Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ chàng sinh viên y khoa đến ông "vua" cà phê cao nguyên

THUHANG| 29/10/2003 10:02

Năm 1996, chàng sinh viên Đặng Lê Nguyên Vũ chuẩn bị nhận tấm bằng tốt nghiệp ĐH Y Tây Nguyên. Là người gốc Quảng Nam

Cà phê Trung Nguyên ở Hà Nội đã được khách hàng tín nhiệmNăm 1996, chàng sinh viên Đặng Lê Nguyên Vũ chuẩn bị nhận tấm bằng tốt nghiệp ĐH Y Tây Nguyên. Là người gốc Quảng Nam "chưa mưa đã thấm", Vũ thấu hiểu tận "chân tơ kẽ tóc" của bao gian nan mà ba má anh đã phải chịu đựng để tạo dựng một cơ nghiệp tạm gọi là đủ cho các con được học hành đến nơi đến chốn.

Cứ tưởng cùng với những mong mỏi của gia đình, với tấm bằng tốt nghiệp Y khoa loại ưu, chàng sinh viên này sẽ lập tức trở thành một bác sĩ tại một bệnh viện tên tuổi nào đó, hoặc chí ít cũng mở một phòng khám tư đủ để sống và giúp đời.

Thật bất ngờ, ngay sau khi nhận tấm bằng cử nhân Y khoa, cuộc đời Vũ chuyển ngang sang một hướng khác. Vũ không theo ngành vừa học nữa mà quyết định tìm kiếm một cơ hội ngay trên đất cao nguyên "bạt ngàn cà phê, bạt ngàn cao su".

Quan sát cái thị trường bé nhỏ của thị xã Buôn Ma Thuột hồi đó, điều làm Vũ băn khoăn nhất là tại sao ở ngay chính xứ sở cà phê mà chất lượng của cà phê từng nơi lại khác nhau đến vậy? Tại sao người sành cà phê thường chỉ đến uống ở quán đó, quán nọ mà các quán ngay bên cạnh được đầu tư chẳng thua kém gì lại cứ vắng khách? Tại sao cùng một nơi bỏ mối, không phải cà phê lúc nào cũng tốt như lúc nào?...

Hàng loạt câu hỏi tại sao cứ nhảy nhót trong đầu chàng trai trẻ "túi rỗng không" mà lòng trải rộng muôn phương ấy. Rốt cuộc rồi Vũ cũng tìm ra được lời giải cho cái bài toán tưởng như đơn giản mà lại rất phức tạp ấy chẳng qua chỉ nằm trong khâu chế biến.

Cùng là một loại cà phê hạt, thu mua từ các buôn làng về, ngon hay không, được ưa chuộng hay không, rút cuộc đều nằm ở khâu chế biến, và điều này với mỗi nhà được coi như bí mật gia truyền.

Trước khi quyết chí lao vào công cuộc kinh doanh mạo hiểm này là những ngày dài lần lượt đi uống thử ở mọi quán cà phê nổi tiếng nhất Buôn Ma Thuột.

Năm1997, sau khi đã bàn bạc kỹ lưỡng, 4 thành viên đầu tiên của Tổ hợp sản xuất cà phê Trung Nguyên ra đời tại Buôn Ma Thuột, chen vai thích cánh hàng chục, thậm chí hàng trăm tổ hợp khác.

Để dựng một xưởng chế biến thủ công hoàn toàn cũng cần phải có số vốn ban đầu ít nhất là vài cây vàng. Thương con, ba má Vũ lại chắt chiu lo lắng giúp cho con có chút dấn vốn làm ăn ban đầu.

Vậy là tổ hợp tác Trung Nguyên ra đời cùng cái xưởng chế biến lụp xụp tranh tre nứa lá, ngốn của 4 thành viên 6 cây vàng. Cái chỗ ngày xưa đặt xưởng, giờ vẫn còn, và thay vào cái xưởng bé tẹo ngày xưa, giờ là một biệt thự, một khu nhà sừng sững mang tên Trung Nguyên.

Những ngày đầu tiên, kể cả chủ lẫn thợ đều lao vào làm ,hết sơ chế, chế biến, lại đi thu mua, bỏ mối. Cứ tưởng giữa xứ sở của cà phê và hằng hà sa số cách chào mời, Trung Nguyên khó mà có thể trụ vững nổi.

Vũ lao vào làm, hỏng lại thử, lại làm lại, với một ý nghĩ luôn nung nấu thường trực: phải giới thiệu một cách nhanh nhất, loại cà phê thượng hạng của Trung Nguyên cho dân nghiền cà phê Tây Nguyên tìm mua.

Còn nhớ, vào giữa những ngày gian nan nhất ấy, một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Nhà nước ghé qua Buôn Ma Thuột và nghỉ tại khách sạn Thắng Lợi. Vũ họp anh em lại và quyết chí tìm mọi cách gặp mặt vị lãnh đạo để... giới thiệu về sản phẩm cà phê của mình.

Chẳng biết bằng cách nào mà anh đã vượt qua được mấy hàng rào bảo vệ để gặp bằng được vị lãnh đạo đó, rồi biếu... hai bịch cà phê.

Chẳng biết vì cà phê ngon, hay vì tấm lòng của chàng trai trẻ quyết chí làm giàu trên đất cao nguyên, mà những ý kiến tốt lành từ vị lãnh đạo kia cứ thế lan tỏa. Cà phê Trung Nguyên được để ý tới, được tạo thêm các điều kiện để lớn mạnh hơn và đi xa hơn.

Năm 1998, cà phê Trung Nguyên đã chinh phục cả xứ sở cà phê Buôn Ma Thuột. Năm 1999, tổ hợp tác, xưởng thủ công được nâng cấp thành Xí nghiệp cà phê Trung Nguyên. Năm 2000, cà phê của Vũ đã xuất hiện tại thành phố Hồ Chí Minh với  khẩu hiệu "Khởi nguồn cho mọi sự sáng tạo". Tiếp đó, 2001 - 2002, Trung Nguyên xuất hiện trên địa bàn phía Bắc, đặt chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành miền Trung, rồi đồng bằng Nam Bộ. Cũng trong thời gian ấy, xí nghiệp đã được nâng cấp một lần nữa thành Công ty Cà phê Trung Nguyên với câu cửa miệng của bất kỳ ai: Khơi nguồn sáng tạo.

Bây giờ thì Trung Nguyên đã trở thành một thương hiệu mạnh nhất nước về sản phẩm này. Cùng với uy tín trên thương trường, kỹ thuật công nghệ cao ở khâu chế biến, cà phê Trung Nguyên được đón nhận nồng nhiệt ở tất cả mọi nơi. Và không chỉ dừng lại ở quốc nội đã bắt đầu vươn ra các thị trường quốc tế châu Âu, châu Mỹ...

Bắt đầu từ 6 cây vàng, sự đầu tư đúng hướng của Vũ đã tạo nên cả một huyền thoại làm giàu ở xứ cao nguyên này. Mới đây nghe tin Vũ lại vừa khởi công Nhà máy mới tại khu công nghiệp Đắc Lắc, trị giá 10 triệu USD và tiếp tới sẽ cho ra đời sản phẩm mới - Cà phê nhúng - cộng với sản phẩm Trà tiên sản xuất từ một nhà máy chế biến trà mà Vũ mới mua lại.

Con đường Trung Nguyên còn rất dài và rất xa. Để bảo vệ Thương hiệu của mình cũng có nghĩa là phải đồng lòng chung sức lo cho sứ mệnh bảo vệ Thương hiệu Việt tiến tới hội nhập kinh tế quốc tế - Điều mà Vũ hằng trăn trở...

Thu Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ chàng sinh viên y khoa đến ông "vua" cà phê cao nguyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.