động, trợ cấp thôi việc và bồi thường chi phí đào tạo trường hợp người lao động được hưởng kinh phí đào tạo từ phía sử dụng lao động nhưng tự ý bỏ việc.

Bộ LĐ-TB-XH vừa ban hành Thông tư số 21 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP về hợp đồng lao động. Văn bản quy định hình thức nội dung; giao kết thay đổi nội dung; chấm dứt hợp đồng lao động, trợ cấp thôi việc và bồi thường chi phí đào tạo trường hợp người lao động được hưởng kinh phí đào tạo từ phía sử dụng lao động nhưng tự ý bỏ việc.

Cách tính và chi trả tiền trợ cấp thôi việc được tính như sau: Tiền trợ cấp thôi việc = tổng thời gian làm việc tại doanh nghiệp x tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc x 1,2.

Tổng thời gian làm việc tại doanh nghiệp là số năm người lao động làm việc tại doanh nghiệp. Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của sáu (06) tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động bao gồm tiền lương cấp bậc, chức vụ và phụ cấp khu vực. Trường hợp người lao động thực hiện nhiều hợp đồng lao động tại một doanh nghiệp mà trước khi kết thúc từng hợp đồng chưa được thanh toán trợ cấp thôi việc, thì doanh nghiệp cộng thời gian làm việc theo các hợp đồng lao động và lấy tiền lương bình quân sáu (06) tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng để tính trợ cấp thôi việc cho người lao động. Trường hợp trong các hợp đồng lao động có một hợp đồng người lao động đơn phương chấm dứt trái pháp luật, thì thời gian này người lao động không được trợ cấp thôi việc, còn các hợp đồng khác vẫn được hưởng trợ cấp thôi việc.

Thí dụ: NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động tại công ty T. sau khi đã thực hiện 3 hợp đồng lao động: Hợp đồng thứ nhất 14 tháng với tiền lương bình quân sáu (06) tháng cuối của hợp đồng là 500.000 đồng/tháng, hợp đồng thứ hai 18 tháng với tiền lương bình quân 6 tháng cuối của hợp đồng là 600.000 đồng/tháng; hợp đồng thứ ba 24 tháng với tiền lương bình quân 6 tháng cuối của hợp đồng là 800.000 đồng/tháng.

Trợ cấp thôi việc của NLĐ được tín như sau: Tổng thời gian làm việc là 14 tháng + 18 tháng + 24 tháng = 56 tháng (làm tròn 5 năm). Trợ cấp thôi việc là 800.000 x 5 x 1/2 = 2.000.000 đồng.

Trong trường hợp NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động thứ ba trái pháp luật, thì hợp đồng thứ ba NLĐ không được trợ cấp thôi việc. Công ty T. chỉ cộng thời gian làm việc theo hợp đồng thứ nhất và hợp đồng thứ hai để tính trợ cấp thôi việc: Tổng thời gian làm việc là 14 tháng + 18 tháng = 32 tháng (làm tròn bằng 3 năm). Như vậy, trợ cấp thôi việc được tính: 600.000 x 3 x 1/2 = 900.000 đồng. Theo quy định, công ty T. thanh toán cho NLĐ số tiền trợ cấp thôi việc sau 7 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động thứ ba.

Trường hợp người lao động làm việc cho doanh nghiệp nhà nước nhưng có cả thời gian làm việc theo chế độ biên chế và có cả thời gian làm việc theo hợp đồng lao động thì cộng cả hai thời gian đó để tính trợ cấp thôi việc. Trường hợp người lao động làm việc ở nhiều doanh nghiệp nhà nước do chuyển công tác trước 1-1-1995, thì tính trợ cấp thôi việc cho người lao động ở từng doanh nghiệp. Tiền lương của người lao động trước ngày 1-4-1993 được quy đổi theo nghị định số 25 CP, 26 CP.

Thí dụ: NLĐ là công nhân xây dựng cơ bản có quá trình làm việc tại ba đơn vị thuộc doanh nghiệp nhà nước. Tại công ty Y theo biên chế từ tháng 10-1988 đến tháng 12-1990 (22 tháng quy tròn bằng 2 năm) với tiền lương bình quân 6 tháng cuối quy đổi theo Nghị đinh số 26/CP là 142.000 đồng/tháng (hệ số 1,55); tại công ty Z theo biên chế từ tháng 1-1991 đến tháng 5-1994 (41 tháng quy tròn bằng 3,5 năm) với tiền lương bình quân 6 tháng cuối là 186.000 đồng/tháng (hệ số 1,55); tại công ty X theo hợp đồng lao động từ tháng 6-1994 đến 31-5-2003 chấm dứt hợp đồng lao động (108 tháng quy tròn bằng 9 năm) với tiền lương bình quân 6 tháng cuối là 823.600 đồng/tháng (hệ số 2,84).

Như vậy, tiền trợ cấp thôi việc của NLĐ được tính: Tại công ty Y là 142.000 đồng x 2 x 1/2 = 142.000 đồng; tại công ty Z là 186.000 x 3,5 x 1/2 = 325.000 đồng; tại công ty X là 823.600 x 9 x 1/2 = 3.706.200 đồng. Tổng cộng NLĐ được hưởng trợ cấp là 4.173.700 đồng.

Trong trường hợp này, nếu công ty Y và công ty Z đã chấm dứt hoạt động, thì công ty X sẽ được ngân sách nhà nước hoàn trả theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Các trường hợp sau khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, chuyển đổi quyền sở hữu, quyền quản lý hoặc quyền sử dụng tài sản doanh nghiệp mà người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, thì người sử dụng lao động kế tiếp phải có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động, kể cả thời gian làm việc cho người sử dụng lao động liền kề trước đó.

Về bồi thường chi phí đào tạo, việc người lao động được đào tạo ở trong nước hoặc ngoài nước từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do phía nước ngoài tài trợ cho người sử dụng lao động, thì sau khi học xong phải làm việc cho người sử dụng lao động một thời gian do hai bên thỏa thuận. Trường hợp người lao động tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi chưa học xong, hoặc học xong không làm việc cho người sử dụng lao động đủ thời gian như đã thỏa thuận, thì phải bồi thường mức chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi phí cho người dạy, tài liệu học tập, trường lớp, máy móc thiết bị, vật liệu thực hành và các chi phí khác hỗ trợ cho người học do người sử dụng lao động tính có sự thỏa thuận của người lao động. Những thỏa thuận phải bằng văn bản và phải có chữ ký của người sử dụng lao động và người lao động.

* Thông tư số 21 quy định ở điều khoản thi hành: Định kỳ 6 tháng và hằng năm, các đơn vị có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động phải báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Ban Quản lý Khu công nghiệp địa phương nơi có trụ sở chính của đơn vị về tình hình ký kết, sử dụng, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu công nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giúp UBND tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

Theo Vietnam Economy

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy định mới về chi trả tiền trợ cấp thôi việc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.