Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lễ hội tôn vinh bản sắc văn hoá Khmer với cộng đồng Việt Nam và nhân dân thủ đô

ANHTHU| 25/10/2003 15:49

Từ ngày 27-30/10/2003 tại Trung tâm triển lãm VHNT Việt Nam sẽ diễn ra “Những ngày văn hoá Khmer Nam Bộ tại Hà Nội”. Đây là một hoạt động văn hoá nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết trung ương V (khoá VIII) của Đảng về “ Xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và chỉ thị của Ban bí thư trung ương Đảng về công tác đối với đồng bào dân tộc Khmer. Phóng viên của HNM Điện tử đã phỏng vấn nhanh ông Nguyễn Trung Nhật (NTN), giám đốc Trung tâm triển lãm VHNT Việt Nam.

PV: Với mục đích tăng cường đoàn kết giao lưu học tập, giới thiệu và tôn vinh bản sắc văn hoá, thể hiện thành tựu kinh tế gắn với phát triển xã hội, an ninh quốc phòng của đồng bào Khmer Nam Bộ trong cộng đồng Việt Nam và bạn bè quốc tế, chương trình sẽ gồm nội dung gì?

Ông NTN: “Những ngày văn hoá Khmer Nam Bộ tại Hà Nội” sẽ bao gồm các hoạt động triển lãm, giao lưu văn hoá nghệ thuật cộng đồng, hội thảo toạ đàm, giao lưu gặp gỡ. Khu triển lãm có diện tích 1.500m2 được trưng bày theo hai nội dung: triển lãm “đặc trưng văn hoá Khmer Nam Bộ” nhằm giới thiệu khái quát về địa lý, con người nền văn hoá nghệ thuật độc đáo và những thành tựu, còn triển lãm “9 tỉnh Tây Nam Bộ”sẽ là nơi tiếp khách, trao đổi giao dịch quảng bá về kinh tế văn hoá, giới thiệu sản phẩm, đặc sản. Tại tầng I, nhà M1 là khu vực dành cho các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, tầng I, nhà M2 sẽ dành cho tỉnh An Giang, Tây Ninh, Kiên Giang, Vĩnh Long, Cà Mau.

PV: Được biết, dân tộc Khmer có trên 1,3 triệu người là cư dân dân tộc sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long, lễ tết, các ngày hội mang tính cộng đồng cao và đậm nét văn hoá vùng sông rạch- ven biển. Vậy chúng ta có tổ chức giới các hoạt động văn hoá cộng đồng không thưa ông? Nếu có, hình thức tổ chức sẽ như thế nào để phù hợp với không gian của Hà Nội?

Ông NTN: Sẽ diễn ra rất nhiều các hoạt động văn hoá cộng đồng. Để phù hợp với không gian, diện tích của khu triển lãm, chúng tôi đã lựa chọn những hoạt động tiêu biểu đặc trưng và có khả năng tái hiện như lễ đua ghe ngo trên cạn, kéo co đẩy gậy, lễ hội Ok Om Bok của đoàn Kiên Giang, lễ hội chúc thọ ông bà của đoàn Trà Vinh, liên hoan văn hoá ẩm thực của 9 tỉnh Tây Nam Bộ vào sáng ngày 28/10.Chiều cùng ngày, sẽ diễn ra ca múa nhạc, trình diễn trangphục dân tộc của 5 đoàn. Sáng ngày 29/10 là lễ hội cầu an của đoàn Bạc Liêu, lễ Tết Chol Chnam Thmay của Sóc Trăng...Ngày 30/10 sau khi tổng kết trao giải thưởng cho các trò chơi và trình diễn trang phục, sẽ tổ chức đêm hội Rom vông, thả đèn trời và đốt cây bông.

PV: Ban tổ chức có lo ngại tình trạng “có lễ hội nhưng không có khán giả” như nhiều triễn lãm trước đây không?

Ông NTN: Chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động này từ nhiều ngày nay và mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí cộng tác cùng nhằm thu hút nhân dân thủ đô bạn bè quốc tế, khách du lịch đến cổ vũ, động viên những nghệ sỹ, nghệ nhân diễn viên của 9 tỉnh đã không quản ngại xa xôi đến thăm và biểu diễn tại Thủ đô.

Hoàng Anh

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội tôn vinh bản sắc văn hoá Khmer với cộng đồng Việt Nam và nhân dân thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.