Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viết ngắn gọn để tiết kiệm thời gian cho độc giả

ANHTHU| 11/11/2003 15:14

Bạn đọc biết đến Nhà báo Phan Thế Hải thông qua những bài viết về các vấn đề kinh tế nóng bỏng của đất nước gây xôn xao dư luận. Anh còn là tác giả của một số đầu sách, trong đó có cuốn “Đặng Tiểu Bình- Nhà cải cách kinh tế hàng đầu thế kỷ XX” vừa mới được nhà xuất bản Thanh Niên tái bản lần thứ 8. Và cuốn sách vừa

Bạn đọc biết đến Nhà báo Phan Thế Hải thông qua những bài viết về các vấn đề kinh tế nóng bỏng của đất nước gây xôn xao dư luận. Anh còn là tác giả của một số đầu sách, trong đó có cuốn “Đặng Tiểu Bình- Nhà cải cách kinh tế hàng đầu thế kỷ XX” vừa mới được nhà xuất bản Thanh Niên tái bản lần thứ 8. Và cuốn sách vừa "ra lò"được bạn đọc chú ý "Sửa mình để thích ứng với cuộc chơi".

* Từ “ Cuộc khủng hoảng đã được báo trước”đến “Đặng Tiểu Bình- Nhà cải cách kinh tế hàng đầu thế kỷ XX”và mới tinh là cuốn“Sửa mình để thích ứng với cuộc chơi” .. điều gì khiến anh đi vào mạch viết thời sự nóng bỏng này?

- Một người bạn vong niên đã nói với tôi: Ông nhìn đâu cũng thấy vấn đề. Phải chăng vì phẩm chất đó mà tôi bước vào nghề báo một cách khá tự nhiên. Khi đã là một nhà báo, tôi có điều kiện đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều tầng lớp, đặc biệt là giới chức và doanh nhân. Không ít những vấn đề là đương nhiên ở các nước có nền kinh tế thị trường thì đối với mình vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí rơi vào một cuộc tranh cãi mịt mùng, không lối thoát. Do thiếu thông tin, việc tranh luận như vậy không những không đi đến chân lý mà còn rơi vào những vòng xoáy luẩn quẩn. Là một phóng viên kinh tế, tôi thấy mình cần phải giải thích rõ những vấn đề đại loại như vậy một cách rõ ràng, dễ hiểu để bạn đọc đỡ mất thời gian.

“Điều tâm đắc nhất của anh ở mỗi cuốn sách?

- Cuốn thứ nhất có tựa đề:“Cuộc khủng hoảng đã được báo trước” là tập hợp một số bài viết của tôi kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở Thái Lan (02/07/1997). Trước sự kiện đó, không ít nhà chính trị cho rằng, đó là việc của Thái Lan, Việt Nam đứng ngoài cuộc do chưa có thị trường chứng khoán, chưa tham gia vào thị trường vốn quốc tế... nhưng thực ra thì đó chỉ là cách tự trấn an. Kết cục của nền kinh tế Việt Nam đã chịu ảnh hưởng ra sao thì chỉ có các doanh nghiệp mới là đối tượng phải “ngấm đòn” . Nền kinh tế cũng như một cơ thể sống, bệnh tật không phải ngẫu nhiên bùng phát mà đều có trình tự: Mầm bệnh, ủ bệnh, phát bệnh... Cuộc khủng hoảng năm 1997 là điều mà nhiều nhà kinh tế Mỹ đã cảnh báo trước đó.

Trong lĩnh vực kinh tế, tư duy theo kiểu Mỹ đang được coi là khoa học nhất. Cuốn thứ hai: “Đặng tiểu Bình- Nhà cải cách kinh tế hàng đầu thế kỷ XX”là hệ quả của cuốn thứ nhất. Điều này tôi đã nói ở lời nói đầu. Cũng chính từ những thực tiễn bức xúc từ thực tiễn Việt Nam, tôi muốn viết một cuốn sách quy mô về công cuộc đổi mới, nhưng quả là rất khó, vì còn phải đụng chạm với bao nhiêu vấn đề nhạy cảm. Bắt chước cụ Nguyễn Du, tôi cũng lấy một điển tích Trung Quốc ở giai đoạn hiện nay không có nhân vật nào thích hợp hơn Đặng Tiểu Bình khi viết về đề tài kinh tế, cuốn sách đã được ra đời như vậy. Còn cuốn thứ 3, mang tên: “Sửa mình để thích ứng với cuộc chơi" lĩnh vực này đang là một điểm nóng của dư luận. Trong vòng mười năm qua, ở VN đã có ba cơn sốt đất gây náo loạn đời sống đô thị. Trong nền kinh tế thị trường, hiện tượng sốt đất bùng phát như thời gian qua là khó có thể chấp nhận, khi ta vẫn có bộ máy nhà nước đủ mạnh để can thiệp vào mọi hoạt động KT- XH. Mọi giải pháp sẽ đơn giản hơn nhiều nếu thừa nhận đất đai hay chính xác hơn là quyền sử dụng đất là hàng hoá. Tôi đã viết khá nhiều về đề tài này, nay muốn chứng tỏ với bạn đọc rằng, mình vẫn tồn tại nên đành phải xuất bản thành sách.

Những cuốn sách đó đã đến với bạn đọc ra sao?

- Mỗi cuốn sách đều có một thành công riêng. Cuốn thứ nhất, tôi đã nhận được khá nhiều thư và bạn đọc, họ không băn khoăn nhiều về nội dung, chỉ khen chê chung chung, còn cuốn thứ hai thì quả là một sự đón nhận nồng nhiệt. Có cụ già 82 tuổi, vốn là đại tá quân đội đã nghỉ hưu, trăn trở nhiều trước chuyển động của đất nước nhưng quá nhiều hiện tượng đang diễn ra mà không lý giải nổi, khi đọc cuốn sách của tôi đã giải toả được những thắc mắc đó. Nhiều bạn trẻ không viết thư thì gọi điện, trao đổi hàng giờ về những vấn đề mà cuốn sách nói chưa “đủ độ”

Anh nghĩ các doanh nhân Việt Nam hôm nay đọc được gì bổ ích cho công việc của họ qua những trang sách của anh?

- Dĩ nhiên, như tôi nói ở trên, tôi cố gắng lý giải mọi vấn đề một cách đơn giản, tránh đi vào lý luận kinh điển, rậm rì rắc rối. Bạn đọc sẽ có điều kiện để nắm bắt vấn đề một cách nhanh hơn mà không cần tốn nhiều thời gian. Ví dụ chủ nghĩa xã hội là gì, kinh tế nhiều thành phần là gì, lãnh đạo là gì.... những khái niệm đó, tôi đã cố gắng giải thích trong một vài câu ngắn gọn, ai cũng có thể hiểu được.

Anh có gặp sóng gió gì khi xông vào những vấn đề gay cấn?

Khi nói đến cái mới, không thể không đụng chạm đến cái cũ, cả một hệ tư tưởng đã từng ăn sâu vào nhiều tầng lớp trong nhiều năm. Nhiều người cho rằng tôi thân phương tây, khen Mỹ, nhưng không thể không khen khi họ đáng khen, không thể không ca ngợi phương Tây khi những giá trị vật chất lẫn tinh thần, những thành tựu mà họ đạt được ngày hôm nay là đáng tôn vinh. Có lẽ vì những lý do này mà bản thảo cuốn sách của tôi bị “ngâm”nhiều tháng mới được ra mắt.

Đề tài kinh tế được vẫn được coi là sân riêng của những người lớn tuổi, theo anh các bạn trẻ muốn thành công trong lĩnh vực này cần phải có điều kiện gì?

Việt Nam mới chuyển sang nền KT thị trường, Kinh tế là một lĩnh vực chuyên môn khá mới mẻ và chưa có một hệ thống lý luận hoàn chỉnh về đề tài này. Tôi vốn tốt nghiệp trường Kinh tế quốc dân, để tiếp cận những thành tựu mới nhất, không có cách nào khác là phải tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài, đặc biệt là các nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Các bạn trẻ thường tỏ ra vượt trội trong việc tìm hiểu kinh nghiệm nước ngoài so với người lớn tuổi bởi khả năng ngoại ngữ và sử dụng Internet. Tuy nhiên, những kinh nghiệm của nước ngoài sẽ trở nên vô nghĩa nếu không thấu hiểu sâu sắc hoàn cảnh Việt Nam. Đặc biệt là hệ thống quan hệ vô cùng phức tạp của nền hành chính bị chi phối bởi hàng ngàn mối quan hệ tình cảm, họ hàng, huyết thống, vay trả.... Không thể viết hay nếu không hiểu tường tận mọi vấn đề.

Khi đặt bút viết anh thường nghĩ tới điều gì để truyền đạt thông tin, nhất lànhững vấnđề không phải dễ suy luận về kinh tế?

Một danh nhân nào đã nói: Viết ngắn mới là khó, đặc biệt là diễn đạt mọi vấn đề phức tạp theo cách ngắn gọn lại càng khó hơn. Có những điều không diễn đạt bằng lời mà thông qua hình ảnh gần gũi với đời thường để bạn đọc suy ngẫm cũng là một cách tiết kiệm thời gian cho độc giả. Để làm được điều đó, phải chịu khó va chạm vào thực tiễn, đặc biệt là cuộc sống đời thường vốn vẫn diễn ra rất đa dạng sinh động trong đời sống từ thôn quê đến đô thị hôm nay.

Kim Hàm(thực hiện)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Viết ngắn gọn để tiết kiệm thời gian cho độc giả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.