Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viễn thông Việt Nam ứng phó với bão vũ trụ

TUANANH| 31/10/2003 14:56

Theo thông báo của Viện Vật lý địa cầu, hôm qua (30/10) là ngày bão từ hoạt động mạnh nhất ở Việt Nam. Các đơn vị trong ngành viễn thông triển khai chống nhiễu sóng và sẵn sàng chuyển đổi tần số, giờ phát sóng cho một số khu vực, công suất điện truyền tải qua các lưới điện cũng được giảm xuống mức an toàn..

"Bão" càng mạnh hơn

Ngày 29.10, đám mây khí và các hạt nhiễm điện từ di chuyển với tốc độ hơn 9 triệu km/h bắt đầu đổ xuống trái đất. Đến tối cùng ngày một "vụ nổ" khác xuất hiện, gây ra một cơn bão địa từ mạnh hơn rất nhiều tấn công trái đất trong ngày 30.10.

Trao đổi với báo chí, TS. Hà Duyên Châu - Viện phó Viện Vật lý địa cầu cho hay, các ghi nhận địa từ ban đầu cho thấy cơn bão từ vẫn đang rất mạnh ở cấp G5 (cấp độ mạnh nhất của bão từ), xuất hiện nhiều lớp bão chồng lên nhau. Lớp từ trường của trái đất bị xáo trộn khi va chạm dữ dội với gió mặt trời. Song cho đến nay, vẫn chưa có thiệt hại nghiêm trọng nào do cơn bão từ gây ra được ghi nhận. Các quan sát nhận định cơn bão từ đang suy yếu nhanh chóng và đây được coi là điều may mắn. Dẫu vậy, "nhiều khả năng cơn bão còn kéo dài đến tuần sau" - TS. Hà Duyên Châu nhận định.

Trong cơn bão từ lần này, mặt trời sẽ phóng xuống trái đất hàng tỉ tấn khí với nhiệt độ cao, gây hư hại cho lớp vỏ từ trường trái đất và ảnh hưởng tới các thiết bị viễn thông, hàng không, đường ống dầu khí và có thể làm rối loạn chức năng tim mạch ở những người thể trạng yếu.

Ông Châu cho biết, đây là trận bão thứ năm từ đầu năm 2003 đến nay và là trận bão bất thường bởi theo chu kỳ, bão mặt trời đang có xu hướng yếu dần trước khi tăng lên cấp độ mạnh nhất vào năm 2010. Ngoài khí nóng và các hạt nhiễm điện, các cơn bão từ đe doạ gây ra các vụ nổ bức xạ điện từ cực mạnh và các bức xạ này (như tia X) có thể gây nhiễu loạn hệ thống thông tin radio.

Đương đầu

Trước đó, Viện Vật lý địa cầu cảnh báo rằng, do tác động của bão mặt trời, nếu không thực hiện giảm công suất truyền tải điện trên đường dây 500KV, hệ thống rơle sẽ nhảy gây sự cố mất điện.

Ông Nguyễn Bỉnh Niệm - Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia - cho biết: "Trung tâm quyết định cho giảm công suất truyền tải trên lưới điện 500KV". Đối với ngành viễn thông, ảnh hưởng của sóng tới các thiết bị viễn thông cũng như chất lượng phát sóng vẫn được coi là hiện tượng thường xuyên.

Ứng phó với cơn bão này, Giám đốc Trung tâm thông tin bưu điện (TCty Bưu chính Viễn thông) - ông Bùi Quốc Việt cho hay: "Trước mắt chúng tôi khuyến cáo các khách hàng thận trọng khi sử dụng các thiết bị viễn thông trong giờ cơn bão lên "cao điểm". Còn hiện chúng tôi đang tiến hành các biện pháp chống nhiễu và sẵn sàng đổi tần số phát sóng, giờ phát sóng cho một số khu vực tránh hiện tượng nhiễu, loạn hay mất sóng".

Theo Lao Động

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viễn thông Việt Nam ứng phó với bão vũ trụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.