Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi khổ tắc đường

THUHANG| 03/11/2003 10:12

Ngã ba Tôn Thất Tùng - Trường Chinh là một trong những điểm nóng về ùn tắc giao thông. Mặc dù từ đầu tháng 9, các lực lượng Công an, Thanh tra GTCC và thanh niên tình nguyện thường xuyên có mặt tham gia điều hành, hướng dẫn phương tiện qua lại, nhưng không ít ngày ùn tắc giao thông đã kéo dài tới 2-3 giờ mới giải tỏa được

Ngã ba Tôn Thất Tùng - Trường Chinh là một trong những điểm nóng về ùn tắc giao thông. Mặc dù từ đầu tháng 9, các lực lượng Công an, Thanh tra GTCC và thanh niên tình nguyện thường xuyên có mặt tham gia điều hành, hướng dẫn phương tiện qua lại, nhưng không ít ngày ùn tắc giao thông đã kéo dài tới 2-3 giờ mới giải tỏa được.

Người dân sống quanh khu vực này cho biết, nhiều hôm vào lúc cao điểm, hàng đoàn xe dài nối đuôi nhau nhích từng tí một, tiếng động cơ, còi xe inh ỏi cộng với bụi, khói làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cũng theo những người dân sở tại, sở dĩ ùn tắc thường xuyên xảy ra là do đường Trường Chinh là tuyến đường vành đai, mật độ phương tiện lớn nhưng hẹp, lại thêm 2 giao cắt với đường Tôn Thất Tùng và Lê Trọng Tấn quá gần nhau, vì vậy để giải quyết triệt để có lẽ ngoài việc phân luồng phương tiện, rất cần đầu tư cải tạo nâng cấp tuyến đường này. Tuy nhiên qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, ngoài nguyên nhân nêu trên, ùn tắc nhiều khi còn xuất phát từ chính những người tham gia giao thông. Phổ biến là việc lấn làn đường, đi không đúng phần đường quy định, mạnh ai nấy đi làm cho nút giao thông đã chật chội càng thêm rối loạn.

Điển hình cho cảnh mạnh ai nấy đi này là tuyến đường hai đầu cầu Chương Dương. Mặc dù không thể phủ nhận cầu Chương Dương, cây cầu huyết mạch trên trục Quốc lộ 1 qua Hà Nội, đang chịu sự quá tải về phương tiện (bình quân mỗi ngày có 18.000 đến 20.000 lượt xe ôtô và 200.000 xe máy qua lại, trong khi thiết kế dành cho khoảng 10.000 đến 12.000 xe ôtô), những thói quen đi bừa bãi không tôn trọng Luật Giao thông cũng là nguyên nhân cơ bản gây ra cảnh ùn tắc giao thông. Có mặt tại đầu cầu Chương Dương vào những ngày cuối tháng10, khi ùn tắc giao thông ở đây trở nên nghiêm trọng, chúng tôi được chứng kiến cảnh tượng 3-4 xe ôtô dàn hàng ngang, chiếm cả phần đường dành cho xe môtô để chen nhau lên cầu, làm cho đường tắc càng tắc thêm. Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông phải căng ra để hướng dẫn, điều khiển giao thông, song nhiều lúc đành bất lực trước biển người và phương tiện hỗn loạn.

Một tuyến đường nữa cũng thường ùn tắc là tuyến đường Giải Phóng, trong đó nút Đại Cồ Việt - Lê Duẩn - Giải Phóng là tâm điểm. Đây là nút giao thông rộng, đã được cải tạo mấy năm trước nhưng lại có tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua. Dàn chắn tàu ở đây đã được tự động hóa, giải quyết một bước về an toàn, nhưng do chiều rộng đường ngang lớn nên thời gian tàu chạy qua và thời gian đóng mở chắn dài. Nếu đoàn tàu tốc độ chậm lại chẳng hạn như tàu khách nối thêm toa, thời gian đóng mở chắn chỉ kéo thêm khoảng 2 phút thì lượng người và phương tiện phải dừng lại tăng rất nhanh và rất lớn. Khi đã xảy ra ùn tắc thì tốc độ lưu thoát dòng phương tiện ở nút này càng chậm và sẽ gây ra phản ứng dây chuyền đến các nút giao thông khác gần đấy.

Tại nút Lê Thanh Nghị - Giải Phóng, tuy mới chỉ dừng ở mức độ ùn ứ chứ chưa đến nỗi tắc đường nhưng lưu lượng phương tiện qua lại nút này rất lớn nên cảnh sát phải làm việc khá vất vả. Trong khi đó hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông ở đây có số ngày hoạt động đếm trên đầu ngón tay. Được biết lý do là ban quản lý dự án lắp đặt hệ thống đèn này nợ chưa thanh toán tiền điện nên bên Điện lực cắt điện, khiến cho hệ thống đèn phải ngừng hoạt động.

Tình trạng ùn tắc giao thông xuất hiện trở lại, với khoảng 30 điểm trong tháng 10 đã được ông Nguyễn Đức Nhanh, Phó giám đốc Công an thành phố khẳng định. Theo ông, trong thời gian vừa qua, việc chỉ đạo và triển khai các biện pháp kiên quyết nhằm lập lại trật tự giao thông, trật tự đô thị có phần chững lại so với thời gian đầu, số lượng phương tiện ôtô cá nhân tiếp tục phát triển, trong khi số phương tiện ngoại tỉnh về Hà Nội vào những tháng cuối năm tăng. Vì vậy ùn tắc giao thông vẫn là chuyện nan giải.

HNM

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗi khổ tắc đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.