Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thương người như thể thương thân…

HONGVAN| 10/11/2003 16:06

Gần 10 năm qua, thỉnh thoảng từ trong căn nhà nhỏ của anh Nguyễn Hùng Hải - chị Trần Thị Loan, thông Bằng B, xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì, lại vang lên những tiếng loảng xoảng, đỗ vỡ. Người gây ra những

Cháu Thanh Vân -Ảnh: M.H

Gần 10 năm qua, thỉnh thoảng từ trong căn nhà nhỏ của anh Nguyễn Hùng Hải - chị Trần Thị Loan, thông Bằng B, xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì, lại vang lên những tiếng loảng xoảng, đỗ vỡ. Người gây ra những "âm thanh buồn" ấy là cô bé Nguyễn Thanh Vân, năm nay vừa tròn 14 tuổi. Sinh ra với cánh tay phải bị tật, rất yếu ớt, lại thêm bệnh động kinh, không ít lần co bé làm bố mẹ, em gái sợ "hết hồn". Bốn người chỉ trông vào hơn 2 sào ruộng khoán, lại thêm thuốc thang cho đứa con bệnh tật nên chưa có một ngày được dư dả. Gánh nặng cơm áo và nỗi buồn phiền đã khiến cho cho hai vợ chồng già sọm đi trước cái tuổi 40…

15 năm trước, anh Hải xây dựng gia đình với chị Loan, một cô gái cùng thôn. hai bên gia đình đều khó khăn, không có gì để bù đắp, đôi vợ chồng trẻ tự lo cuộc sống riêng, hơn một năm sau ngày cưới, chị Loan sinh cho anh Hải đứa con gái đầu lòng, đó chính là cô bé Nguyễn Thanh Vân. Lúc sinh ra, Vân cân nặng 3 kg nhưng cánh tay phải hơi cong, lại nhỏ và yếu hơn tay trái. Không đành lòng nhìn tay con ngày càng teo lại, hai vợ chồng vay mượn thay nhau đưa con đến các bệnh viện để điều trị. Món nợ phát triển còn bệnh tật của con thì vẫn vậy. Các bác sỹ kết luận cháu bị liệt dây thần kinh số 9, không thể phục hồi lại được.

Buồn nhưng anh Hải - chị Loan không nản chí. Họ kiên nhẫn dạy cho con cách cầm bút, thìa… bằng cánh tay trái. Đến năm lên 8 tuổi, Vân được bố mẹ cho đi học. Nhưng số phận vẫn chưa chịu mỉm cười với cô bé tật nguyền này. Chưa làm quen hết bảng chữ cái, Vân phát bệnh mới: động kinh - với những cơn co giật không hề được báo trước. Vậy là việc học hành phải bỏ dở. Hiện nay, tay phải của cháu bị teo lại chỉ bằng 1/2 tay trái. Đã vậy, đầu năm 2001, Vân lại bị tai nạn xe máy gẫy chân phải. Vậy là mọi sinh hoạt cá nhân, bố mẹ đều phải phục vụ.

Năm 1995, vợ chồng chị Loan sinh thêm một con người nữa. Năm nay, cô bé Nguyễn Thanh Dương lên lớp 2 và học khá giỏi. Cả nhà - 4 miệng ăn - chỉ trông vào hơn 2 sào ruộng cấy lúa và 1,5 sào ruộng thuê để trồng rau. (Anh Hải là công nhân xây dựng về nghỉ chế độ mất sức, sau khi xã đã chia ruộng lên không có suất). Cũng cần mẫn, chịu khó trồng rau cần, cải xoong, rau muống…mùa nào thức ấy nhưng túng thiếu vẫn hoàn túng thiếu. Bởi lẽ, tính ra từ làm ruộng nếu thời tiết thuận lợi, mỗi tháng anh chị cũng chỉ thu về được 400.000 - 500.000. Ngần ấy tiền, lo cho 4 miệng ăn, lại thuốc thang Vân, tiền học cho Dương… chị Loan bảo "chưa lúc nào hết nợ". Nhiều khi muốn chăn nuôi để cải thiện đời sống nhưng nhà chật chội, chẳng có chỗ làm chuồng lợn, chuồng gà, "cái khó bó cái khôn", đành thôi.

Bao nhiêu năm qua, cuộc sống cứ lặng lẽ trôi qua trong sự hy vọng của cả hai vợ chồng. Hy vọng chữa khỏi bệnh cho con đã dần phôi pha. Lúc này, họ chỉ mong đến một ngày, cuộc sống sẽ bớt đi nỗi vất vả, thiếu thốn. Nhưng họ hiểu rằng, niềm hy vọng duy nhất ấy, sẽ chẳng thể biến thành hiện thực nếu thiếu đi những tấm lòng nhân ái - Biết "thương người như thể thương thân" - từ cuộc đời này.

Nguyễn Minh

Bạn đọc xa gần có tấm lòng hảo tâm ngoài việc liên hệ trực tiếp với địa chỉ trên, có thể liên lạc với Báo Hànộimới điện tử theo địa chỉ:

Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
 Điện thoại – Fax: 04 – 9287445
 Email: tuthien@hanoimoi.com.vn

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thương người như thể thương thân…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.