Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sống trên bãi nổi sông Hồng

THUHANG| 27/10/2003 11:28

Ở đâu có đất, ở đó có cuộc sống. Nhưng cuộc sống ở đây lại diễn ra trên một dải đất nổi giữa sông Hồng, theo mùa con nước. Dải đất được gọi là

Bãi nổi sông Hồng 
Ảnh: Phương Thảo

Ở đâu có đất, ở đó có cuộc sống. Nhưng cuộc sống ở đây lại diễn ra trên một dải đất nổi giữa sông Hồng, theo mùa con nước. Dải đất được gọi là "bãi nổi" ấy đã nuôi sống, chở che cho hàng trăm con người từ tứ xứ về đây lập nghiệp.

Yêu đất, "nghiện '' chất phù sa đã cho con người hoa trái để thoát cảnh đói nghèo..., những người dân làng nổi đã gắn bó với dải đất này. Quanh năm suốt tháng, chỉ trừ mùa nước nổi, họ đều sống ở đây cùng những luống rau trái, hoa màu. Kể cả ngày Tết, họ cũng chỉ tận hưởng niềm vui bên cạnh ''cơ nghiệp" đơn sơ của mình...

Tản bộ trên cây cầu Long Biên cũ kỹ trong một ngày chiều, chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh của họ, những con người ''nghiện đất phù sa''. Đứng ở bờ bên này nhìn ra, giữa một vùng mênh mang sóng nước, làng nổi hiện lên một màu xanh ngắt, chạy dài hàng chục cây số. Cánh đồng ngút ngàn của những nương ngô, bãi đậu xen lẫn những luống nhỏ cà chua, thuốc nam, bạc hà..., xen lẫn cả những dáng người đang cặm cụi hái tỉa, xen lẫn những túp lều dựng tạm, lụp xụp, tưởng như chỉ cần một cơn gió mạnh là có thể tung hê tất cả. Bất giác, tôi chợt nghĩ, những con người này là ai?Họ từ đâu tới? Ngược phía chân cầu, xuôi mé nước, tôi bước vào làng vạn đò ven sông. Đò dời bến đưa chúng tôi sang bãi nổi, để lại sau lưng sự ồn ào, náo nhiệt của thành phố. Mấy ai biết rằng, đằng sau vẻ tráng lệ, ồn ã và náo nhiệt đó còn có một cuộc sống hoàn toàn khác, một cuộc sống mà con người chỉ cầu mong sự thanh bình, ôn hoà của trời đất. Họ dường như lách hẳn với những nhịp cầu sôi động để sống cuộc sống lặng lẽ của mình trên một dải đất như hoang sơ, như buồn tẻ . Nhịp đập của làng nổi sông Hồng được nối với thành phố tráng lệ bằng chính con đò mà chúng tôi đang ngồi.

Đò cập bến, bãi nổi hiện ra giữa bạt ngàn màu xanh cây trái, những rặng chuối xác xơ vì gió, những luống rau bí xanh trải mơn man. Ẩn hiện trong đó là những túp lều, mái nhà tranh ọp ẹp. Sự sống hiện lên chính từ sau những mái nhà tạm bợ, khói củi đun bốc lên nghi ngút sau mấy nếp nhà. Chúng tôi đi về phía đó, đất phù sa cứ lún xuống sau mỗi bước chân. Anh bạn đi cùng nói vui: ''Đất thế này, đi còn khó, sao người ta lại sống được nhỉ?!''. Dứt lời, trước mắt chúng tôi xuất hiện một cậu thanh niên, tuổi có lẽ còn trẻ song sự khắc khổ không thể che giấu trên khuôn mặt. Gió kèm theo hơi nước từ phía lòng sông khiến chúng tôi có cảm giác gờn gợn, lạnh như đang ở vào đầu mùa đông, vậy mà anh bạn ''bãi nổi'' lại chỉ vận độc chiếc quần bảo hộ đã thủng lỗ chỗ. Sống giữa lòng thành phố nhưng sự giao lưu cộng đồng trên bãi nổi dường như bị khép kín, bởi chẳng mấy ai bỏ công đi đò qua sông, lặn lội hàng cây số chỉ để thấy cảnh sống của những người đây ngụ cư ở đây. Thấy chúng tôi, anh bạn vừa lạ, vừa có vẻ vui. Hình như lâu lắm rồi mới có người thành phố đến trò chuyện. Anh tên Thức, tuổi mới 25, nhưng nhìn qua ước chừng phải quá 30. Thức hăng hái tiếp chuyện chúng tôi: ''Quê mình ở tận Thái Bình, nghèo quá, cả gia đình 5 người đều khăn gói lên thành phố. Được giới thiệu nên tìm đến mảnh đất màu mỡ này để sinh sống. Chỉ có mùa lũ mới về quê thôi!''. Tôi hỏi: ''Thức nhập cư ở đây lâu chưa?''. ''Cũng được 4 mùa rước nổi''. '' Chỉ sống thế này thôi sao?''. "Vậy đã là quá tốt so với ở quê rồi. Chỉ mong ông trời đừng ''nổi sung'' làm hỏng đám hoa màu, thế là chúng tôi đã có một ''mùa sống'' tươm tất rồi!".

Thức kể, cách đây vài năm, khi mới tìm đến bãi sông này, dân ngụ cư sống tạm bằng lều, nhà tranh, nhà lá cọ đông hơn bây giờ. Mấy năm, có chút vốn, các gia đình rút dần lên cạn, nhường chỗ cho những ruộng ngô, luống hoa màu. Gia đình Thức là một trong số ít còn bám trụ tại đây. Quanh năm làm bạn với sông nước, ngày lễ, ngày Tết đôi khi còn bị lãng quên. Bởi, người dân ở đây chỉ sống duy nhất bằng đồng hồ sinh học, không có lấy một quyển lịch để xem ngày xem tháng, cũng chẳng có phương tiện gì để biết đến cuộc sống bên ngoài. Thức kể với chúng tôi bằng cái giọng buồn buồn: ''Bọn thanh niên tụi tôi buộc phải rời quê lên đây sống, kể như tuổi trẻ đã bị lãng quên. Sống ở đây, như thể ở một ''bản vùng cao'' giữa lòng thành phố vậy. Cái ăn, cái mặc khiến chúng tôi dường như phải quên đi nhiều thứ. Ở đây buồn ghê lắm, chỉ vào những ngày giáp Tết, thấy phường đò chài qua lại buôn bán tấp nập, nhiều khi cũng chỉ muốn rời bỏ tất cả để được về quê ăn cái Tết như nhiều gia đình khác. Nhưng nghĩ lại, về quê mấy ngày Tết, khi trở lên, thành quả của mình vun đắp nửa năm trời có thể sẽ không còn nguyên vẹn, lại thôi". ''Có chuyện vậy sao?''. "Có chứ, năm đầu tiên lên sống ở đây,Tết đến cả gia đình mình trở về quê. Chỉ đến mồng 5 âm lịch đã lục tục lên rồi, thế mà quá nửa ruộng ngô bị vặt trụi. Đám cà chua, rau bí bị phá tơi tả. Căn lều thì bị lục tung, xoong nồi mất sạch. Bố mẹ mình xót của nên quyết các Tết sau, cả nhà sẽ chỉ ở trên bãi đất buồn tẻ này thôi. Đã sắp tròn 3 cái Tết như thế...".

Nghèn ngẹn nơi cổ họng khi nghe câu chuyện của chàng thanh niên trẻ. Chúng tôi chỉ có thể an ủi Thức bằng ánh mắt và cái bắt tay thật chặt. Thức dẫn chúng tôi sang căn lều kế bên, nơi có chị Hoa là dì ruột của Thức đang sống. Thức nói: ''Cuộc sống của dì tôi còn buồn tẻ hơn nhiều...''. Người đàn bà mảnh dẻ, nước da hồng hồng như thể ánh sắc của đất phù sa ngước lên nhìn chúng tôi, chị tỏ vẻ ngạc nhiên. Rồi qua phút bỡ ngỡ ban đầu, chị kể: ''Tôi đã phải ở một mình trên bãi nổi này hơn 3 năm trời. Nhiều lúc nhớ nhà, tủi thân muốn khóc. Khi ấy, tôi chỉ thèm có được một

người thân bên cạnh để an ủi, để cận kề...''. Tôi hỏi: "Vậy còn chồng con của chị?". Chị Hoa mắt rơm rớm: '' Chồng và hai đứa con tôi, cũng đã phải cam chịu cảnh sống tăm tối nơi đây rồi. Tôi thường phải động viên họ về quê để đoàn tụ với ông bà nội. Còn mình, nghĩ phận đàn bà, cam chịu một chút cũng không sao''. Ngưng lại giây lát như để nén nỗi buồn, chị Hoa kể tiếp với chúng tôi, giọng nói đầy tâm trạng: "Quanh năm, ngoài mùa lũ thì chỉ có mỗi vài ngày Tết, nếu quyết tâm thì người dân bãi nổi mới có thể về nhà. Năm nào, trước khi về Tết, chồng tôi cũng lên chợ Đồng Xuân sắm cho tôi vài món đồ: gà, bánh chưng, hộp mứt... đầy đủ cả. Nhưng đón Tết một mình, tôi không có tâm trạng để ăn, dù đó là những món mà thường ngày dân bãi nổi có thèm cũng khó lòng mà có. Giao thừa năm ngoái, cúng xong, tôi mang con gà và cặp bánh chưng sang nhà chị, đón Tết cùng họ, nỗi buồn cũng có chút nguôi ngoai...".

Nghe chuyện, nhìn khuôn mặt âu sầu của chị Hoa, chúng tôi lặng lẽ quay đi, không ai muốn hỏi thêm gì để phải khơi sâu thêm nỗi buồn của người đàn bà khốn khổ ấy. Chị chỉ ra phía xa: "Ruộng ngô của nhà tôi đấy. Bên cạnh còn có mấy sào cà chua và đậu đỗ. Sắp thu hoạch được rồi''. '' Chừng ấy thu hoạch được khoảng bao nhiêu hả chị?'' ''Phải trên hai triệu bạc, ở quê chúng tôi biết kiếm đâu ra!". Chị Hoa như quên mất nỗi buồn khi nãy, xởi lởi: ''Dân bãi nổi tài sản chẳng có gì đáng kể, nhưng đất thì ít nơi nào ''giàu" bằng chúng tôi. Đất nhiều nhưng không thể tính chuyện làm ăn lớn vì bãi nổi còn phụ thuộc vào thiên nhiên. Chúng tôi chỉ có thể lấy công làm lãi vậy thôi..."

Sống nơi đây, người dân bãi nổi không chỉ phải chịu đựng những thách thức của thiên nhiên mà còn nhiều thách thức khác: thách thức của cuộc đời, của số phận. Có cách nào để xẻ chiavới họ không?

Sơn Nguyên
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sống trên bãi nổi sông Hồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.