Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lung linh sắc màu

THUHANG| 29/10/2003 08:10

Những ngày văn hóa Khơ-me Nam Bộ 2003” đã khai mạc tại Trung tâm Triển lãm VHNT VN - số 2 Hoa Lư - Vân Hồ. Màn ca múa nhạc tổng hợp của nghệ sĩ, diễn viên 9 tỉnh Nam Bộ là sự khởi đầu ấn tượng cho 3 ngày hội truyền thống độc đáo bậc nhất từ trước tới nay ở Thủ đô.

Tiết mục "Múa giã gạo" của
đồng bào Khme“Những ngày văn hóa Khơ-me Nam Bộ 2003” đã khai mạc tại Trung tâm Triển lãm VHNT VN - số 2 Hoa Lư - Vân Hồ. Màn ca múa nhạc tổng hợp của nghệ sĩ, diễn viên 9 tỉnh Nam Bộ là sự khởi đầu ấn tượng cho 3 ngày hội truyền thống độc đáo bậc nhất từ trước tới nay ở Thủ đô.

Chưa bao giờ đồng bào Khơ-me Nam Bộ có dịp cùng về thủ đô dự hội đông vui như những ngày này. Họ bắt đầu đi từ đồng bằng sông Cửu Long, nơi cách Hà Nội hơn 2000 km. Trong hành trình ra thủ đô báo công bảo tồn văn hóa truyền thống, người Khơ-me Nam Bộ mang theo sản phẩm thủ công, hiện vật bảo tàng, những kịch mục độc đáo và cả những món ngon miền sông nước Cửu Long.

Gần 500 nghệ nhân, nghệ sĩ có mặt tại Hà Nội trong những ngày này đại diện cho hơn 1,3 triệu đồng bào Khơ-me Nam Bộ. Trong khu triển lãm, người xem có thể chứng kiến dàn nhạc ngũ âm độc đáo không thể thiếu trong những đêm hội dân gian: Bộ đàn sắt Rô-net-đek,đàn gỗ Rô-net-thun, kèn Srô-lây, bộ trống Skô-som-phô và đôi chũm chọe Chhưng.Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là vòng cồng lớn Pét-kuông-thôm, gồm 14 cồng nhỏ tựa như thứ nhạc cụ phổ biến nhất của người Tây Nguyên. Đối với người Khơ-me thì dàn nhạc ngũ âm này cần tới 9 người chơi để có thể tạo ra dòng âm thanh đặc trưng Khơ-me Nam Bộ. Những bộ nhạc cụ, sản phẩm truyền thống đã được ngành VHTT Cần Thơ chuyển ra Hà Nội rất công phu. “Trong số này có nhiều hiện vật quý mượn từ Bảo tàng Cần Thơ. Chúng tôi mang ra bằng xe tải. Xuất phát ngày 15-10, mất ba ngày thì tới Hà Nội” - chị Nguyễn Thị Mỹ, Phó phòng nghiệp vụ Bảo tàng Cần Thơ kể.

Bằng cách nào đó, người Khơ-me Nam Bộ đã mang ra Hà Nội cả một chánh điện rộng hơn 4m,cao hơn 2m, và mô hình nghi thức làm phước để giới thiệu nét văn hóa chùa chiền độc đáo ở miền Tây Nam Bộ - nơi mà chỉ tính riêng một tỉnh Sóc Trăng đã có tới 90 chùa Khơ-me và mô hình chùa văn hóa đã trở thành nét son của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nhiều ngôi chùa Khơ-me đã được công nhận danh hiệu cơ sở tôn giáo văn minh. Tại tỉnh Trà Vinh, một số đã được ngành VHTT trùng tu, được bổ sung phòng đọc, tivi, tăng âm... để nhà chùa đảm nhận vai trò trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của phum, sóc. Những cố gắng của ngành VHTT và chính sách đầu tư xây dựng kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc của Chính phủ đã tạo điều kiện cho đồng bào Khơ-me Nam Bộ sống bình đẳng thật sự với các dân tộc anh em.

Sáng qua, 28-10, những màn lễ hội đầu tiên đã được tái hiện tại sân khấu ngoài trời trong sự chờ đợi của khán giả Hà Nội. Nhiều người lần đầu tiên trong đời được tận mắt chứng kiến nghi thức lễ cúng trăng của đồng bào Khơ-me anh em (do đoàn Kiên Giang thực hiện), một lễ hội dân gian mang tên Ok Om Bok thường được tổ chức vào ngày 15 âm lịch để tạ ơn thần Mặt Trăng cho mùa màng tươi tốt, sông ngòi nhiều cá tôm, người người no ấm, hạnh phúc. Một nghi lễ khác của đoàn Trà Vinh, cũng gây ấn tượng không kém, là lễ Chúc thọ ông bà. Nghi lễ này thường được tổ chức tại gia cho con cháu mừng ông bà vào tuổi 60 mạnh khỏe. Vào dịp này, lớp trẻ thường dâng vật dụng thiết yếu, những mong cảm tạ công sinh thành dưỡng dục.

Tại “Những ngày văn hóa Khơ-me Nam Bộ”, người xem còn có dịp tiếp cận với sân khấu truyền thống Khơ-me và hiểu tại sao nền sân khấu ấy chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nghệ thuật múa Khơ-me vốn có truyền thống lâu đời ở vùng Đông Nam á. Sẽ còn có múa trống Xà dăm, múa Gáo, Rôbăm, Dù kê, múa Rom vông, Rom khách và những bộ trang phục tầm vông, săm pốt, sarông. Sẽ còn lễ hội Chol Chnam Thmay lừng tiếng. Lễ cầu an mong mưa thuận gió hòa, còn miếng ngon Nam Bộ nhiều người chưa từng thưởng thức.

Khá nhiều con em miền Tây Nam Bộ đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội đã tìm tới khu triển lãm Vân Hồ. Họ tới như thể đang trở về nhà, để tìm hương vị quê hương qua những bún mắm, bún bò. Chị Ngô Thái Hoàng, người Cần Thơ vừa thưởng thức món cốm dẹt đặc sản miền Tây vừa nói: “Em tới tìm mua dầu gió mà không thấy. Nhưng lại mua được thứ mắm hồi ở quê cả nhà thường ăn”. Thứ mắm nguyên chất mà chị Hoàng mua có tên gọi rất lạ, mắm Brâhok được ướp từ cá tươi, càng lâu năm càng thơm ngon, và là món không thể thiếu trong các bữa ăn gia đình Khơ-me Nam Bộ. Còn bà Thạch Sa Nga, người gốc Trà Vinh, lấy chồng Hà Nội đã 20 năm và hiện trú tại phố Đội Cấn cũng tất tả tới tìm thứ gia vị Brâhok để mong làm cho chồng con món canh Sâmlâ và bún nước lèo từ lâu đã trở thành đặc sản của người Trà Vinh. Ngày hội Khơ-me Nam Bộ không phải chỉ là dịp vui của người Hà Nội mà còn cho người Nam Bộ xa quê thấy ấm lòng.

Hai ngày qua, người Hà Nội được thưởng thức những tiết mục từng nhận giải thưởng tại “Ngày hội văn hóa Khơ-me Nam Bộ lần thứ 2” (vừa tổ chức tại Kiên Giang). Giữa trời thu Hà Nội, các diễn viên không chuyên Nam Bộ bày tỏ rõ ràng tình cảm của mình với người Hà Nội: “Mừng ngày hội hôm nay, em từ miền Tây ra đó. Hát cùng Hà Nội, anh em một nhà như cây một cột, đất nước nở hoa...”. Không nghi ngờ gì, đồng bào Khơ-me về thủ đô không chỉ là dự hội, mà họ còn đang giao lưu với người Hà Nội, đang giới thiệu những thành tựu văn hóa - kinh tế mà mình đã đạt được trên tinh thần bình đẳng và đầy tự tin.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lung linh sắc màu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.